Làng Thanh niên lập nghiệp trên dãy Trường Sơn

06:00 | 19/10/2022

1,944 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cuối tháng 9, vùng núi Quảng Nam chớm vào mùa mưa. Cỏ cây dọc con dốc đứng dẫn lên Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) ướt đẫm vì những cơn mưa rừng. Trên đỉnh dốc, ẩn khuất đằng sau màn mưa là nơi lập nghiệp của 60 gia đình trẻ, gồm nhiều dân tộc khác nhau.
Làng Thanh niên lập nghiệp trên dãy Trường Sơn
Màu xanh ở Làng TNLN Thạnh Mỹ


Ước mơ an cư thành hiện thực

Nếu tìm cụm từ “làng thanh niên lập nghiệp” trên Internet, “ông” Google sẽ cho 116.000 kết quả trong 0,32 giây. Gắn với đó là các từ “bất cập”, “hoang tàn”, “rút kinh nghiệm”... Nhưng Làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) Thạnh Mỹ hoàn toàn khác. Đi qua con dốc đứng dẫn vào làng là một màu xanh cây trái ngút tầm mắt. Ẩn hiện sau màu xanh ấy là những dãy nhà sát nhau, trước cổng thấp thoáng dòng chữ đỏ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - một nét đặc trưng của các căn nhà vùng cao Quảng Nam.

Dự án Làng TNLN Thạnh Mỹ là 1 trong 15 làng TNLN được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phê duyệt, triển khai trong giai đoạn 2013-2020. Giấc mơ an cư của 60 hộ gia đình trẻ tại Thạnh Mỹ được bắt đầu từ đó.

Nhà Hiên Chưu là 1 trong 60 gia đình ở Làng TNLN Thạnh Mỹ, sân nhà ngào ngạt mùi hoa bưởi. Giống bưởi nhà Chưu trồng là bưởi da xanh - cây bản địa của miền Tây Nam Bộ. Giống bưởi này được đem lên miền núi Quảng Nam trồng đã 3 năm, bắt đầu cho lứa quả bói đầu tiên. Cây từ nơi xa đến vùng đất mới này đâm chồi nảy lộc, ra hoa đậu quả là điềm tốt. Cũng tựa như chuyện “đất lành chim đậu” với hơn 230 nhân khẩu nơi đây, đa phần là những người ở xa.

Tay vừa cầm kéo bấm cành bưởi, Chưu vừa kể: Anh 37 tuổi, là người dân tộc Ve, quê ở xã biên giới Đắc Pre, cách trung tâm huyện Nam Giang hơn 60km. Cha Chưu trước đây tham gia cách mạng, sau này về già được nhận tiền chế độ thương bệnh binh. Mỗi lần Chưu ra huyện nhận tiền chế độ là đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về tới nhà. Chưu bảo, kể chuyện đó để mọi người biết Đắc Pre xa xôi, cách trở thế nào.

Làng Thanh niên lập nghiệp trên dãy Trường Sơn
Những đứa trẻ ở Làng TNLN Thạnh Mỹ

Năm 2018, Chưu về Làng TNLN Thạnh Mỹ xây dựng cuộc sống mới. Gia đình Chưu được cấp đất làm nhà, cấp đất sản xuất, được hỗ trợ tiền làm nhà... Chưu vay mượn thêm, vận dụng kinh nghiệm sau những lần đi phụ hồ, vừa thuê thợ, vừa tự xây, tự dựng lên căn nhà của mình. Căn nhà theo lời Chưu thì “trước đây trong mơ tôi cũng chưa dám nghĩ tới”. Sau gần 5 năm ở làng, gia đình Chưu có 2 cậu con trai, có nhà cửa chắc chắn, có vườn, có đất rừng sản xuất, thu nhập gần 100 triệu/năm từ chăn nuôi, trồng trọt. Cuộc sống ổn định, cứ thế tốt dần lên.

Những trường hợp như Hiên Chưu ở Làng TNLN Thạnh Mỹ không phải là hiếm, có rất nhiều cuộc đời, nhiều gia đình đã ổn định cuộc sống từ đây.

Arất Bước là một trong số thanh niên điển hình làm kinh tế giỏi của làng. Năm 2018, Bước cùng vợ là Bloong Thị Vàng lên đây ở. Nhà Bước ở ngay làng Mực, cách Làng TNLN Thạnh Mỹ chừng 2km. Gia đình Bước nghèo, lại đông anh em, vợ chồng phải ở chung cùng bố mẹ, không có tiền làm nhà riêng. Khi có chủ trương mở Làng TNLN, Bước bàn với vợ xin đăng ký tham gia. Lên Làng TNLN Thạnh Mỹ định cư, được hỗ trợ tiền để làm nhà, có vốn làm ăn, lại được hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi, đến nay, vợ chồng Bước đã có thu nhập ổn định. Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình Bước là một điển hình làm kinh tế của làng.

Làng Thanh niên lập nghiệp trên dãy Trường Sơn
Gia đình hạnh phúc của Hiên Chưu

Cùng ăn, cùng ở, cùng làm

Dự án Làng TNLN Thạnh Mỹ có tổng diện tích theo quy hoạch 600 ha. Mỗi hộ gia đình thanh niên khi vào Làng TNLN Thạnh Mỹ ở sẽ được cấp 600m2 đất ở, hỗ trợ 20 triệu đồng làm nhà, cấp 3 ha đất rừng sản xuất, 3 ha đất rừng khoanh nuôi phục hồi với mức tiền hỗ trợ 400.000 đồng/năm/ha. Những tháng đầu đến làng, các hộ gia đình còn được hỗ trợ cây, con giống và gạo.

Làng TNLN Thạnh Mỹ được Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Nam (Tổng đội) trực tiếp xây dựng, phụ trách và phát triển, đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp. Rút kinh nghiệm từ những làng TNLN khác, sau khi bàn giao về chính quyền địa phương thì không duy trì được, Tổng đội đã cử “chuyên gia” ở lại cùng ăn, cùng ở, cùng làm với mọi người.

“Chuyên gia” là cách thanh niên địa phương ưu ái gọi anh Nguyễn Ngọc Thu. Thực chất, Thu là cán bộ của Tổng đội. Anh được phân công về làng phụ trách từ những ngày đầu với kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với hoạt động kinh tế cùng công tác thanh niên miền núi, đồng bào vùng khó khăn. Anh Thu được tin tưởng giao trọng trách ở lại cùng thanh niên ươm mầm những mô hình, xây dựng thành công mô hình làng lập nghiệp điển hình. Cùng với anh Thu, còn có 2 thành viên khác của Tổng đội được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc hoạt động của làng. Anh Thu là người trực tiếp cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc với thanh niên Làng TNLN.

Để khuyến khích thanh niên phát triển kinh tế, Tổng đội xây dựng hẳn một khuôn viên vườn, chuồng trại quy mô, xây dựng mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi để thanh niên học tập. Những đàn gà, đàn lợn được nhân giống tại chỗ, cung cấp, hỗ trợ cho các hộ gia đình để bước đầu làm ăn, phát triển kinh tế.

“Chuyên gia” Thu ngày ngày lao động sản xuất cùng anh em, hướng dẫn tỉ mỉ từng bước, từng công đoạn trong trồng trọt, chăn nuôi. Tối đến, Thu đi tới từng nhà để hỏi han, nắm bắt nguyện vọng của từng gia đình để kiến nghị, tư vấn Tổng đội định hướng, điều chỉnh phù hợp. Gắn bó với Làng TNLN Thạnh Mỹ, Thu trở thành người có uy tín, cũng là “chuyên gia” nông nghiệp của làng.

Trong bữa rượu tiếp khách phương xa, Arất Bước kể, nhà anh đã được cấp sổ đỏ đất ở và đất vườn. Anh Thu thông tin thêm, đến nay chính quyền địa phương đã cấp sổ đỏ cho hơn 40 hộ dân, số hộ còn lại đang chờ hoàn thiện thủ tục. Có điểm tựa vững chắc từ chính quyền, từ Tổng đội, có những người sâu sát như “chuyên gia” Thu, những hộ gia đình trẻ ở Làng TNLN Thạnh Mỹ từng bước ổn định, an cư lạc nghiệp, bỏ lại sau lưng cuộc sống bất định trước kia.

Dự án Làng TNLN Thạnh Mỹ có tổng diện tích 600 ha. Mỗi hộ gia đình thanh niên khi vào làng được cấp 600m2 đất ở, hỗ trợ 20 triệu đồng làm nhà, cấp 3 ha đất rừng sản xuất, 3 ha đất rừng khoanh nuôi phục hồi với tiền hỗ trợ 400.000 đồng/năm/ha...

Thanh Hiếu