Bảo vệ trẻ em trên môi trường Internet

Không thể chậm trễ!

08:00 | 27/05/2018

261 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng là chủ đề đang được xã hội quan tâm trong xu hướng bùng nổ công nghệ thông tin, mạng xã hội và các nguy cơ mất an toàn thông tin mạng.  

Năm 1997, Internet chính thức vào Việt Nam. Đến tháng 6-2017, đã có 64 triệu người Việt Nam (chiếm 67,1% dân số) sử dụng Internet, xếp thứ 13/201 quốc gia có tỷ lệ người sử dụng Internet.

Theo số liệu được đưa ra tại Hội thảo “Định hướng truyền thông về bảo vệ trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” ngày 19-5, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng Internet tăng nhanh nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong số người dùng Internet, có tới hơn 1/3 là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi từ 15-24. Đối với mạng xã hội, tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có đến 63 triệu người dùng, trong đó, số tài khoản Facebook là 48 triệu.

khong the cham tre 504819
Ảnh minh họa

Trẻ em là đối tượng dễ bị xâm hại trên môi trường mạng, vì trẻ em và thanh thiếu niên đang dẫn đầu trong việc sử dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, trẻ em lại có hiểu biết chưa đầy đủ về những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng Internet. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng Internet (chiếm 68%), chỉ có 11% học từ nhà trường, nhưng hầu hết các trường học cũng mới chỉ dạy kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. Trong khi đó, người giám hộ và chăm sóc thì hạn chế về kiến thức, kỹ năng, gặp nhiều khó khăn để giám sát có hiệu quả các hoạt động của trẻ em trên môi trường mạng.

Phó cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Nga chia sẻ: Ở khía cạnh tích cực, Internet mang đến cơ hội học tập và giáo dục rộng mở cho trẻ em. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng rủi ro cho trẻ như bị xâm hại tình dục, tiếp xúc với những nội dung không phù hợp…, từ đó hình thành những ứng xử không phù hợp với thực tế cuộc sống.

Ngoài ra, việc sử dụng mạng xã hội, trong đó có Facebook, một cách quá mức dẫn đến nghiện rất đáng báo động đối với toàn xã hội. Không ít trẻ em mải mê “sống ảo” trên Facebook đến nỗi quên cả việc nhà, trì hoãn việc học hành. Cũng không ít gặp những hành vi lệch chuẩn được chia sẻ trên mạng xã hội nói chung và trên Facebook nói riêng, cùng những lời nhận xét, bình luận. Ví dụ như việc các em đưa lên Facebook nội dung chửi mắng thầy cô, bạo lực học đường, đăng tải những hình ảnh quái dị, những biểu hiện của lối sống lệch lạc, thách đố nhau trên Facebook... Tất cả những điều này đã và đang khiến mạng xã hội trở nên nguy hiểm đối với trẻ em.

Nhiều chuyên gia cho rằng, khó khăn lớn nhất trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường Internet là người lớn không thể cấm hoàn toàn trẻ sử dụng mạng và các thiết bị thông minh có kết nối mạng do nhu cầu thực tế của trẻ cũng như sự phát triển của xã hội. Đồng thời, phần lớn cha mẹ không có thời gian và đủ kiến thức về công nghệ thông tin để giáo dục trẻ em. Các chương trình giáo dục của nhà trường mới dừng lại ở việc phổ cập tin học chứ chưa trang bị kiến thức tự bảo vệ cho trẻ.

Trước thực trạng đó, theo ông Nguyễn Sơn Tùng, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng, góp phần ngăn chặn tác hại của Internet, mạng xã hội đối với trẻ em, gia đình là yếu tố quan trọng. Cha mẹ có thể tìm hiểu những hoạt động của trẻ em trên mạng Internet như giao tiếp qua nhắn tin, gọi điện, email hay chia sẻ dữ liệu về hình ảnh, vị trí; chơi trò chơi trực tuyến, tạo nội dung số trên youtube, livestream; sử dụng mạng xã hội Facebook, Twitter... Từ đó, các bậc cha mẹ đưa ra những giải pháp để bảo vệ con em mình, như việc để các thiết bị truy cập Internet ở vị trí có thể quản lý được; kích hoạt chức năng an toàn cho trẻ trên trình duyệt web; thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn đối với công cụ tìm kiếm nhằm loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ; cài đặt một số công cụ nhằm lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp...

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên trang bị cho con cái những nguyên tắc, kỹ năng cần thiết khi con tiếp xúc với mạng. Cụ thể, cha mẹ nên dạy trẻ bảo mật thông tin cá nhân, quy định thời gian sử dụng mạng, khuyến khích trẻ vào những hoạt động chăm sóc bản thân, dạy kỹ năng sống và kiểm soát nội dung truy cập của trẻ…

Về phía Nhà nước, nhằm hạn chế những rủi ro trên mạng cho trẻ em, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-7-2017 quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó, các cơ quan quản lý Nhà nước về thông tin, truyền thông, giáo dục, đào tạo, các tổ chức hoạt động vì trẻ em có trách nhiệm truyền thông nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, phổ biến kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về lợi ích, tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, bảo vệ trẻ em trên môi trường Internet là vấn đề “nóng” mà xã hội, các gia đình quan tâm nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu. Trong thời đại Internet, công nghệ số phát triển nhanh và sự bùng nổ mạng xã hội, bảo vệ trẻ em trên môi trường Internet đòi hỏi sự nhận thức đúng đắn, hành động quyết liệt, chung tay hành động của mọi cá nhân và tổ chức.

Tại Việt Nam, trong số người dùng Internet, có tới hơn 1/3 là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi từ 15-24. Đối với mạng xã hội, tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có đến 63 triệu người dùng, trong đó số tài khoản Facebook là 48 triệu.

K.An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc