Hoàn trả tiền ODA là đúng thông lệ quốc tế

21:19 | 03/04/2015

1,092 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều 3/4, tại buổi họp sơ kết quý I và triển khai tiếp nhiệm vụ quý II/2015 của Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, việc nhà tài trợ Nhật Bản đòi lại tiền khi dự án Đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi tạm dừng thực hiện là một quy định bắt buộc, đúng thông lệ quốc tế.

Trả lời báo chí về việc Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) yêu cầu hoàn tiền tư vấn thiết kế đã giải ngân theo gói thầu của Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) tại Dự án đường sắt đô thị số 1, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, dự án trên được thực hiện bằng vốn ODA và mới tiến hành đấu thầu tư vấn thiết kế, chưa đưa vào nghiệm thu. Trong quá trình đó phải chi tiền cho các nhà thầu.

“Nếu dự án diễn ra bình thường thì có thể chi trả không có vấn đề gì. Nhưng khi dự án đang bị tạm dừng chưa thực hiện, nhà tài trợ yêu cầu phải trả lại tiền đã tài trợ” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.

Đề cập đến số tiền mà Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải hoàn lại Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện Ban Quản lý dự án đường sắt đang rà soát lại vì trong nguồn vốn đã cấp có tiền viện trợ không hoàn lại, có tiền vốn vay. Ban Quản lý đang làm việc với nhà tài trợ, đơn vị tư vấn thiết kế để đưa ra kết quả cuối cùng.

Về việc Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ các quan chức ngành đường sắt Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói, phía Nhật Bản đã xử lý. Còn phía Việt Nam, cơ quan công an đang tiến hành xử lý và chưa kết thúc nên phải chờ kết quả.

“Sau khi xảy ra vụ việc JTC hối lộ một số quan chức đường sắt khi thực hiện dự án đường sắt đô thị tuyến số 1, đại diện JICA Việt Nam đã cho rằng hợp đồng tư vấn giữa JTC với Ban Quản lý dự án đường sắt đã không tuân thủ quy định đấu thầu. Theo điều kiện chung của vốn vay ODA Nhật Bản, JICA đề nghị phía Việt Nam hoàn trả toàn bộ số tiền đã giải ngân cho hợp đồng tư vấn kể trên.

Mô hình tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi chạy qua sông Hồng.

Trước đó, tại cuộc họp báo của JICA diễn ra chiều 1/4, ông Yamamoto Kenichi - Phó đại diện Văn phòng JICA cho biết, đây là lần thứ hai kể từ năm 2008 phát hiện tình trạng hối lộ trong các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam. Trước đó là dự án Đại lộ Đông - Tây  và Môi trường nước TP. Hồ Chí Minh. Nhật Bản sẽ yêu cầu phía Việt Nam hoàn trả lại số tiền bằng với số tiền nhận hối lộ.

Nhật Bản mong đây là vụ cuối cùng, bởi nếu xảy ra lần thứ ba, người dân Nhật Bản chắc chắn sẽ lên tiếng và yêu cầu dừng cấp ODA cho Việt Nam.

Trước băn khoăn về việc Nhật Bản có tiếp tục cấp ODA cho dự án Yên Viên - Ngọc Hồi nữa hay không, ông Yamamoto Kenichi cho rằng, người đưa hối lộ có lỗi chứ dự án không có lỗi. Khi Việt Nam hoàn trả khoản tiền bằng số tiền hối lộ lại cho Nhật Bản, các chi phí thực hiện dự án sẽ tiếp tục được Nhật Bản cung cấp.

Để kiểm soát dự án này, JICA sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam thành lập cơ chế giám sát. Cơ chế mới này sẽ áp dụng bên thứ ba độc lập và đưa ra các đánh giá vào bất cứ thời điểm nào trong quá trình triển khai dự án. Các dự án tại Việt Nam thường bị chậm trễ, nếu có bên thứ ba độc lập này thì sẽ giảm thiểu được.

Đại diện JICA chia sẻ, sẽ tiếp tục duy trì khoản hỗ trợ như các năm trước và mong muốn các khoản vay sớm được triển khai. Tuy nhiên, một số thủ tục hành chính mới của Việt Nam mất rất nhiều thời gian dẫn đến việc kí kết hỗ trợ các dự án chậm trễ.

Trước đó, đầu năm 2014, báo chí Nhật Bản đưa tin JTC hối lộ 80 triệu Yen (782.640 USD) cho các cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tại dự án đường sắt đô thị số 1 Hà Nội. Cơ quan tư pháp của Nhật Bản và Việt Nam đều tiến hành điều tra sự việc.

Bộ Công an đã khởi tố điều tra, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra, trong đó có ông Trần Quốc Đông, nguyên Phó Tổng Giám đốc bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

T.Minh (tổng hợp)