Không nên tước đoạt quyền “bú mẹ” của trẻ

07:00 | 24/02/2013

2,997 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Quyền được “bú mẹ” là quyền cơ bản nhất, nhân văn nhất mà người lớn không được tước đoạt.

Một thống kê ở Việt Nam có đưa ra con số,  có 61,7% các bà mẹ còn duy trì được việc cho con bú lần đầu ngay trong giờ đầu tiên sau khi chào đời nhưng chỉ có 19,6% trẻ dưới 6 tháng tuổi là được bú mẹ hoàn toàn. Đó là một con số đáng báo động. Vì thế, cứ 5 trẻ dưới 5 tuổi ở nước ta thì có một trẻ bị thiếu cân và cứ 3 trẻ thì có 1 trẻ bị còi và Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính, hằng năm suy dinh dưỡng sẽ làm thiệt hại đến 3% tổng giá trị sản phẩm quốc dân của một quốc gia.

Thời gian qua đã có nhiều cuộc hội thảo về việc này, có sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế để giành quyền được bú mẹ cho trẻ sơ sinh, chứ không phải là bú sữa bò hay nhiều loại thực phẩm chức năng dinh dưỡng khác.

Tại Việt Nam, các công ty sữa đã rất thành công trong công nghệ truyền thông, quảng cáo của họ khi lượng tiêu thụ sữa bò trong hơn 10 năm qua là con số khổng lồ. Và các công ty sữa liên tục đẩy giá sữa lên cao nhưng người tiêu dùng cũng đành chấp nhận vì đã trót cho con ăn sữa bò nên trẻ đã quên sữa mẹ.

Nói về hiệu quả của việc cho con bú mẹ, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cho rằng, trẻ con khác với người lớn ở chỗ trẻ đang phát triển và đang tăng trưởng. Bộ não của một trẻ 2 tuổi đã phát triển bằng 80% bộ não của người lớn; chiều cao một trẻ 2 tuổi (khoảng 85cm) thì đã bằng một nửa chiều cao của người lớn. Do vậy, nuôi con giỏi chính là nuôi ở 2 năm đầu đời này. Không chỉ vậy, trẻ tăng trưởng và phát triển không chỉ nhờ sữa, nhờ thức ăn mà còn nhờ tình thương của cha mẹ. Không có tình thương thì trẻ sẽ còi cọc cả thể chất lẫn tinh thần”. Chính vì vậy mà so với tất cả các thứ sữa công nghiệp dù làm bằng sữa bò, sữa trâu, sữa lạc đà, sữa dê, sữa đậu nành đều không thể so sánh với sữa mẹ.

Có lẽ nên có một chiến dịch truyền thông để những bà mẹ không cho con bú sữa mẹ sẽ cảm thấy xấu hổ hay ray rứt thì hiệu quả còn nhiều hơn. Điều này đã được minh chứng tại Thụy Điển và một số nước phát triển khác, tập quán nuôi con bằng sữa mẹ nay đã phổ biến trở lại, hơn thế còn trở thành một phẩm chất mang tính nhân bản. “Ngày nay đến thăm Thụy Điển, hình ảnh những bà mẹ cho con bú lại trở thành nét đẹp rất tự nhiên và sự xuất hiện một bà mẹ cho con ăn những thức ăn thay thế sữa mẹ qua núm vú cao su luôn gây phản cảm cho những người xung quanh, đôi khi gặp cả những phản ứng không thân thiện, bà Chủ tịch UNICEF tại Việt Nam Lotta Syl Warder cho biết.

Vừa qua tại Việt Nam, Chính phủ đã có những quy định chặt chẽ hơn để hạn chế việc nuôi con bằng sữa ngoài. Trong đó, việc thông qua Luật Quảng cáo, có những điều khoản cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi.

Bên cạnh đó, tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật lao động năm 2012 thay thế Bộ luật Lao động năm 1995, điểm mới là thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ từ 4 tháng tăng lên 6 tháng và toàn bộ thời gian nghỉ thai sản được bảo hiểm xã hội chi trả. Quy định mới này tạo điều kiện để phụ nữ phục hồi sức khỏe sau sinh, đặc biệt là kéo dài thời gian cho con bú, giúp tạo dựng những thế hệ được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ tốt cả thể chất lẫn tinh thần.

Lật lại lịch sử để thấy rằng, trong hàng loạt Sắc lệnh ban hành ngày 12/3/1947của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh 29/SL, trong “Tiết thứ bảy” về “Lệ nghỉ của đàn bà đẻ và đàn bà cho con bú” quy định cụ thể. Điều thứ 122: “Người mẹ có thể cho con bú ngay tại nơi mình làm việc trong hạn một năm kể từ ngày đẻ. Lúc cho con bú được nghỉ 30 phút trong giờ làm buổi sáng và 30 phút trong giờ làm buổi chiều. Các giờ nghỉ cho con bú không được trừ vào hạn nghỉ thường lệ do Sắc lệnh này”; và điều thứ 123: “Nơi nào dùng 100 công nhân đàn bà phải lập một nhà để giữ trẻ con cần cho bú”.

Qua đó chúng ta thấy việc nuôi con bằng sữa mẹ quan trọng đến mức nào, nó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quy định rõ ràng trong những ngày đầu nước nhà độc lập. Hơn 60 năm đã trôi qua, xã hội có nhiều bước tiến bộ nhưng việc nuôi con bằng sữa mẹ thiết nghĩ nên thuận theo tự nhiên để mỗi đứa trẻ sinh ra được quyền thụ hưởng những gì thuộc về trẻ thơ. Mà quyền được “bú mẹ” là quyền cơ bản nhất, nhân văn nhất mà người lớn không được tước đoạt.

Thiên Thanh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.