Làng Chăm giữa lòng Sài Gòn

17:27 | 28/12/2017

5,903 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại khu chung cư đường Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) có một cộng đồng khoảng 300 dân cư người Chăm sinh sống hòa đồng với người Kinh trong suốt 20 năm qua. Song, cuộc sống của cư dân nơi đây vẫn lưu giữ được những nét đẹp văn hóa riêng của dân tộc Chăm.

Chúng tôi ghé thăm khu chung cư của người Chăm vào một ngày cuối năm. Trước hiên nhà, khoảng dăm người phụ nữ mặc đồ thổ cẩm, đầu trùm khăn che kín đang tụ tập chuyện phiếm vui vẻ. Trong số đó, một người phụ nữ luống tuổi đang nhồi bột mì làm bánh nở một nụ cười rất tươi khi thấy chúng tôi.

lang cham giua long sai gon

Quang cảnh lễ cưới của người Chăm

Người phụ nữ vẻ đôn hậu ấy tên Sophia, 56 tuổi. Bà đang làm một loại bánh Ấn Độ có tên Plata. Bánh bà Sophia làm ra, đa số là bán cho những người ở cùng trong chung cư và các hộ dân xung quanh. Bà cùng gia đình gồm 2 người con và 1 người cháu sống cùng với những người Chăm khác tại khu chung cư này.

Bà Sophia cho biết, người Chăm ở đây đều có nguồn gốc từ Châu Đốc, An Giang lên Sài Gòn sinh sống từ thời thuộc Pháp. Trước kia, mọi người sống tập trung quanh bờ kênh Thị Nghè, khi khu này bị giải tỏa thì họ được sắp xếp ở chung cư 86/1 đường Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh từ năm 1995. Ngoài ở đây, cộng đồng Chăm còn sống nhiều ở quận 6, quận 8, khu Nancy, Phú Nhuận...

Người Chăm sống ở đây vẫn giữ những bản sắc văn hóa riêng của dân tộc. Họ theo đạo Hồi, người phụ nữ dù ở trong nhà hay ngoài đường thì đầu vẫn trùm khăn che kín. "Chúng tôi chỉ không trùm đầu khi tắm rửa, đi ngủ hoặc bỏ khăn nếu có sự đồng ý của chồng, cha", bà Sophia cho biết.

lang cham giua long sai gon

Những người phụ nữ Chăm sinh sống tại khu chung cư

Thánh đường của người Chăm

Chú Mohamad (50 tuổi) cùng các anh em của mình vừa rời khỏi thánh đường sau giờ cầu nguyện buổi chiều. Tại khu chung cư này có một thánh đường Hồi giáo riêng cho người Chăm. Hằng ngày, cứ đến giờ cầu nguyện, những người đàn ông trong khu dân cư dù bận việc gì cũng phải thay đồ truyền thống để lên thánh đường đọc kinh, cầu sức khỏe và bình an cho gia đình cũng như cộng đồng. Các mốc thời gian cầu nguyện trong ngày là 4h30, 12h30, 15h30, 18h30 và 19h30. Mỗi ngày họ phải cầu nguyện thượng đế 5 lần như vậy và phải có ít nhất 1 lần đến thánh đường hành lễ.

Cầu nguyện là một nghi thức vô cùng trang trọng và thiêng liêng đối với người Hồi giáo. Trước khi cầu nguyện bắt buộc phải tắm rửa sạch sẽ và mặc đồ lễ riêng biệt. Trong lúc cầu nguyện không ai được chạm vào ai và chỉ được nghĩ đến thượng đế. Người nào phát sinh tạp niệm thì người đó sẽ mang tội. Ngoài ra, theo phong tục người Chăm, những ngày bình thường chỉ có đàn ông mới được đến thánh đường làm lễ. Phụ nữ thực hiện hành lễ tại nhà. Khác với nam giới, phụ nữ khi cầu nguyện phải trùm kín từ đầu đến chân, xá lạy liên tục và niệm thầm những bài kinh đã học thuộc. Đến tháng ăn chay (tháng Ramadan) vào tháng 6 âm lịch hằng năm phụ nữ mới được đến thánh đường.

Người dân tộc Chăm đến nay vẫn giữ phong tục cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Khi bố mẹ hai gia đình đã quyết định hôn sự thì con cái sẽ không thể cãi lời, bởi nếu không nghe sẽ bị loại ra khỏi cộng đồng.

Nói về tháng Ramadan, bà Maysam, một cư dân khác trong khu chung cư cho biết: Tháng ăn chay mọi người phải nhịn ăn, nhịn uống từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời khuất núi. Ăn uống bất cứ thứ gì đều phải trước 6h và sau 18h30.

Ngày kết thúc tháng ăn chay cũng được coi là ngày tết của dân tộc Chăm, bởi sau khi kết thúc lễ ở chùa, mọi người sẽ được nhà chùa đãi đồ ăn mang về, mọi người cùng nấu cà-ri ăn mừng. Những ngày lễ lớn, cộng đồng người Chăm sẽ nấu đồ ăn rồi đem đến cùng ăn chung ở khu vực hành lang của chung cư.

Những nét văn hóa riêng

Hiện nay, người Chăm chiếm đến 98% số tín đồ Hồi giáo Islam ở TP HCM. Khác với người Chăm Bani ở Ninh Thuận - Bình Thuận vốn đã cải biến đạo Hồi thành một tôn giáo hòa hợp với truyền thống dân tộc, người Chăm TP HCM và Nam Bộ tuân thủ khá chặt chẽ giáo luật Islam và có quan hệ khá gắn bó với cộng đồng Islam trên thế giới. Mỗi thánh đường Hồi giáo trong các khu vực người Chăm đều có các lớp học truyền kinh Koran bằng mẫu tự Arập cho con em của cộng đồng, do các thầy giáo (tuan) người Chăm đảm nhiệm một cách tự nguyện. Giáo án do các tuan tự soạn.

Tại khu chung cư này cũng vậy. Để không mai một những nét văn hóa và tiếng nói riêng, một lớp dạy tiếng Chăm nằm sát khu chung cư được mở ra để những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở thành phố có điều kiện học tiếng của dân tộc mình. Lớp học do ông Amin (ngụ quận 8) cùng ban quản trị chung cư tổ chức. Mỗi tối, lớp học lại sáng đèn để giúp trẻ em, phụ nữ, người già không quên tiếng mẹ đẻ, văn hóa dân tộc. "Trẻ nhỏ thì học nói tập viết, người lớn thì học kinh Koran để còn bảo tồn văn hóa dân tộc. Lớp học miễn phí, mở cũng được hơn 20 năm rồi", thầy Amin (59 tuổi) bộc bạch.

lang cham giua long sai gon

Chung cư người Chăm ở đường Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh, TP HCM

Hằng ngày, thầy Amin đứng lớp từ 19h đến khi học sinh về hết ông mới về. Bé Husna (9 tuổi) đang học tiểu học ở một trường gần đó nhưng ngày nào cũng chăm chỉ đến lớp để học tiếng Chăm, đọc kinh của dân tộc mình. Thầy Amin cho biết, Husna đã theo lớp học được 5 năm nay, các cuốn sách tiếng Chăm được chia ra cấp độ từ 1, 2 trở lên, đến nay Husna đã học đến cuốn thứ 6.

Cũng như Husna, dù đã ngoài 60 tuổi nhưng bà Tago vẫn đều đặn tuần 2 buổi cắp sách đến lớp học chữ cùng những đứa trẻ. Mở cuốn sách, chỉ từng mặt chữ rồi bà cùng hòa âm với những đứa trẻ đọc từng dòng chữ hết trang này đến trang khác theo sự chỉ dẫn của thầy giáo. “Lớp học để giữ tiếng nói của dân tộc mình, văn hóa của dân tộc mình thì tôi phải học, dù mưa gió cũng không nghỉ buổi nào”, bà Tago nói.

Hiện nay, TP HCM có khoảng 9 thánh đường và 5 tiểu thánh đường. Còn tại khu chung cư, để phục vụ cho việc hành lễ Hồi giáo, cộng đồng người Chăm thường dành một căn hộ tầng trên cùng làm thánh đường riêng.

Thầy Amin cho hay, về ngôn ngữ, người Chăm ở TP HCM có những biến thể và đặc điểm khác biệt so với người Chăm Trung Bộ, tuy vậy người hai miền vẫn có thể thông hiểu lẫn nhau. Nhưng khác biệt về chữ viết thì rất lớn. Trong khi học sinh Chăm ở Ninh Thuận - Bình Thuận học chữ Akhar Thrah bắt nguồn từ một hệ chữ Phạn ở Nam Ấn Độ, thì người Chăm Islam ở TP HCM chỉ được học chữ Akhar Koran và Akhar Jawi sử dụng hệ thống mẫu tự Arập. Dĩ nhiên, không phải tất cả các lĩnh vực đời sống của người Chăm TP HCM đều bị biến cải mà vẫn còn những nét văn hóa chung.

Ví dụ như một số thuần phong mỹ tục của người Chăm vẫn được kế thừa gìn giữ như: Tang lễ giản đơn, cầu nguyện cho người mất. Phụ nữ Chăm không phải sử dụng tấm mạng che mặt vốn phổ biến trong các nước Hồi giáo Islam ở Arập và Nam Á. Ngày sinh của Đấng Muhammad cũng được tổ chức kỷ niệm theo cách riêng của người Chăm. Thịt lợn, thịt chó là những loài bị cấm ăn, động vật bị chết, mỡ, huyết của động vật nói chung đều được kiêng ăn nghiêm ngặt theo nguyên tắc halal (quy định trong ăn uống theo đạo Hồi giáo Islam). Các loại thịt như gà, vịt, bò và những loại động vật được phép ăn phải do chính người Chăm cắt tiết, trong quá trình cắt tiết phải đọc một đoạn Kinh bằng tiếng Arập. Chính vì vậy mà khi có việc ra ngoài và không thể dùng bữa ở nhà, thường người Chăm Hồi giáo phải đến ăn uống ở các quán chuyên bán các món ăn halal dành riêng cho người Hồi giáo Islam…

Hòa nhập với cộng đồng

Song, do sự xâm nhập rất sâu của đạo Hồi Islam, phong tục tập quán của người Chăm ở TP HCM cũng đã có những biến đổi một cách căn bản. Trái ngược với người Chăm Hồi giáo Bani vẫn còn bảo lưu chế độ mẫu hệ, người Chăm TP HCM đã chuyển sang phụ hệ khá rõ. Chị Rohymah, con dâu bà Sophia cho biết, ở đây, con trai phải đi hỏi vợ, có thể ở rể hoặc không, nhưng các con đều phải theo họ cha. Hôn nhân với người khác dân tộc cũng được chấp nhận với điều kiện những cô dâu hoặc chú rể là người ngoại đạo phải tự nguyện theo đạo Hồi Islam. Con gái không được quan hệ yêu đương một cách tự do, không được phép một mình tiếp chuyện với bất cứ người đàn ông nào ngoài người của gia đình mình và khi ra khỏi nhà thường phải có mẹ hoặc một phụ nữ đứng tuổi đi cùng.

lang cham giua long sai gon

Cộng đồng người Chăm hành lễ tại thánh đường

Đám cưới được xem là dịp vui nhất của người Chăm, mọi người được ăn uống, vui chơi thoải mái. Đặc biệt khi đi đám cưới, người Chăm chỉ tặng quà chứ không tặng tiền và chủ nhà cũng không nhận tiền mừng cưới.

Cho chúng tôi xem cuốn abum hình cưới, chị Rohymah kể, ngày đầu tiên đám cưới là mời những người lớn tuổi đến làm lễ để làm phòng cưới cho cô dâu và chú rể. Mọi người sẽ được đãi tiệc, ăn uống thoải mái. Đến ngày thứ hai được xem là ngày vui nhất, đặc biệt là đối với cô dâu, được gọi là “đêm con gái”, bởi lẽ qua ngày mai, người con gái đó đã có chồng và trở thành phụ nữ. Ngày này mọi người sẽ tập trung ở nhà cô dâu để vui chơi nhảy múa.

“Những cô gái đến tham dự “đêm con gái” đều ăn mặc, trang điểm cho mình đẹp nhất có thể, nhiều người cố trang điểm để đẹp hơn cả cô dâu. Bởi đến tham dự đám cưới không chỉ có thanh niên mà còn cả người lớn. Cô gái nào được người lớn “duyệt” thì ngày hôm sau sẽ được gia đình đó đến hỏi cưới”, chị Rohymah nói.

Đến ngày thứ ba, cả hai họ sẽ cùng chung vui và chú rể sẽ vén khăn trùm đầu của cô dâu, sau đó dùng ngón tay trỏ chỉ vào trán cô dâu, lúc đó họ trở thành vợ chồng. Bữa tiệc đám cưới của người Chăm đãi chủ yếu là món cà-ri gà hoặc cà-ri bò. “Đám cưới nào cũng đãi mỗi món này bởi nó là món truyền thống lâu đời của người Chăm, không thể thay thế bằng món khác” - chị Rohymah chia sẻ.

Chúng tôi cũng được biết thêm, phụ nữ Chăm sau khi kết hôn sẽ không phải làm bất cứ việc gì mà chỉ ở nhà làm nội trợ. Nhưng theo thời gian, để thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh sống, người phụ nữ Chăm ngày nay cũng làm thêm công việc ở nhà như mở tiệm tạp hóa, may mặc, bán hàng... Người trẻ hơn thì đi học, làm việc ngoài xã hội. Lúc này, để phù hợp với môi trường làm việc thì người phụ nữ được gia đình cho phép bỏ khăn trùm đầu và ăn mặc tương tự người Kinh.

Trong thời gian đầu khi đến thành phố sinh sống, dân số của cộng đồng Chăm chưa cao, chỉ có một số hộ gia đình sống cạnh kênh rạch nên cuộc sống lúc đầu vô cùng khó khăn, nhất là về điều kiện sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Để đáp ứng nhu cầu này, năm 1950, cộng đồng người Chăm Islam TP HCM đã tổ chức quyên góp tiền bạc để tạo kinh phí xây dựng một ngôi thánh đường tại phường Cầu Kho, trên đại lộ Trần Hưng Đạo ngày nay làm nơi cầu nguyện và sinh hoạt tôn giáo tại nơi cư trú mới. Đây cũng là ngôi thánh đường đầu tiên của cộng đồng người Chăm ở TP HCM.

Theo truyền thống, cộng đồng người Chăm thường cư trú tập trung thành từng nhóm gia đình và có quan hệ gần gũi với nhau như cùng quê hay có quan hệ họ hàng thân thích với nhau. Mặc dù trải qua những cuộc di cư đến vùng đất mới như Sài Gòn - TP HCM, nhưng họ vẫn tiếp tục sống tập trung thành nhóm ở những địa bàn vốn là những vùng đất thấp, gần kênh rạch, các bến sông. Việc quần tụ thành những cụm dân cư rất thuận lợi cho việc sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng và giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt. Còn việc ở ven kênh rạch một mặt giúp cho công việc buôn bán được thuận lợi, đồng thời tạo điều kiện cho việc đi lại trong thành phố và đi về quê cũ An Giang.

Nguyên Phương