Làm gì với 'con đường từ dạ dày ra nghĩa địa'?

07:15 | 07/01/2016

1,418 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có thể nói, chưa bao giờ an toàn thực phẩm lại trở nên đáng lo ngại để rồi những cơ quan quản lý, Quốc hội phải bức xúc đến vậy. 

Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chính thức thông báo sẽ thưởng “nóng” từ 1-50 triệu đồng cho người nào báo tin về thực phẩm bẩn, tùy theo mức độ giá trị của tin.

Cũng lần đầu tiên giữa nghị trường tại phiên họp tháng 9 vừa qua, một nhận định không thể thẳng thắn hơn, đầy chua xót, bất an khi chất vấn người đứng đầu Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: “Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa chưa bao giờ trở nên ngắn và dễ dàng đến thế”.

An toàn thực phẩm hiện nay có thể nhận định trong 2 chữ “bẩn - độc”. Bẩn là thực phẩm nhiễm khuẩn do trong quá trình giết mổ (đối với gia súc, gia cầm) không bảo đảm quy trình giết mổ đúng khoa học, cơ sở giết mổ tùy tiện.

Sản xuất, chế biến thực phẩm trong môi trường ô nhiễm… “Độc” vì trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản… gia súc, gia cầm, thực phẩm được “tắm”, ăn những hóa chất độc hại nhằm tăng lợi nhuận của người kinh doanh và chăn nuôi…

Chất vàng ô, chất tạo nạc (salbutamol, clenbutarol…), thuốc bảo quản, thuốc trừ sâu, kích thích… giờ đã “đóng đinh” trong đầu nhiều người tiêu dùng như một nỗi kinh hoàng mà chưa biết cách nào để có thể nhận biết thực phẩm nào chứa những chất độc hại đó.

Càng gần tết Nguyên đán, nỗi sợ hãi này càng lớn hơn bởi nhu cầu tiêu dùng khi ấy nhiều đến nỗi dẫn đến sự trà trộn của thực phẩm bẩn.

Để giúp người tiêu dùng có thể nhận biết thực phẩn bẩn - sạch, các chuyên gia dinh dưỡng, chế biến thực phẩm như PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bác sĩ Đỗ Thì Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm… đã đưa ra những hình thức dưới đây.

lam gi voi con duong tu da day ra nghia dia
Cơ quan chức năng phát hiện một cơ sở giết mổ trái phép

Đối với rau xanh: Các chuyên gia cho rằng, không nên chọn những rau củ có thân to, mập, ngọn dài khác thường, màu quá đậm, xanh mướt, bóng. Tất nhiên, không phải cứ rau củ quả đẹp mắt là hoàn toàn mất an toàn thực phẩm mà còn phải dựa trên một số điều kiện cụ thể như nguồn gốc. Nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc từ các cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế rau quả an toàn hoặc giấy chứng nhận VietGAP.

Đồng thời chọn những sản phẩm rau quả có bao gói, thùng chứa, dây buộc hợp vệ sinh. Trên bao bì hoặc trực tiếp ở sản phẩm phải có nhãn ghi đầy đủ các thông tin của nhà sản xuất, cung cấp. Những thực phẩm tươi mới, không bị dập nát, của các nhà cung cấp uy tín cũng là sản phẩm nên lựa chọn.

Thứ hai, nên chọn rau theo mùa vụ. Đáng nhớ là không nên chọn rau, củ trái mùa. Vì trái mùa, để đạt năng suất cao người ta phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón nhiều cho rau củ nên có khả năng dư lượng thuốc bảo vệ, phân bón hóa học vượt quá giới hạn cho phép.

Ở miền Nam, nơi chỉ có hai mùa mưa và khô thì vào mùa khô rau củ sẽ có nguy cơ ô nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn mùa mưa. Do đó, nên cân nhắc khi lựa chọn thực phẩm. Rau vào vụ chính cũng nên lựa chọn vì đó là thời điểm cây trồng phát triển bình thường, ít bị sâu bệnh, vì vậy việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón ít.

Bên cạnh lựa chọn rau củ theo các phương thức trên, các chuyên gia còn đưa ra hình thức lựa chọn theo hình thức bên ngoài. Đối với rau ăn lá, không nên chọn những bó rau có lá xanh đậm, mướt, bóng mà nên chọn xanh nhạt, cây rau có vẻ bình thường. Với loại rau ăn ngọn (rau lang, rau muống, ngọn su su…) không nên chọn những rau có ngọn quá dài.

Mua về nếu chưa sử dụng mà để đến ngày hôm sau ngọn dài thêm 5-10cm thì nên vứt đi, không sử dụng. Đối với các loại đậu quả như đậu đũa, cô ve, đậu ván… không nên chọn những trái bóng nhẫy, ít lông tơ…

Việc nhận biết rau an toàn bằng cảm quan, các chuyên gia cho rằng, hoàn toàn không dễ dàng, nhất là đối với những loại rau có phun hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật… Cho nên để hạn chế lựa chọn phải loại rau này nên tránh những rau có đọng hạt bụi nhỏ, mùi khác lạ. Khi ăn, rau có vị không bình thường.

Đối với trái  cây: Để bảo đảm chọn được trái cây an toàn và đủ dưỡng chất, nhất là vitamin C theo các chuyên gia không nên mua trái cây theo kiểu tiện đâu mua đấy mà phải lựa chọn địa chỉ uy tín, có thâm niên. Khi chọn trái cây nên tươi mới, những quả nào bị rụng cuống thì không chọn đề phòng thuốc bảo quản có thể xâm nhập vào trái cây.

Cũng nên tránh những trái cây bị dập, nứt nẻ nhằm đề phòng nguyên nhân này. Không chọn những trái cây có độ bóng loáng, căng mịn khác thường. Nên mùa nào thức nấy, chọn trái cây như vậy để bảo đảm an toàn.

Đối với những loại quả có vỏ dày như cam, quýt, táo, các chuyên gia khuyến cáo chỉ cần rửa sạch, ngâm trong nước muối pha loãng, sau đó gọt (tách) vỏ dày có thể sử dụng ngay được. Riêng với những trái cây mỏng vỏ như nho, mận, dâu tây, cần ngâm rửa với nước rửa rau trái để phòng ngộ độc vì thuốc bảo quản.

Đối với mứt tết: Các chuyên gia khẳng định, nếu chỉ bằng cảm quan thì rất khó phân biệt mứt nào là “sạch”, mứt nào là “bẩn”. Cho nên, lựa chọn muôn thuở là “loại” những mứt có màu sắc sặc sỡ bất thường hoặc tươi sáng quá, ví như mứt đỏ hơn cả nguyên liệu gốc như mứt cà chua, cà rốt, mứt trắng quá như mứt dừa, bí, mứt quá xanh như mứt kiwi, mứt quá vàng như mứt dừa… Nếu mứt để quá 2 tuần mà không chảy nước, không đổi mùi cũng bỏ, không sử dụng.

Đối với thịt gia cầm: TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm cho rằng, nhìn càng đẹp mắt thì càng… tránh xa. Vì đó là gà “độc” được ăn những hóa chất, “nhuộm” phẩm màu như chất vàng ô, bột sắt…

Chỉ cần chọn gà không có mùi hôi, kháng sinh, vàng một cách tự nhiên hoặc màu trắng ngà, sờ không bị dính màu ra tay. Khi mua gà phải chọn của những cửa hàng, siêu thị tin cậy, có uy tín, không mua gà có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Với thịt gà làm sẵn, nên chọn những con có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y, thớ thịt mịn, có độ đàn hồi cao, da gà phải kín, lành lặn, không có vết bẩn, mốc... Trong trường hợp da gà có vết tụ máu, bầm tím không nên mua.

Đối với những con gà bị “nhuộm” màu, lớp da có màu vàng óng đẹp nhưng phần mỡ lại trắng (do bên trong của những con gia cầm này không thấm màu) cũng nên loại.

Trường hợp gà bị chết (gà toi) trước khi mổ, sẽ có màu đen xạm hơn do máu bị đọng lại, chảy ra không hết trong khi làm thịt. Cẩn thận hơn, sau khi mua gà về, vắt ít nước cốt chanh, hoặc lấy nước muối đổ lên một phần thịt gà, nếu thấy đổi màu thì đó là con gà bị nhuộm - loại bỏ.  

Trường hợp mua gà vẫn còn sống, nên tránh những con gà bị xù lông, chảy dãi, mào tím tái, mắt lờ đờ hoặc nhắm tịt lại như buồn ngủ vì những biểu hiện này cho thấy gà không được khỏe mạnh.

Đối với thịt lợn: Những con được nuôi tăng trọng hoặc chứa hóa chất có thể nhận biết bằng cảm quan: thịt có màu đỏ tươi khác thường, sáng và bóng, chỗ nạc và mỡ phần giáp nhau bị tách rời rõ rệt, có dịch nước màu vàng rỉ ra.

Bên cạnh đó, lớp mỡ dưới da lỏng lẻo, mỏng chưa đến 1cm. Khi thái, thịt không đứng miếng mà mềm oặt. Khi nấu thịt có chứa hóa chất ra nhiều nước, hao thịt, mùi hôi nồng nặc. Tốt nhất với loại thịt này không nên ăn. Trong khi đó, thịt “sạch” màu hồng sáng, mỡ trắng, bì lợn trắng, lớp mỡ dày ít nhất 1,5-2cm.

Đối với thịt trâu, bò: Trong thịt bò và thịt trâu có nguy cơ nhiễm kén sán nhiều hơn thịt lợn. Vì vậy, khi mua thịt trâu, thịt bò, người tiêu dùng nên tránh những miếng thịt có các bọc nhỏ xen giữa các thớ thịt, bắp thịt. Khi thái, bằng mắt thường nếu thấy những đốm trắng to bằng đầu kim là miếng thịt đã bị nhiễm giun xoắn.

Còn nếu miếng thịt nhiễm sán thì sẽ có những hình sợi hoặc hình bầu dục to bằng hạt đậu có màu trắng nằm dọc theo các thớ thịt. Nếu thịt ướp urê hoặc hàn the thì khi cầm vào miếng thịt thấy cứng hơn, không còn cảm giác mềm mại và độ dẻo dính như thịt tươi.

Để bảo đảm sức khỏe, để bảo vệ giống nòi… người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm theo những cách thức trên.

 

T. Anh