Kể “tội” facebook

06:43 | 25/05/2014

1,218 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Facebook xuất hiện và phát triển nở rộ tại Việt Nam khoảng gần 10 năm trở lại đây, hiện nay nó là một mạng xã hội lớn nhất. Tuy nhiên, cùng với những phát triển nở rộ đó là những hệ lụy đi kèm khi giới trẻ ăn, ngủ, sống cùng facebook. Và điều tệ hại nhất là trong cuộc sống cùng facebook ấy, nhiều người đang sống ảo trong chính cuộc sống thực hằng ngày của mình.

Năng lượng Mới số 324

Ảo ảo - thực thực

Một ngày có 24 giờ đồng hồ, ngoài 6-8 tiếng ngủ, thời gian dành cho facebook ước chừng chiếm khoảng 2-3 giờ đồng hồ, thậm chí nhiều người còn mất tới 5-6 giờ, có khi là cả nửa ngày. Đây là khoảng thời gian quá nhiều so với thời gian làm việc, đi học, thời gian ăn uống, nghỉ ngơi. Sáng ngủ dậy mở điện thoại vào facebook xem có những Newfeed (thông tin mới) nào, xem comment (bình luận) của bạn bè vào ảnh hay status (trạng thái hiện tại của bản thân) thế nào, rồi lại mê mải cuốn vào cuộc trò chuyện trên mạng, bình luận qua lại. Có khi chỉ là một dòng trạng thái kể về sinh hoạt hằng ngày của ai đó nhưng lên tới cả 100 comment...

Điều đáng nói hơn cả là trong thế giới thực, những bạn trẻ họ cùng ngồi ăn, ngồi cà phê với nhau trên tay ai cũng cầm một chiếc smart phone (điện thoại thông minh kết nối internet), họ lại trò chuyện bằng những bình luận trên facebook. Họ chụp ảnh món ăn rồi tag (đánh dấu) tên nhau và tiếp tục bình luận. Có khi cả bữa ăn, mỗi người chỉ nhìn màn hình điện thoại rồi tự cười, thỉnh thoảng quay sang hỏi nhau dăm câu ba điều lại cắm mặt vào điện thoại. Lâu dần những thói quen này tạo nên tính vô cảm giữa người với người, thậm chí hai người yêu nhau đi chơi cùng nhưng mỗi người đều có niềm vui riêng với cái điện thoại thông minh kết nối mạng xã hội facebook.

Chưa hết, facebook còn có chế độ check in - một dạng thông báo địa điểm hiện tại của người dùng. Thế là một ngày, sáng check in ăn ở bờ Hồ, trưa ăn ở căng tin, rồi chiều cà phê ở Nhà thờ… đều được đăng tải lên facebook. Thậm chí, facebook còn có nhiều dạng check in tự sáng tạo như: Ở đâu còn lâu mới nói, ở xa còn lâu mới về, ở một nơi không ai biết…

Từ khi xuất hiện facebook, nhiều ứng dụng thông minh khác cũng xuất hiện như phần mềm chụp ảnh lung linh, trắng sáng không tỳ vết như Ngọc Trinh. Những phần mềm chụp ảnh tạo hiệu ứng “vịt hóa thiên nga” tạo thành cơn sốt đối với cộng đồng facebook. Có những cô nàng, sáng, trưa, chiều tối, bất cứ đi đâu làm gì cũng chụp một bức ảnh đăng tải lên facebook để “câu like”. Cái ảo của facebook là tạo cho người ta một hình tượng không thật so với thực tế. Nước da đen thành trắng như Bạch Tuyết, mặt mụn lỗ chỗ trở nên láng mịn, mặt bánh bao thành mặt mốt V-line, người có béo một tí cũng được kéo dài thon gọn… Giờ đây không cần photoshop mất công sức và thời gian, chỉ trên một chiếc điện thoại thông minh đã có đầy đủ phần mềm giúp bạn “vụt sáng”. Cứ thế, những facebooker sống với những bình luận tung hô về nhan sắc ảo, để rồi tự huyễn hoặc về bản thân mình. Đã có rất nhiều trường hợp gặp mặt nhau ngoài đời mới ngã ngửa về nhan sắc thực của những danh xưng hot girl, hot boy ấy. Ngay cả sự khác nhau ấy cũng không thể làm thay đổi cuộc sống ảo trên facebook, thậm chí sống ảo còn có sức sống mạnh mẽ hơn cả sống thực. Lâu ngày tạo thành một thói quen xấu, một tính cách xấu, khi các bạn trẻ không trau dồi học tập, cứ tự chìm đắm rồi mê muội trong đám ảnh “lừa tình” và hàng đống những bình luận tung hô “lên chín tầng mây”.

Thời gian gần đây, mạng xã hội facebook xuất hiện hình ảnh vô cùng phản cảm, đó là chuyện chia tay người yêu thì đăng ảnh buồn khổ nước mắt đầm đìa, bà mất thì cũng không quên đăng ảnh “tự sướng” đang khóc lóc đau khổ kèm dòng chú thích: “Trời ơi… con không kịp về mà nội đã qua đời vậy nội ơi…”. Thời gian trước đó, có bạn học sinh còn đăng dòng chia sẻ trạng thái bực tức tới mức chửi bố mẹ đẻ của mình, tự xưng hô là “bố” còn bố mẹ được gọi là “mày”. Những hình ảnh phản cảm này nhận nhiều “gạch đá” từ cộng đồng mạng, tuy nhiên dù bị đả kích nhưng sau đó vẫn có thêm các trường hợp các bạn trẻ chửi bố mẹ trên facebook, khoe ảnh “tự sướng” ở… đám tang. Đó đều là những hình ảnh không thể chấp nhận được của một bộ phận giới trẻ.

Lợi bất cập hại

Facebook có những mặt lợi, mặt tích cực là một công cụ chia sẻ thông tin hữu ích, tuy nhiên những mặt hại, gây hệ lụy tiêu cực của nó cũng không hề ít. Trong thế giới thực của mình, nhiều người trẻ đang bị chìm vào, cuốn vào thế giới ảo khiến nhiều bạn trẻ luôn tự đề cao cái tôi của mình.

Còn hệ lụy từ việc mất thời gian cho facebook là gì? Đó là sự phân tán trong công việc của chính người sử dụng facebook. Học sinh, sinh viên đi học cứ chốc chốc lại vào facebook đọc thông tin mới, lại cuốn vào những trang mua sắm quần áo, mỹ phẩm; cuốn vào những trang truyện cười, clip hài; rồi những bộ ảnh khoe hàng của hot girl, hot boy để ngắm, soi mói, bình luận. Không chỉ thế, trên facebook còn xuất hiện nhiều hội thích cái này, cuồng cái kia, tẩy chay cái nọ… Tất cả những hội hè này chiếm quỹ thời gian không nhỏ của người dùng.

Công sở đi làm cũng không thoát khỏi hiện tượng “nghiện” facebook, khi ngoài cửa sổ mở trên màn hình máy tính làm việc thì song song bên cạnh là cửa sổ facebook, cứ chốc lại vào bình luận ảnh, trạng thái, rồi thậm chí là chat chit ở ngay trên facebook.

Và đương nhiên chuyện facebook làm gián đoạn quá trình làm việc, học tập hoặc làm chậm tiến độ công việc vì người dùng bị phân tán khi vừa làm việc vừa đăng nhập vào mạng xã hội này và bị cuốn theo lúc nào không hay.

Cái sống ảo trong thế giới thực đó là người dùng facebook chăm chăm làm mọi việc để “câu like”. Có check in, có chụp ảnh lừa tình hay chửi bố mẹ, làm những trò lố, hành động phản cảm… chung quy lại cũng để thu hút sự chú ý của bạn bè, của những người tham gia mạng xã hội hay lớn hơn là tạo hiệu ứng cho một lượng đông đảo cư dân mạng để có chút tiếng. Và nếu như giới trẻ không tự nhận thức được những hành động của mình là đang sống ảo trong chính đời sống thực thì dần dà họ sẽ vô cảm, thờ ơ với những gì diễn ra xung quanh. Chưa kể với những mối quan hệ mở, những người bạn dễ dàng kết nối chỉ bằng một click chuột thì không thể biết được họ sẽ mang đến những gì. Không ít bạn trẻ đã từng bị  tổn thương cả tinh thần, thể xác, lừa đảo, lợi dụng. 

Nói một cách công bằng thì rõ ràng facebook chỉ là một trang mạng xã hội và bản thân nó đưa lại rất nhiều thông tin hữu ích. Nó không hề có “tội” mà tội là ở người dùng. Rất nhiều bạn trẻ đang có vấn đề nghiêm trọng khi dùng vào mục đích thể hiện những tiêu cực cá nhân, của sự lệch lạc trong lối sống, sự giáo dục nhân cách... Chính vì điều này mà họ thường gặp “tai nạn”. Thiết nghĩ để hạn chế được mặt trái của facebook thì người tham gia buộc phải biết chọn lọc và suy xét khi giao tiếp, phổ biến và tiếp nhận thông tin.

Thanh Huyền