Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là công cụ phát triển bền vững

09:02 | 11/07/2018

1,512 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Hội nghị Toàn quốc về phát triển bền vững 2018 với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0". Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định: “khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) là công cụ quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”.
khoa hoc cong nghe va doi moi sang tao la cong cu phat trien ben vung
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại hội nghị

Tham luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã khẳng định KHCN&ĐMST là công cụ quan trọng (cùng với tài chính, thương mại, xây dựng năng lực...) để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đóng vai trò trong giải quyết các thách thức liên ngành của phát triển bền vững, ví dụ như: Với mục tiêu xóa đói, các giống lúa được các nhà khoa học Việt Nam tạo ra để góp phần giúp Việt Nam chuyển từ một quốc gia thiếu gạo thành một quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Chương trình nghị sự 2030 đã xây dựng cơ chế thúc đẩy công nghệ, thông qua cơ chế chia sẻ hợp tác nhiều bên, chia sẻ kinh nghiệm thành công và tư vấn chính sách giữa các quốc gia, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng khoa học qua các hình thức cụ thể như diễn đàn KHCN&ĐMST, qua các nhóm chuyên gia về KHCN&ĐMST cho phát triển bền vững, nền tảng chia sẻ trực tuyến.

Đơn cử, nền kinh tế đạt được năng suất cao hơn thông qua đa dạng hóa, đổi mới và nâng cao công nghệ, thông qua việc tập trung vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Theo khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ với gần 2.000 doanh nghiệp, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu, phát triển có mức năng suất lao động cao hơn 1,78 lần đối với doanh nghiệp không có hoạt động nghiên cứu, phát triển; doanh nghiệp có áp dụng hệ thống cải tiến năng suất cao gấp 1,74 lần; doanh nghiệp sử dụng công nghệ thông tin năng suất lao động tăng gấp 2 lần so với doanh nghiệp không sử dụng công nghệ thông tin.

Hay như việc tăng cường nghiên cứu khoa học, nâng cấp năng lực công nghệ trong các ngành công nghiệp ở tất cả các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, đến năm 2030 khuyến khích phát minh và tăng số người làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, tăng kinh phí chi cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển từ Nhà nước và khu vực tư nhân cho nghiên cứu và phát triển.

Tăng cường giải pháp công nghệ đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên; KHCN&ĐMST cung cấp giải pháp phát triển mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững; hợp tác toàn cầu về KHCN&ĐMST nhằm nâng cao khả năng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

"Có thể nói khoa học công nghệ không đứng một mình, không phát triển cho riêng mình mà gắn kết với tất cả thành phần, các lĩnh vực kinh tế xã hội, tức là gắn kết với tất cả các mục tiêu của phát triển bền vững" - Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định.

khoa hoc cong nghe va doi moi sang tao la cong cu phat trien ben vung
Toàn cảnh hội nghị

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, nhu cầu phát triển bền vững đặt ra đối với KHCN&ĐMST từ thực tế Việt Nam hiện nay có nhiều vấn đề, thách thức như vấn đề về biến đổi khí hậu, tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái dẫn đến yêu cầu về quy hoạch, điều tra, dự báo, biện pháp ứng phó; vấn đề tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt dẫn đến các yêu cầu về sử dụng tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng các nhiên liệu tái tạo, các nguyên liệu thay thế từ tự nhiên; vấn đề đô thị hóa, ô nhiễm môi trường đặt ra yêu cầu cần phải kiểm soát công nghệ lạc hậu, thiết bị máy móc đã qua sử dụng; vấn đề về trình độ phát triển, hiệu quả sản xuất và tiêu dùng thấp, năng lực phát triển và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp còn thấp; và vấn đề về hệ thống pháp luật đang trong thời kỳ chuyển đổi còn chưa thật đồng bộ, chưa thật phù hợp với xu thế toàn cầu và hướng tới tăng trưởng xanh.

"Nhận thức và xác định vai trò của KHCN&ĐMST trong thực hiện kế hoạch hành động quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn gắn các hoạt động của Bộ với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, và coi KHCN&ĐMST phục vụ mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 là một nội dung để khẳng định KHCN&ĐMST đóng vai trò động lực, quốc sách hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội" - Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, coi phục vụ cho phát triển bền vững là cơ hội để phát triển KHCN&ĐMST (thúc đẩy sự gắn kết khoa học công nghệ và phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ); KHCN&ĐMST phục vụ mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 là sự tiếp tục và bổ sung các hoạt động của khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững đã có ở Việt Nam; chú trọng sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với các bộ, ngành, địa phương; tranh thủ tối đa hợp tác quốc tế.

Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang thực hiện một loạt nhiệm vụ để tiếp tục đẩy mạnh KHCN&ĐMST, phát triển bền vững như: hoàn thiện cơ chế, chính sách cho KHCN&ĐMST nhằm nâng cao năng lực công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ (điều chỉnh cơ cấu dự toán chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ phù hợp với năng lực và định hướng phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; khuyến khích và huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ).

Tài trợ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao của doanh nghiệp; chuyển giao và hoàn thiện công nghệ để phục vụ sản xuất, đặc biệt là sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm công nghệ cao.

Phục vụ sản suất đặc biệt gắn với chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; chương trình phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm của các địa phương.

Tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ có đủ năng lực tiếp thu làm chủ công nghệ mới phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên; áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế (hiện nay Việt Nam đã có khoảng 10.500 TCVN và 700 QCVN, với tỷ lệ hài hòa với thế giới đạt khoảng 49%); xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ.

Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030, Thứ trưởng Bùi Thế Duy kiến nghị cần đảm bảo sự phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với các bộ, ngành trong việc áp dụng KHCN&ĐMST để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; mong muốn Chính phủ tiếp tục tập trung ưu tiên đối với các hoạt động hợp tác quốc tế song phương, đa phương về KHCN&ĐMST nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay với Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ xanh, đặc biệt là các công nghệ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

4.0 sau cánh cửa nhà máy
Chuyển đổi Chính phủ số với ngành Tài chính
Chủ tịch WEF: Việt Nam đã sẵn sàng cho Cách mạng 4.0
Chuyển đổi số - mệnh lệnh cho cộng đồng doanh nghiệp Việt
Báo chí thời 4.0: Thời cơ lớn, thách thức cũng nhiều

Nguyễn Hoan