Huy động trực thăng phục vụ công tác cứu hỏa?

17:39 | 16/12/2011

367 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  "Do tòa nhà cao tầng nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn, nhưng không thấy bất kỳ ai có nhiệm vụ huy động thêm trực thăng tới giải cứu người... Tôi đề nghị Sở PCCC Hà Nội cũng phải có trực thăng" Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề xuất.

>> Tòa tháp EVN lại bốc cháy lúc nửa đêm

Ngay sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra tại tòa nhà của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào chiều tối ngày 15/12, sáng 16/12, UBND TP Hà Nội đã triệu tập một phiên họp bất thường, gồm: Chủ tịch UBND, các Phó Chủ tịch UBND và giám đốc các Sở, Ban ngành có liên quan để đánh giá lại công tác phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội thời gian qua và chỉ đạo công việc thời gian tới.

Trong thời gian vừa qua, Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy, khiến một số người dân thiệt mạng. Đây là phiên họp bất thường của UBND thành phố, cuộc họp bàn luận các vấn đề liên quan đến công tác PCCC của Hà Nội.

Đánh giá về khả năng cứu hộ – cứu nạn khi xảy ra một vụ hỏa hoạn, Chủ tịch UBND chỉ đạo các Sở, ngành thời gian tới cần tăng cường công tác phóng cháy chữa cháy, hạn chế tối thiểu thiệt hại xảy ra. Việc chữa cháy tại Hà Nội thời gian qua còn một số hạn chế, do nhân và vật lực còn nhiều thiếu thốn, việc điều động xe chữa cháy tới hiện trường gặp khó khăn do vụ cháy xảy ra vào giờ cao điểm. Sở Cảnh sát PCCC là nòng cốt phải xây dựng các tình huống diễn tập cho thực tế, phối hợp lực lượng đa dạng.

Hiện nay, Sở PCCC vừa tách ra, nên nếu phối hợp không cẩn thận thì sự phối hợp sẽ rất khó khăn. Sở Tài chính cung cấp kinh phí để Sở Cảnh sát PCCC trang bị thêm trang thiết bị chữa cháy, trang thiết bị bảo hộ có đầy đủ thì chiến sỹ cứu hỏa mới dám nhảy vào lửa được.

Hiện trường vụ cháy tòa nhà EVN ngày 15/12.

Liên quan đến vụ hỏa hoạn xảy ra đối với tòa tháp đôi của EVN, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo, cho hay: Ngay khi vụ hỏa hoạn xảy ra, UNBD thành phố đã theo dõi gắt gao vụ việc. Do tòa nhà cao tầng nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn, nhưng không thấy bất kỳ ai có nhiệm vụ huy động thêm trực thăng tới giải cứu người. Cái đấy chỉ cần phối hợp với Quân đội điều động trực thăng tới, rồi thả dây xuống nóc nhà để đưa người còn mắc kẹt lại khỏi tòa nhà, vì lúc đấy tất cả người mắc kẹt lại đều đã chạy hết lên nóc nhà. Vì vậy, tôi đề nghị Sở PCCC Hà Nội cũng phải có trực thăng.

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nhanh chóng khắc phục hậu quả ngay về vụ cháy. Về những công nhân bị thương phải đưa đi cấp cứu cần kiểm tra sức khỏe toàn diện, ban đầu thì chăm sóc theo dõi, số người không sao thì cho về nhà. Tuy nhiên, hậu quả của nó đến sức khỏe các công nhân do nhiễm độc khói phải có theo dõi thường xuyên, và có hướng xử lý. Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH, Tổng Công ty Điện lực VN cần quan tâm đến anh em, chăm sóc, bồi dưỡng để không để lại hậu quả với sức khỏe của họ. Chủ đầu tư, đơn vị thi công cần sớm khắc phục hậu quả của vụ cháy. Cơ quan quản lý xử lý trách nhiệm theo quy định của luật pháp, không thể chỉ đơn thuần là rút kinh nghiệm.

Chủ tịch UBND Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo.

Trở lại về công tác PCCC hiện nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành cần tăng người phối hợp hơn nữa trong công tác phòng cháy chữa cháy, thanh kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động tại các công trường đang xây dựng, tòa nhà cao tầng đang sử dụng.

Chủ tịch Hà Nội gửi lời khen ngợi đến lực lượng phòng cháy chữa cháy đã phản ứng kịp thời, chỉ trong 30 phút đã huy động được lực lượng hùng hậu đến hiện trường, với tinh thần khẩn trương, có trách nhiệm khống chế ngọn lửa, giải cứu những người mắc kẹt bên trong.

T. Minh