Hồi ức tết của một cung nữ cuối cùng triều Nguyễn

16:03 | 22/01/2012

3,072 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngôi nhà gỗ nằm ẩn khuất ở cuối đường Chi Lăng, TP Huế vẫn còn một nhân chứng cuối cùng về “cuộc sống cung cấm”. Mệ Trần Thị Vui, 86 tuổi (theo cách gọi xưa, người trong hoàng tộc được gọi là “Mệ”) hồi tưởng về cái tết của triều Nguyễn.

Thân phận… cung nữ

Những ngày cận kề với tết, mưa phùn, giá rét kéo dai dẳng mãi không ngớt. Qua mấy bận hỏi đường chúng tôi mới tìm đến được nhà Mệ Vui. Mới đặt chân tới cổng thì đứa con nuôi của Mệ bảo: “Do thời tiết thay đổi, giá rét nên Mệ ốm cả tháng nay rồi. Để tôi vào hỏi Mệ đã đỡ chưa, có tiếp chuyện được không?”.

Mệ bước chậm rãi từ trong phòng ra, từ từ ngồi xuống ghế. Mệ rót chén trà nóng: “Các con uống trà đi cho ấm bụng, đi ngoài đường mưa lạnh lắm. Các con ở mô tới rứa? Đến gặp Mệ có chuyện chi à? Mấy ngày ni bệnh hen suyễn lại phát, tui tuổi cao lại bệnh già, trời lại rét không biết sống được bao lâu nữa”.

Theo tài liệu Mệ Vui cung cấp, Tôn Nữ Thị Biên (mẹ của Mệ Vui) là một cung nữ người Hoàng tộc thuộc dòng trưởng của chúa Nguyễn Phúc Tần, đời thứ 5. Lúc đó, họ Trần thuộc làng Liễu Cốc, xã Hương Xuân, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Cũng nhờ bà phi ở trong cung mà dòng họ Trần mang tiếng thơm lây. Trong dịp này, có người cháu ruột của bà phi may mắn được lui tới nhiều lần vào cung để thăm hỏi cô. Một hôm, tình cờ gặp cung nữ Biên, vẻ đẹp mĩ miều của bà đã làm xiêu lòng Vua, hai người đã bén duyên với nhau. Qua bao lần hẹn hò, bà Biên đã có thai. Nghe được thông tin đó, người yêu họ Trần của bà Biên đã thúc giục về quê xin gia đình được cưới, vì không “môn đăng, hộ đối” mà đám cưới của hai người không được dòng họ chấp nhận.

Mệ Trần Thị Vui, cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn.

Cắn răng chịu đựng tủi nhục, bà Biên đành rời khỏi cung về quê sinh con và đặt tên con là Trần Thị Vui, bà hy vọng cuộc đời con mình sẽ có một tương lai tươi sáng, không hẩm hiu như thân phận của mẹ. Để con mình có điều kiện chăm sóc tốt bà Biên đã gửi con ở một gia đình người em họ (ở làng La Ý, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế), sau đó bà Biên quay về ở điện Phụng Tiên chăm lo việc hương khói.

Bé Vui càng lớn càng giống mẹ, xinh đẹp dịu dàng, nết na,… 16 tuổi cô bé Vui được mẹ Biên xin vào làm cung nữ trong cung. Công việc của Vui không nặng nhọc gì cả, hàng ngày cô quạt hầu, đấm bóp, dâng trầu cau, nước uống cho bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại). Từ đó hai mẹ con ở trong nội thành nên được điều kiện chăm sóc nhau cũng tốt hơn.

Mệ Vui kể lại: “Được tuyển chọn vào làm cung nữ trong triều là niềm mơ ước của không ít phụ nữ thời bấy giờ. Vì lúc đó, vào cung dòng họ sẽ được thơm lây, cuộc sống nhàn hạ, cái ăn, cái mặc đàng hoàng”. Mệ Vui cho biết thêm: “Bên cạnh đó, cung nữ cũng phải chịu nhiều áp lực từ Vua, đến Hoàng hậu, Hoàng Thái hậu, các quan thần, các thái giám thậm chí các cung nữ với nhau cũng xảy ra xích mích. Thân phận là người hầu hạ, nên phải phục tùng tất cả các yêu sách đặt ra. Nhất là các bữa ăn của Vua và Hoàng hậu bao giờ cũng phải có đến 108 món, đó là những món sơn hào hải vị được các địa phương cúng nạp đến cho Vua. Ngày ba bữa (không kể ăn điểm tâm), các cung nữ cứ chia ca kíp ra rõ ràng 24/24 mà phục vụ”.

Các cung nữ ở trong triều Nguyễn có lịch trình rất khắt khe, thời gian làm việc gấp nhiều lần, từ hầu quạt, vấn tóc, rửa chân, đấm lưng, tẩm quất, bóp đùi, chuẩn bị tư trang, quét dọn, bưng bê… Những công việc đó các cung nữ đều phải sành sỏi, không được tỏ ra vụng về trước mặt Vua, Hoàng hậu và Hoàng Thái hậu.

Mệ Vui thổ lộ: “Đã vào trong cung thì mọi cung nữ chỉ biết hậu hạ, còn chuyện “đại sự” coi như không biết. Phải tuân thủ nguyên tắc nghiêm ngặt “câm như hến”, cung nữ mô mà để lộ thông tin gì ra ngoài thì chỉ có chết, dòng họ sẽ mang vạ”.

Mệ Vui có nghe bà Biên kể lại rằng: “Thời Vua Khải Định, việc tuyển chọn cung nữ rất khắt khe, trong triều thường có hai loại danh phận: Thứ nhất, chọn nhưng người con gái tuổi dưới 20, dáng người cao ráo, xinh đẹp và phải còn trinh thì được tuyển vào để quan hệ hôn nhân với Vua. Thứ hai, các cung nữ hay thị nữ có tiêu chí thấp hơn thì được tuyển vào để hầu hạ gia đình vua”.

Điều cấm kỵ của các cung nữ là không được ăn cơm, vệ sinh trong cung mà chỉ dành chỗ sinh hoạt riêng ở cạnh thành nội. Mỗi tháng các cung nữ chỉ được trả 3 đồng bạc và về thăm nhà 1 lần.

Trong ký ức làm cung nữ, Mệ Vui không thể nào quên những năm tháng sống trong cung. Chẳng hạn như Mệ biết được sở thích của Vua Bảo Đại thích ăn vặt, nên các đầu bếp thượng thiện luôn sẵn sàng những món ăn khi nào vua dùng là có ngay. Với Hoàng Thái Hậu (bà Từ Cung), là người rất nhân từ, các cung nữ bà đều đối xử rất nhẹ nhàng, không quát mắng,…. Từ Cung là người theo đạo phật nên mỗi tháng ăn chay hai ngày và thích ăn những món truyền thống Huế.

Năm 1945, nhà Nguyễn sụp đổ, vua Bảo Đại thoái vị, các cung nữ trong triều được về quê. Mệ Vui rời cung khi tuổi đã ngoài 20, biết thân phận là một cung nữ phục vụ trong cung Mệ đành kết duyên với một người đàn ông nông dân bình thường. Niềm vui nhân lên khi đứa con gái chào đời, chưa được bao lâu thì đứa con gái mắc bệnh hiểm nghèo và chết đi. Lần sinh duy nhất đó, Mệ vĩnh viễn không thể sinh nở được nữa, Mệ đành “ngậm đắng, nuốt cay”, cắn răng chịu đựng nhờ người mai mối cưới cho chồng một người vợ để ông có người phụng dưỡng lúc về già.

Người vợ hai của ông đã sinh 5 người con, sau đó bà vợ hai và ông chồng chết bỏ lại một đàn con thơ dại. Mệ Vui phải chạy vạy buôn bán đủ nghề để kiếm tiền nuôi con chồng, Mệ không bao giờ kêu ca phàn nàn gì cả. Bây giờ, những đứa con đã khôn lớn thành người. Cũng từ đó, Mệ ăn chay, niệm phật, tu gia, tích đức cho con cháu sức khỏe, làm ăn phát tài.

Hồi ức… Tết xưa

Một mùa xuân nữa lại về, Mệ Vui lại thêm một tuổi, sức khỏe Mệ lại yếu đi,… trí nhớ cũng không minh mẫn như trước nữa. Dù thời gian khắc nghiệt nhưng trên khuôn mặt của Mệ vẫn hiện lên nét thanh tú của một thời xuân sắc.

Ngoài trời mưa cứ rơi, từng đợt gió rét thổi qua các song cửa sổ khiến cho không gian ngôi nhà gỗ càng thêm lạnh lẽo. Mệ ngồi co cụm trên ghế, tay run rẩy, miệng lập cập kể cho chúng tôi nghe về cách đón tết của vua chúa trong triều Nguyễn.

Đón Tết Nguyên đán trong cung đình triều Nguyễn rất trang trọng và cầu kỳ, chủ yếu là thiên về nghi lễ. Trang phục để đón dành cho vua chúa, hoàng gia cũng trang nghiêm, phải tuân thủ các điển chế mà triều đình đã quy định. Tết cung đình Huế bắt đầu từ ngày mồng 1 (tháng Chạp) hàng năm với lễ Ban sóc (phát lịch) ở điện Thái Hòa, nhưng đến 1940 vua Minh Mạng cho tổ chức ở Ngọ Môn. Nhà vua thân hành dự lễ và tuyên chỉ ban lịch cho bá quan trong triều và cho các tỉnh thành trong nước…

Các cung nữ thời xưa, bạn của Mệ Vui.

Ngày 30 Tết, triều đình cử hành lễ Cáp hưởng (tức là mời các vị tiên đế) về “ăn Tết”. Tối 30, toàn Kinh thành mới đốt pháo lên nêu, trong triều, quan hữu ty chuẩn bị thiết đãi triều ở điện Thái Hòa và thiết thường triều ở điện Cần Chánh…

Sáng mồng 1 Tết, sau hồi trống lệnh thứ ba, lá cờ vàng đại lễ được kéo lên Kỳ Đài. Hoàng Thành rợp sắc cờ khánh hỉ rộn ràng tiếng nhạc và các điệu múa của quân nhạc và ca sinh. Vua đội mũ cửu long, mặc hoàng bào, cầm hốt trấn khuê ngự ra điện Cần Chánh rồi lên kiệu, qua Đại Cung Môn đến điện Thái Hòa…

Từ mồng 3 đến mồng 5 Tết, Vua thường đi thăm các bậc ân sư, đi lễ các chùa, viếng thăm lăng tẩm của tiên đế hay thực hiện các cuộc du xuân ra ngoài Kinh Thành để xem xét dân tình ăn Tết và hưởng xuân,…

Ngày mồng 7, triều đình làm lễ Khai hạ (hạ cây nêu), quan viên các nha, bộ làm lễ khai ấn, bỏ niêm phong, tượng trưng cho việc bắt đầu một năm làm việc mới…

Ngày mồng 8, triều đình làm lễ Cáp hưởng đầu năm tại các miếu và đưa tiễn linh hồn tiên đế các về chốn cũ sau kỳ hưởng Tết. Tuy nhiên, phải đến sau lễ Nguyên tiêu vào ngày Rằm tháng Giêng thì Tết trong cung đình mới thực sự chấm dứt.

Đón Tết trong cung đình nhà Nguyễn luôn mang một dáng vẽ quý phái, xa hoa, tôn nghiêm về quyền lực. Bao giờ, cũng thể hiện được vẻ sang trọng nhất, mang đậm nghi thức của Tết cổ truyền Việt Nam.

“Bậc Vua chúa, quan quân trong triều đón Tết đúng cung cách, ăn uống chúc tụng linh đình mấy ngày Tết. Còn thân phận người hầu như chúng tôi thì không có gì đặc biệt cả. Công việc mấy ngày Tết càng nhiều gấp bội. Người hầu hạ cũng chỉ ăn uống bình thường như các ngày thường,…”.

Cung nữ triều Nguyễn là những người không có địa vị trong xã hội phong kiến ngày xưa nên rất ít có tài liệu ghi chép. Bởi thế, Mệ Vui được xem là nhân chứng sống còn sót lại cho đến ngày hôm nay.

Chia tay Mệ, người cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn, chứng kiến biết bao thăng trầm, bây giờ Mệ vẫn còn đau đáu trong lòng một nỗi đau. Thương cho thân phận mình có chồng mà không có con, cũng đồng cảm cho những cung tần mỹ nữ với mình cả đời chưa một lần hưởng ân ái vợ chồng, đến lúc chết chẳng được ghi tên vào sổ thờ, linh hồn của họ có được siêu thoát hay không? Chỉ có Mệ mới nhớ rõ cụ thể của những bà Phi, bà Hậu, nhớ rồi để mấy ngày Tết là đơn giản thắp cho các bà một nén nhang và không quên cắm lên mộ, bàn thờ mấy cành hoa duyên phận.

Tập Thu