Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng: Việt Nam đóng góp quan trọng cho các vấn đề đa phương
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, đêm ngày 21/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19 - 21/5/2023 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Việt Nam là một trong 8 nước trên toàn thế giới, một trong 2 nước trong ASEAN (cùng với nước Chủ tịch ASEAN 2023 Indonesia) là khách mời của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham dự Hội nghị, cho thấy sự coi trọng của Nhật Bản nói riêng và Nhóm G7 nói chung đối với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo các nước G7 mở rộng - Ảnh: VGP. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại 3 phiên họp của Hội nghị: "Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng", "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững" và "Hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng", đưa ra nhiều đề xuất thiết thực, phù hợp nhằm thúc đẩy hợp tác trong giải quyết các vấn đề chung của quốc tế và khu vực, đóng góp những cách tiếp cận và giải pháp quan trọng từ góc độ một nước đang phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.
Tại Phiên họp "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu bật 3 thông điệp của Việt Nam về hòa bình, ổn định và phát triển.
Thứ nhất, bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định cho hợp tác và phát triển, vừa là nền tảng thiết yếu, vừa là đích đến cuối cùng vì sự phát triển bền vững, thịnh vượng trên toàn thế giới cũng như từng quốc gia, khu vực. Hòa bình là mục tiêu tối thượng của hợp tác quốc tế, là giá trị chung của nhân loại; hòa bình bền vững, thượng tôn pháp luật và phát triển bền vững có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó chặt chẽ. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đề cao cách tiếp cận tổng thể về các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển; hoà bình là nền tảng, đoàn kết, hợp tác là động lực, phát triển bền vững là mục tiêu.
Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhờ có hòa bình, Việt Nam từ một nước nghèo đã vươn lên thành một quốc gia thu nhập trung bình, đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam sẽ làm hết sức mình, cùng chung tay đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của nhân loại; mong muốn chấm dứt xung đột, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh con người.
Thứ hai, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp về tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cần được đề cao và cần được thực hiện bằng những cam kết cụ thể; kêu gọi các bên liên quan trong mọi cuộc xung đột giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán để tìm ra các giải pháp lâu dài, tính tới lợi ích chính đáng của các bên. Thủ tướng khẳng định Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, công bằng, công lý và lẽ phải.
Đối với khu vực, Thủ tướng mong muốn cộng đồng quốc tế và các đối tác tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và tự cường. Theo đó, các nước thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); đề nghị các bên kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan đã được UNCLOS 1982 xác lập.
Thứ ba, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sự chân thành, lòng tin chiến lược và tinh thần trách nhiệm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay. Với Việt Nam, các giá trị đó thể hiện qua việc triển khai nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Tại Phiên họp "Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng", Thủ tướng chia sẻ, bối cảnh chưa có tiền lệ hiện tại đòi hỏi phải hành động vượt ra ngoài tiền lệ với cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và đề cao chủ nghĩa đa phương; nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết là thúc đẩy và tạo ra những động lực mới cho phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu theo hướng xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn.
Thủ tướng đề xuất cần nâng cao hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu, tăng cường phối hợp chính sách, nhất là về lãi suất, tài chính – tiền tệ, thương mại và đầu tư, cải cách hệ thống thương mại đa phương với vai trò trung tâm của WTO. Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của G7 về Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII); đề nghị G7 tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua cung cấp tài chính xanh, hợp tác phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược, nhất là về giao thông.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đánh giá cao Tuyên bố hành động Hiroshima về an ninh lương thực tự cường toàn cầu; đề nghị G7 và đối tác đẩy mạnh mở cửa thị trường nông sản, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp xanh, tăng cường tham gia và hỗ trợ triển khai các cơ chế hợp tác Nam – Nam và 3 bên trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất lương thực để đóng góp vào thực hiện Tuyên bố Hiroshima.
Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm và hành động trên quy mô toàn cầu nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Trên tinh thần không để ai, không để quốc gia nào bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng kêu gọi các nước G7 và các đối tác phát triển có chương trình hành động cụ thể, tăng cường hỗ trợ nguồn lực thực hiện các mục tiêu SDG, thu hẹp khoảng cách số, làm chủ công nghệ tiên tiến, bảo đảm an ninh nguồn nước xuyên biên giới, thực thi bình đẳng giới và xây dựng các cơ chế hiệu quả để ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ Việt Nam luôn trân trọng sự giúp đỡ thiết thực, kịp thời của các nước G7 và cộng đồng quốc tế, các doanh nghiệp trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.
Tại Phiên họp "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng chỉ có thể thành công thông qua cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương, tự lực, tự cường của mỗi quốc gia và hợp tác quốc tế sâu rộng.
Thủ tướng nêu quan điểm về bảo đảm công bằng, hợp lý, tính tới điều kiện, trình độ khác biệt giữa các nước; bảo đảm cân bằng chiến lược giữa chuyển đổi năng lượng sạch và an ninh năng lượng toàn cầu; xây dựng các lộ trình chuyển đổi năng lượng công bằng, đa dạng, có tính thực tiễn cao và phù hợp với quy luật thị trường.
Thủ tướng nhấn mạnh nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực trung tâm cho phát triển bền vững của mọi quốc gia, là lời giải cho bài toán vừa tăng trưởng nhanh, vừa bền vững. Thủ tướng đề nghị các nước G7 và các tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển về chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực về thể chế, hạ tầng, nhân lực, phương pháp quản trị, xây dựng hệ sinh thái phát triển năng lượng sạch.
Thủ tướng cho rằng việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực là yếu tố then chốt cho phát triển bền vững. Các nước G7 cần ưu tiên triển khai kịp thời, hiệu quả các cam kết tài chính cho phát triển, đáp ứng yêu cầu cấp bách là xóa, giãn và cơ cấu lại nợ cho các nước nghèo. Thủ tướng đề xuất cần tiếp cận sáng tạo trong huy động các nguồn tài chính đa dạng, chú trọng hợp tác công tư (PPP), tài chính hỗn hợp gắn với sự tham gia của khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài.
Về Việt Nam, Thủ tướng khẳng định quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 dù Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, đang chuyển đổi, là nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Đánh giá đây là thách thức rất lớn nhưng là con đường Việt Nam lựa chọn trên cơ sở phát huy nội lực là chiến lược, quyết định, cơ bản, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh ủng hộ sáng kiến "Cộng đồng phát thải ròng bằng không châu Á" (AZEC) của Nhật Bản và đề xuất các nước G7 và đối tác tiếp tục đồng hành với Việt Nam triển khai Thỏa thuận Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) một cách thực chất, hiệu quả; góp phần giúp Việt Nam phát huy tiềm năng, lợi thế, trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo khu vực, tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất công nghiệp phụ trợ về năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn. Khẳng định gió, mặt trời là các nguồn năng lượng không ai có thể lấy đi, Thủ tướng chia sẻ việc Việt Nam vừa công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, cũng như ủng hộ Tiểu vùng Mekong phát triển bền vững.
Những ý tưởng và đề xuất của Thủ tướng Chính phủ được các nhà lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, góp phần xây dựng cách tiếp cận cân bằng, tổng thể nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu. Sự tham gia thực chất, trách nhiệm của Việt Nam cũng đã đóng góp quan trọng vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với quan tâm, lợi ích của các nước đang phát triển.
Theo Kinh tế Chứng khoán
-
Thủ tướng: Chậm nhất 31/12 tới phải hoàn thành xây dựng lại bản Làng Nủ
-
Thủ tướng: Mỗi người làm việc bằng hai, chung tay ứng phó, khắc phục hậu quả bão lụt với trách nhiệm cao nhất
-
Thủ tướng chỉ đạo bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; triển khai phương tiện, kể cả trực thăng, hỗ trợ người dân
-
Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu tại Phú Thọ
-
Thủ tướng kiểm tra, động viên công tác khắc phục hậu quả bão tại Hải Phòng
-
Lâm Đồng: Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược
-
Hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh Bắc Kạn khắc phục thiệt hại do bão
-
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Phó Bí thư Cà Mau
-
Tăng cường công tác vận hành, điều tiết hồ chứa thủy điện, đảm bảo an toàn hệ thống đê
-
Thủ tướng: Chậm nhất 31/12 tới phải hoàn thành xây dựng lại bản Làng Nủ