Lại băn khoăn với vàng

11:22 | 05/09/2013

586 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những lo lắng đối thị trường vàng đang từng bước được Ngân hàng Nhà nước xóa bỏ và đây là lúc nền kinh tế chờ đợi biểu hiện tích cực hơn của vàng trong bức tranh chung của nền kinh tế.

Thị trường vàng đang cho thấy sự ổn định cao.

Trong hầu hết các đánh giá gần đây của Chính phủ, của các cơ quan giám sát, đánh giá tài chính cũng như giới chuyên môn, thị trường vàng trong nước đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành đúng hướng, góp phần quan trọng ổn định thị trường tài chính tiền tệ trong nước. Đáng chú ý, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sự ổn định của thị trường tài chính tiền tệ chính là nền tảng, là tiền đề và là điều kiện để kinh tế vĩ mô tạo sự ổn định, phát triển bền vững từ nay đến cuối năm 2013 và những năm tiếp theo.

Thị trường vàng đang dần trở lên ổn định hơn, giá vàng cũng ít biến động hơn điểm nổi bật nhất trong chính sách điều hành thị trường vàng thời gian vừa qua của NHNN. Bài toán chênh lệch giá vàng cũng được giải quyết cách đáng kể khi mức chênh lệch giá vàng theo ghi nhận sáng 5/9/2013 đã giảm xuống 2,8 triệu đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch chấp nhận được bởi theo phân tích của ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty vàng bạc đá quý DOJI thì cần phải có mức chênh lệch hợp lý để bảo đảm an toàn cho NHNN.

Dưới góc độ kinh doanh, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, NHNN đang sắm vai của một nhà phân phối trên thị trường vàng. Ở đó, NHNN sẽ mua vàng, vận chuyển và thuê sản xuất rồi mới đem bán lại cho các đầu mối được phép kinh doanh vàng miếng thông qua đấu thầu. Trong khi đó, vàng là một loại hàng hóa đặc biệt, tiềm ẩn yếu tố rủi ro rất cao nên việc duy trì một mức chênh lệch hợp lý chính là điều kiện kiên quyết đối với người làm kinh doanh mặt hàng này.

NHNN cần tiếp tục sắm vai “đại lý kinh doanh” trên thị trường vàng trong thời gian tới là quan điểm chung của giới chuyên gia. Và theo TS Lê Xuân Nghĩa – Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia khẳng định đấu thầu vàng miếng hoàn thành sứ mệnh của mình.

Và khi thị trường vàng đã ổn định, mức chênh lệch giá vàng cũng đã được thu hẹp, điều mà nền kinh tế nói chung và giới đầu tư nói riêng quan tâm là đến bao giờ giá vàng sẽ vận hành theo giá thị trường. Đưa quan điểm về việc cần có mức chênh lệch giá vàng hợp lý, ông Phú cũng cho rằng, sự ổn định thị trường thời gian qua đến từ 2 yếu tố là đấu thầu vàng và vàng tất toán cho người dân giờ cũng đang lưu chuyển vào thị trường.

Như vậy, nhìn một cách tổng quan, thị trường vàng đang đón nhận một loạt yếu tố khách quan đến từ phản ứng của thị trường, nguồn cung vàng… và đây là điều kiện cơ bản để hình thành lên một thị trường vàng minh bạch. Theo tính toán của NHNN, trong tổng số gần 60 tấn vàng đã đấu thầu thì có khoảng 30 tấn vàng đã “chảy” vào thị trường và có 30 tấn được các ngân hàng thương mại tất toán toán vàng. Và nếu theo mật độ đấu thầu vàng miếng như hiện nay (2 phiên/tuần), từ nay đến cuối năm 2013, NHNN sẽ tiếp tục “bơm” ra ngoài thị trường khoảng 30 tấn vàng.

Như vậy, tính chung cả năm 2013, lượng vàng chảy vào thị trường là 60 tấn. Con số này vừa đúng bằng nhu cầu tiêu thụ vàng trong nước.

Câu chuyện của vàng trong ngắn hạn (từ nay đến cuối năm 2013) như vậy là cơ bản được giải quyết nhưng vấn đề đặt ra là thị trường sẽ như thế nào trong các năm tiếp theo? NHNN sẽ tiếp tục đấu thầu vàng hay không? Nếu đấu thầu thì vấn đề dự trữ ngoại tệ sẽ như thế nào?

Một vấn đề nữa cần làm rõ là nếu tiếp tục đấu thầu vàng, thị trường tiếp tục hấp thụ vàng thì có nghĩa túi vàng trong dân sẽ phình to hơn (con số tính toán được đưa ra từ cuối năm 2012 vào khoảng 400 – 500 tấn, với tổng giá trị lên tới vài chục tỉ USD) là sự lãng phí lớn đối với đất nước, đặc biệt trong lúc nền kinh tế đang rất cần vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đó là các vấn đề mà NHNN cần làm sáng rõ trong thời gian tới.

Thanh Ngọc