Hình vạc trên trống đồng Ngọc Lũ

11:38 | 20/12/2018

2,970 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bạn đọc: Có tác giả nhận định trên mặt trống đồng Ngọc Lũ có hình khắc của loài chim vạc. Theo ông, điều này có đúng không? Xin cám ơn ông. (Nguyễn Bảo Lâm, Ba Vì, Hà Nội)

Học giả An Chi: Trong bài “Lạc Long Quân nghĩa là gì?”, đăng trên nguyệt san Đương Thời, số Xuân Nhâm Thìn (2012), chúng tôi đã có đặt vấn đề và chứng minh về hình chim hạc trên trống đồng Ngọc Lũ. Còn về hình chim vạc thì Lê Văn Hảo đã nhận định như sau trong "Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước":

“Trong giới động vật phong phú của thời đại dựng nước nổi bật lên các loài chim mà hình ảnh đã trở nên rất phổ biến trên các trống đồng, thạp đồng, những văn vật tiêu biểu cho văn minh thời đại (…) Những con số trên đây (mà Lê Văn Hảo đã thống kê – AC) nói lên sự quen thuộc của các loài chim đối với thế giới quan của người Việt cổ. Hình ảnh của chim trong thiên nhiên đã được nhào nặn qua tư duy mỹ thuật và trí tưởng tượng của người xưa và được thể hiện với những nét cách điệu cao. Từ những hình nét cách điệu đó chúng ta vẫn có thể tìm lại được bóng dáng hiện thực của các loài chim”.
“Dạng phổ biến nhất là những con chim bay có mỏ dài, nhọn, chân dài, cổ thanh và nhỏ, đầu có mào, lông xuôi về phía sau. Đây là những con chim thuộc loài cò, vạc, diệc...”.

Loài vạc đã được Lê Văn Hảo kể đến. Nhưng trong lời nhận định trên đây của tác giả, có ba chi tiết có thể làm cho ta phân vân. Đó là: – chân dài, cổ thanh và nhỏ, đầu có mào. Đây là ba chi tiết trái ngược với sự mô tả về loài vạc. Vì vậy nên, để cho cùng kỳ lý, chúng tôi xin bàn kỹ thêm về ba điểm này.

Vạc là tên chung của một số loài chim thuộc giống (chi) Vạc (Nycticorax), họ diệc (Ardeidae), bộ Cò (Ciconiiformes – cũng gọi là bộ Hạc). Loài được biết đến nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay là vạc xám, còn gọi là vạc đá, tên khoa học là Nycticorax nycticorax (trở xuống, xin gọi là vạc).

Vạc dưới 3 năm tuổi có bộ lông màu nâu điểm những đốm trắng. Vạc được mô tả là có cổ to, ngắn và chân cũng… ngắn. Rõ ràng là điều này trái ngược với nhận xét của Lê Văn Hảo. Nhưng xin thưa ngay rằng, đây chỉ là mô tả bằng cách so sánh với các loài khác thuộc họ diệc, chứ nếu so với cổ chim cú, chẳng hạn, thì cổ vạc đâu có ngắn. Cổ vạc chỉ “ngắn” khi nó thu mình để rình mồi, chứ khi nó rướn cổ để đớp mồi hoặc để nghe ngóng thì… Cứ cái cổ đó mà đem đọ với những cái cổ của một số hình chim trên đồ đồng thì… ngang ngửa. Chân vạc cũng thế: dù có ngắn thế nào thì, trong tư thế bay, chân nó cũng ló ra khỏi lông đuôi một cách rõ ràng. Còn mào thì sao? Dĩ nhiên là Vạc không có mào. Nhưng có phải trên đồ đồng, hình chim nào cũng có mào đâu? Huống chi, đến mùa sinh sản thì, trên đầu vạc, phía gần cổ, mọc ra mấy cái lông, thường là hai (có con có tới bốn cái), dài đến tận lưng, gọi là lông mùa giao phối. Vậy có thể trong những cái mà Lê Văn Hảo – và một số tác giả khác – cho là mào lại chẳng phải là những cái lông mùa giao phối của loài vạc, được thể hiện theo tín ngưỡng phồn thực?

Dù thế nào mặc lòng, một số tác giả vẫn thừa nhận sự có mặt của vạc trên trống đồng Ngọc Lũ. Wikipedia (dẫn ngày 15/2/2012), chẳng hạn, đã viết:

“Vành 10 gồm 36 con chim, 18 con chim đậu và 18 con chim đang bay. Chim bay là loại chim mỏ dài, có mào, đuôi và chân dài, mình gầy thuộc loại cò, sếu hoặc vạc; chim đậu có nhiều loại. Con thì mỏ ngắn vênh lên, con thì mỏ dài chúc xuống, phần đông là chim ngậm mồi. Các con chim đậu đều có đuôi ngắn”.

Ngay cả trong hình ảnh những con chim đậu này (ảnh 1), ta cũng có thể thấy bóng dáng của loài vạc (ảnh 2). Con chim trong Ảnh 1 thu mình lại thì con vạc trong ảnh 2 cũng thế; con chim trong ảnh 1 quặp mỏ vào cổ thì con vạc trong ảnh 2 cũng thế; con chim trong ảnh 1 không có đuôi thì con vạc trong ảnh 2 cũng hầu như không có đuôi.

Có vẻ như các nghệ nhân người Việt cổ đã có con mắt quan sát rất tinh tế và có những kiến thức chính xác về các loài chim mà có nhiều phần chắc chắn là vào thời đó thì gần gũi với con người hơn là thời nay nhiều. Điều này cũng không có gì lạ vì chắc chắn lúc bấy giờ con người chưa phải là kẻ phá hoại môi trường khủng khiếp và vô tội vạ như ngày nay. Huống chi, địa bàn lập quốc của tổ tiên ta vốn là một vùng sông nước bao la, thuân tiện cho sinh hoạt của nhiều loài thủy điểu. Theo truyền thuyết “Hùng Hải trị nước” thì: “Miền Động Đình, các châu, trang, động, sách thường vẫn bị loài thủy quái dâng nước làm cho mất người, mất của. Vua Hùng sai em là Hùng Hải về Động Đình chủ giữ các sông”. (Nguyễn Khắc Xương, Truyền thuyết Hùng Vương, in lần II, có sửa chữa, Chi hội Văn nghệ dân gian Vĩnh Phú, 1972, tr.36). Dĩ nhiên đây không phải Động Đình của Tàu, mà là Động Đình của người Lạc Việt, như Nguyễn Khắc Xương đã chú thích rõ: “Động Đình ở đây chỉ địa phận Hưng Hóa ngày nay, từ ghềnh Ngọc Tháp về tới bến Trung Hà thuộc sông Thao. Vùng này hàng năm vào mùa nước thường bị ngập lụt, lại có nhiều đầm hồ” (tr.36). Hiện nay, ta còn có Đầm Vạc (thuộc địa phận thành phố Vĩnh Yên), phần phình to của ngòi Vĩnh Yên, nơi có rất nhiều loài chim, vạc, bồ nông, cò, vịt trời... tìm về kiếm thức ăn và trú ngụ.

Vậy sẽ chẳng có gì lạ nếu có hình của loài chim vạc trong hoa văn trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.

A.C