Làm sao chấm dứt thảm họa di dân?

10:59 | 06/09/2015

1,564 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra hiện nay là hậu quả của tình trạng chiến tranh tại khu vực Trung Đông và một số nước khác cũng bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hoành hành. Theo Le Figaro, để có thể chấm dứt thảm họa nhân đạo trên, chỉ còn cách tấn công vào nguồn gốc của mọi đau khổ.
lam sao cham dut tham hoa di dan
Người di cư từ châu Phi biểu tình (ngày 5/9/2015) phản đối bạo lực cảnh sát tại Calais, chặng trung chuyển của hàng nghìn người tị nạn sang nước Anh

Nhật báo Pháp cho rằng, “ổ” đau khổ nằm ở thế giới Arập, trải từ Syria tới Iraq và tại Libya. Sau hơn một năm oanh kích các khu vực chiến lược của các tổ chức thánh chiến, liên quân của Mỹ không thu được kết quả như mong đợi. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo chịu 6.500 cuộc không kích, mất khoảng 10.000 người, trong đó có nhiều lãnh đạo, nhưng vẫn đủ khả năng chống cự.

Sĩ số của các tổ chức khủng bố vẫn không suy chuyển nhờ những tân binh liên tục được chiêu mộ từ khắp nơi trên thế giới. Chúng vẫn tiếp tục thể hiện sức mạnh bằng các cuộc phản công ngay sát sườn thủ đô Damas và Bagdad, hành quyết nhiều thường dân và ngang nhiên phá hủy các công trình được xếp hạng di sản văn hóa nhân loại tại Palmyra.

Liên minh giữa Arập và phương Tây trong cuộc chiến chống tổ chức IS coi như bị thất bại. Các nước liên minh buộc phải xem xét lại chính sách của mình và vấn đề tấn công trên bộ từ giờ được đưa ra thảo luận, vì khó có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến hay chiếm lại các vùng đất đã mất nếu như không triển khai các lực lượng bộ binh.

Trước tình hình này, chiến dịch tấn công vào quân thánh IS của Pháp sẽ không còn giới hạn ở Iraq mà có thể sẽ mở rộng sang Syria. Trên đây là tiết lộ của Le Monde ra ngày 5/9.

Le Monde trích dẫn một nguồn thạo tin cho biết, cuộc khủng hoảng di dân do cuộc nội chiến tại Syria là lý do chính khiến Paris dự tính thay đổi chiến lược quân sự, theo đó Pháp có thể mở rộng chiến dịch tấn công lực lượng thánh chiến IS ngay trên đất Syria.

Từ tháng 9/2014, Pháp đã tham gia vào liên quân quốc tế tấn công tổ chức Is tại Iraq. Cho đến giờ Pháp vẫn từ chối mở chiến dịch quân sự tại Syria.

Trong lúc này, làn sóng di cư vẫn tiếp tục là chủ đề chính chia rẽ châu Âu. Trang nhất của Le Monde hôm qua đưa tin: “Mặt trận Pháp-Đức chống lại một pháo đài châu Âu”. Hôm qua, Tổng thống Pháp François Hollande đã đứng về phía Thủ tướng Đức để bảo vệ ý tưởng phân bổ hạn ngạch bắt buộc người tị nạn chính trị đối với các thành viên của EU. Trong một bức thư chung, hai nhà lãnh đạo khẳng định Đức và Pháp kiên quyết bảo vệ khối Schengen.

Còn Le Figaro đánh giá trên trang nhất: “Đối mặt với làn sóng nhập cư, châu Âu chia rẽ về vấn đề áp đặt quota”. Bài xã luận trên trang nhất của tờ báo nhận định việc Tổng thống Pháp đứng về phía Thủ tướng Đức chứng tỏ Pháp không còn giải pháp nào hiệu quả hơn, đặc biệt là từ khi hai nước tuyến đầu là Ý và Hy Lạp tỏ ra hiểu rõ và xích lại gần nhau trước số lượng người xin nhập cư quá lớn, hàng ngày vẫn cập bờ hai nước này. Tờ báo nhận xét hành động của “Hungary đã chia rẽ toàn châu Âu”. Trong khi đó, theo Libération, trước sức ép của EU, Thủ tướng Anh hứa sẽ tiếp nhận một số người nhập cư, song không đưa ra con số cụ thể.

Trước sự lưỡng lự của các nhà lãnh đạo châu Âu, nhiều tình nguyện viên đã tự đứng ra tổ chức tiếp nhận, giúp đỡ và cung cấp thực phẩm cho người nhập cư. Theo Le Monde, hôm qua, tại Paris, một số người tình nguyện tiếp đón người tị nạn chính trị xuống đường thể hiện mong muốn của họ. Còn tại Berlin, sau nhiều cuộc phản đối căng thẳng, một trung tâm đón tiếp đã được người dân thành lập trong một khu phố tại đây. Thế nhưng, trên đảo Lesbos, Hy Lạp, khoảng chục tình nguyện viên nước ngoài bị quá tải trước sự bùng nổ người nhập cư không ngừng cập bến hòn đảo này, trong khi đó, tình hình nhân đạo tại đây ngày càng xấu đi.

Th.Long

(Tổng hợp từ AFP, Le Monde)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc