"Khan" nhân lực mùa dịch Covid-19

13:00 | 21/02/2020

426 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thị trường lao động quý I cũng như cả năm 2020 được dự báo thiếu hụt và dịch chuyển mạnh do nhiều doanh nghiệp đóng cửa, ngưng trệ và thu hẹp sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Năm nào cũng vậy, sau dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu lao động bao giờ cũng tăng cao do nhiều người còn mải miết với “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Năm nay, nhu cầu lao động còn tăng cao hơn bởi dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh chóng, diễn biến phức tạp làm cho thị trường lao động bị ngưng trệ do nhiều người dân lo sợ, không muốn tập trung làm việc nơi đông người, đồng thời phải trông con nghỉ học.

khan nhan luc mua dich covid 19

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tính đến sáng 17-2 vẫn còn 2.625 đơn hàng chưa tuyển dụng đủ nhân lực. Đại diện trung tâm giải thích: “Nhiều doanh nghiệp cần tuyển lao động thời điểm này một phần do nhu cầu lao động sau Tết Nguyên đán tăng đáng kể, phần khác vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khiến nhiều doanh nghiệp dù chưa thực sự cần thiết nhưng muốn chủ động nhân lực nên vẫn tuyển dụng với số lượng cao”. Để tuyển dụng được lao động, các doanh nghiệp đưa ra mức lương khá hấp dẫn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.

Đơn cử, Công ty bán lẻ BRN hiện đang có nhu cầu tuyển dụng 15 lao động thời vụ, dù không yêu cầu chuyên môn nhưng mức lương cơ bản được đưa ra là 5,5-7 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với trước Tết từ 500.000-1.000.000 đồng/người/tháng, tùy theo vị trí tuyển dụng.

Tương tự, Tổng công ty May 10 - CTCP thông báo có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí: Công nhân may, cắt, là; nhân viên bán hàng, quản lý đơn hàng; bếp; thiết kế đồ họa… với mức lương rất hấp dẫn. Đại diện May 10 cho biết, tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết cùng với dịch bệnh đã khiến May 10 phải tuyển dụng đến 500 lao động để phục vụ cho các đơn hàng trước đó. Mức lương được May 10 công bố để thu hút nhân sự tuyển dụng là công nhân cắt may, nhân viên bán hàng từ 6-12 triệu đồng/người/tháng; kỹ sư 9 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Nhưng thực tế, ngay cả với mức lương hấp dẫn như vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn “khát” nhân sự.

Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động phải đăng tải trên các website để tuyển dụng như: Công ty TNHH Ashashi tuyển dụng 89 lao động là công nhân sản xuất, công nhân bảo trì; Công ty CP Phát triển dịch vụ nhà sạch HMC tuyển 50 giúp việc theo giờ; Hệ thống nhà hàng phở cuốn Ngũ Xã tuyển 20 nhân viên chạy bàn, phụ bếp, bảo vệ...

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thông thường sau mỗi dịp nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường lao động tại Hà Nội luôn có nhu cầu lớn về nhân lực. Thống kê tuần đầu tiên sau Tết cho thấy, có 75 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng 692 vị trí làm việc qua trung tâm.

Những ngành nghề mà nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao trong tháng 2 ở các thành phố lớn tập trung chủ yếu ở dệt may, da giày, du lịch, vận tải, xây dựng... Ông Thành nói: “Sự thiếu hụt nhân lực của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này rất lớn, doanh nghiệp thường xuyên phải tuyển lao động. Ngoài ra, sau Tết, các doanh nghiệp may mặc, da giày, điện tử buộc phải gia tăng sản xuất, thuê thêm nhân công để bảo đảm tiến độ các đơn hàng”.

Ông Thành cũng cho rằng, dịch bệnh đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tâm lý người dân trong xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động, gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhất là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, da giày...

Theo thông lệ, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ mở cửa sàn giao dịch việc làm đầu năm sau mùng 10 tháng Giêng, do nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp thường tăng cao sau kỳ nghỉ Tết. Năm nay, mặc dù đã thông báo mở phiên giao dịch việc làm vào ngày 4-2, song ông Thành cho hay, theo chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cũng như chủ trương của thành phố Hà Nội là tránh tụ tập đông người để chủ động phòng, tránh dịch bệnh lây lan, việc các sàn việc làm đóng cửa cũng dẫn đến tình trạng “khan” lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô.

Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp đồng thời vẫn phòng chống dịch bằng cách không tập trung đông người tại sàn giao dịch việc làm, nhiều chuyên gia cho rằng, các trung tâm giao dịch việc làm nên cung cấp thông tin về thị trường lao động, giới thiệu việc làm cho người lao động và doanh nghiệp có nhu cầu qua hình thức online, điện thoại...

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn ra phức tạp, nhiều chuyên gia dự báo, thị trường lao động quý I cũng như cả năm 2020, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, sẽ thiếu hụt và dịch chuyển mạnh do nhiều doanh nghiệp đóng cửa, thu hẹp chuỗi sản xuất. Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp phải nhanh chóng chủ động điều tiết, tìm kiếm giải pháp thay thế lực lượng lao động để hoạt động sản xuất kinh doanh không bị đình trệ.

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: Thông thường sau mỗi dịp nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường lao động tại Hà Nội luôn có nhu cầu lớn về nhân lực. Thống kê tuần đầu tiên sau Tết cho thấy, có 75 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng 692 vị trí làm việc qua trung tâm.

P.V