Hơn 1,5 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu

07:43 | 09/04/2020

133 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Toàn thế giới ghi nhận hơn 1,5 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 88.000 người chết, trong đó Mỹ và châu Âu tiếp tục là điểm nóng.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận 1.511.104 ca nhiễm và 88.338 ca tử vong do nCoV tại 209 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 96.366 và 7.079 ca so với hôm qua. 328.661 người đã hồi phục.

Hơn 1,5 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu
Nhân viên y tế xét nghiệm tại Sunland Park, Mỹ ngày 8/4. Ảnh: Reuters.

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 423.135 ca nhiễm nCoV, tăng 24.326 ca. Thêm 1.495 người chết, nâng tổng số lên 14.390. Wyoming là bang duy nhất tại Mỹ chưa có người chết vì nCoV.

Các chuyên gia Nhà Trắng dự đoán 100.000 - 240.000 người Mỹ có thể chết vì nCoV, ngay cả khi người dân tuân thủ yêu cầu không rời khỏi nhà.

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 6.278 ca nhiễm và 747 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 148.220 và 14.792. Nước này là vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.

Mặc dù một số chuyên gia dự đoán Covid-19 tại Tây Ban Nha đang bước vào giai đoạn chững lại, ngày càng nhiều người nghi ngờ số liệu chính thức thấp hơn nhiều so với thực tế. Tòa thượng thẩm khu vực Madrid cho biết họ ký hơn 9.000 giấy chứng tử trong hai tuần cuối tháng ba, trong khi Madrid báo cáo hơn 5.500 ca tử vong do nCoV. Hồi tháng 3/2018, số người chết tại đây trong cả một tháng là 4.311.

Italy phát hiện 3.836 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm toàn quốc lên 139.422, trong đó 17.669 người chết, tăng 542 ca. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số người chết trong một ngày giảm nhưng số ca nhiễm mới tăng so với hôm trước. Italy tiếp tục là vùng dịch chết chóc nhất thế giới.

Italy đã gia hạn lệnh phong tỏa vì Covid-19 tới ngày 13/4. Mặc dù nhiều doanh nghiệp kêu gọi mở cửa lại nhà máy, Thủ tướng Giuseppe Conte khẳng định Italy phải duy trì biện pháp khắt khe nếu muốn kiềm chế dịch, nhấn mạnh "các nhà khoa học khuyên chính quyền không nên nới lỏng hạn chế nào cả".

Đức báo cáo 113.296 người dương tính nCoV và 2.349 người chết, tăng lần lượt 5.633 và 333 so với hôm trước. Chính phủ Đức đã ra lệnh đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và áp lệnh cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến ngày 19/4. Nước này đang tập trung vào chiến lược xét nghiệm quy mô lớn và đã xét nghiệm hơn 330.000 người vào tuần trước, tăng 5,9% so với tuần trước nữa.

Pháp xác nhận 3.881 ca nhiễm mới và 541 ca tử vong, nâng số tổng người nhiễm và người chết vì nCoV lên lần lượt 112.950 và 10.869. Pháp phong tỏa toàn quốc từ ngày 17/3, dự kiến đến 15/4. Tuy nhiên, chính quyền Pháp thông báo sẽ gia hạn phong tỏa vì biện pháp này kiềm chế dịch hiệu quả.

Anh là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu với 60.733 người nhiễm. Số ca tử vong trong 24 giờ qua đã tăng kỷ lục 938 ca, nâng số người chết vì nCoV lên 7.097.

Nước này đã phong tỏa toàn quốc từ 23/3. Chính quyền Anh đang cố gắng cải thiện khả năng xét nghiệm bằng cách đặt mua 3,5 triệu bộ xét nghiệm kháng thể dùng máu chích từ đầu ngón tay, chủ yếu từ các hãng Trung Quốc. Tuy nhiên, các thử nghiệm của Đại học Oxford cho thấy chúng không đủ tin cậy để sử dụng rộng rãi, khiến Anh có thể hủy đặt hàng.

Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố liệu.

Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, với 64.586 ca nhiễm và 3.993 người chết. Tổng thống Iran kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ nước này khoản vay trị giá 5 tỷ USD để chống dịch.

Covid-19 gây thêm tổn thất cho nền kinh tế Iran, vốn đã khó khăn bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Iran cho rằng chính sách "gây áp lực tối đa" của Mỹ đã hạn chế khả năng ứng phó Covid-19 của nước này.

Tại Đông Nam Á, Malaysia tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 4.119 ca nhiễm và 65 ca tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán Covid-19 ở Malaysia sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 4, trong khi số ca bệnh nguy kịch ước tính đạt đỉnh trong tuần tới.

Indonesia là nước có số người chết cao nhất khu vực với 240 trường hợp, tăng 19 ca so với hôm trước, số ca nhiễm là 2.956.

Singapore tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ hai với 142 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 1.623, nhưng chưa ghi nhận thêm ca tử vong nào, đang dừng ở 6 ca.

Lệnh đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu tại Singapore bắt đầu từ hôm 7/4 và kéo dài đến ngày 4/5, các trường học tại Singapore đóng cửa từ ngày 8/4. Khu vực trung tâm của Singapore được mô tả giống "thành phố chết" khi gần như toàn bộ dân cư đều ở nhà.

Theo VNE

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc