Hơn 39% cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em vi phạm

08:04 | 04/12/2013

725 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa công bố kết quả đợt thanh tra diện rộng chuyên đề về đồ chơi trẻ em năm 2013. Qua đó, tỷ lệ vi phạm vẫn còn rất lớn, chủ yếu là vi phạm về nhãn hàng hóa và công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy, dấu hợp quy…

Mặt hàng đồ chơi trẻ em cần được kiểm soát chặt chẽ khi đưa ra thị trường!

Đồ chơi trẻ em là một loại sản phẩm đặc thù liên quan đến an toàn, sức khỏe trẻ em, được  sử dụng trong mọi gia đình có trẻ nhỏ. Đối với trẻ, đồ chơi có ảnh hưởng quan trọng trong quá trình phát triển cơ thể và trí tuệ. Hiện nay, bên cạnh những đồ chơi phù hợp với trẻ theo các lứa tuổi, bảo đảm an toàn cho trẻ khi sử dụng thì thị trường đồ chơi trẻ em vẫn tồn tại những mặt hàng không đảm bảo chất lượng, không phù hợp và thiếu tính giáo dục , tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ.

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, qua đợt thanh tra diện rộng chuyên đề về đồ chơi trẻ em năm 2013 trên 62 tỉnh, thành phố, số cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em bị xử phạt vi phạm là 672 cơ sở (chiếm tỷ lệ 39,3% số cơ sở được thanh tra) với tổng số tiền phạt là hơn 434 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy 19.596 đồ chơi (là các loại đồ chơi bạo lực như kiếm, đao, dao, súng bắn đạn nhựa… Ngoài ra, buộc khắc phục nhãn hàng hóa đúng theo quy định trước khi cho lưu thông trở lại đối với gần 50.000 đồ chơi.

Theo thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ- cho biết,  phần lớn vi phạm về đồ chơi trẻ em chủ yếu tập trung ở các thành phố như Cà Mau (15 cơ sở), Hà Nội (6 cơ sở), Bạc Liêu (11 cơ sở), Thái Nguyên (11 cơ sở), Thanh Hóa (15 cơ sở), Phú Thọ (23 cơ sở). Đặc biệt, ở không ít địa phương, 100% số cơ sở thanh tra vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, như: Lai Châu, Tuyên Quang, Sơn La, Hải Phòng, Nam Định, Hòa Bình, Đà Nẵng, Quảng Trị, Phú Yên, Đắc Lắc, Gia Lai, Cần Thơ, Trà Vinh…

Điều đáng nói, trong tổng số 672 cơ sở vi phạm, đại đa số là vi phạm về nhãn hàng hóa chiếm 68,1% tổng số hành vi vi phạm. Tiếp đến, vi phạm quy định về gắn dấu hợp quy chiếm 22 %. Vi phạm về chất lượng, phát hiện 23 mẫu không đạt yêu cầu trong tổng số 234 mẫu được cơ quan chức năng đem thử nghiệm (chiếm 9,8%)…

Ngoài ra, tình trạng buôn bán đồ chơi nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ…các loại đồ chơi gây nguy hiểm, mang tính bạo lực, thiếu tính giáo dục rất phổ biến. Cụ thể, có 32 địa phương phát hiện và xử lý hành vi buôn bán các loại đồ chơi bạo lực và gây nguy hiểm như là các loại súng bắn đạn nhựa, súng bắn nước, đao, dao, kiếm, các loại côn, que, gậy (chiến đấu), siêu nhân kiếm, siêu nhân côn, Nin-ja với bao tay và mặt nạ đi kèm…

Song song với cuộc thanh tra diện rộng năm 2013, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra đối với 342 cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em trên địa bàn 23 tỉnh, thành (trong đó có 3 cơ sở sản xuất, 6 cơ sở nhập khẩu và 333 cơ sở buôn bán đồ chơi trẻ em). Qua kiểm tra phát hiện 160 cơ sở vi phạm, chiếm 46,8% số cơ sở kiểm tra, xử phạt với số tiền phạt hơn 135 triệu đồng, tạm đình chỉ lưu thông đối với 27 lô hàng…

Cuộc thanh tra trên diện rộng chuyên đề năm 2013 về đồ chơi trẻ em đã đạt được những hiệu quả tích cực, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng, sở hữu công nghiệp, nhãn hàng hóa trong lĩnh vực kinh doanh đồ chơi trẻ em, cũng như tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em.

Nguyễn Hoan