Hà Nội đảm bảo tiến độ GPMB cho Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

10:40 | 15/08/2023

157 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh dài 112 km, tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng, dự kiến khai thác năm 2027. Dự án đã được 3 địa phương đồng loạt khởi công vào ngày 25/6/2023. Tại Hà Nội, các cấp, các ngành vẫn đang khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao để đảm bảo công trình được thi công, hoàn thành đúng tiến độ.

Công tác GPMB trên địa bàn Nội đảm bảo yêu cầu tiến độ

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn trên địa bàn thành phố Hà Nội dài khoảng 59,2km, đi qua 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín). Tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án là 793,8ha. Đến nay, công tác GPMB vẫn đang được các đơn vị tích cực triển khai.

Hà Nội đảm bảo tiến độ GPMB cho Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Phối cảnh Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Theo ông Đỗ Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Song Phương, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội qua địa bàn xã có tổng chiều dài 1,92km, tổng diện tích đất phải giải phóng mặt bằng 52,23ha, trong đó có: 34,7ha đất nông nghiệp của 1.057 hộ gia đình, cá nhân; khoảng 7,2ha đất công, đường giao thông, đường mương nội đồng do UBND xã quản lý; 0,7ha đất thuộc dự án cây xăng và gara ô tô Đồng Tâm; 29 mộ chí cần phải di chuyển và 9,6ha đường Đại lộ Thăng Long. Thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định, đồng thời vận động nhân dân trên địa bàn, đến nay, xã Song Phương đã giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp, đất công hơn 49,72ha, đạt 95,26%.

Riêng khu vực phục vụ khởi công dự án Vành đi 4, nằm trên địa bàn xã Song Phương, huyện Hoài Đức, có tổng diện tích đất 2,25ha, trong đó, có 1,74ha đất nông nghiệp của 71 hộ gia đình, cá nhân; 0,51ha đất công do UBND xã Song Phương quản lý. Tại vị trí khởi công, người dân đã thu gom hoa màu, tài sản trên đất để ban giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh cho biết: Trên địa bàn huyện Hoài Đức có 239,62ha nằm trong dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, cần phải giải phóng mặt bằng để phục triển khai thực hiện dự án, liên quan đến 12 xã với 5.780 hộ dân, trong đó, có 91 hộ dân có đất ở, đất giao thông, thủy lợi do UBND các xã quản lý… Đến nay, Hoài Đức đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng để Dự án được triển khai thuận lợi. Về cơ bản, nhân dân rất đồng thuận và ủng hộ dự án. Công tác GPMB cơ bản đáp ứng tiến độ.

Chia sẻ về việc thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho biết: Đường Vành đai 4 được đánh giá là tuyến đường huyết mạch, tuyến đường phát triển kinh tế của cả nước, cũng như của TP Hà Nội và huyện Sóc Sơn. Dự án góp phần kết nối các tuyến đường ở phía Bắc của Thủ đô Hà Nội với các huyện của Hà Nội cũng như các tỉnh ở Hưng Yên và Bắc Ninh. Chính vì vậy, việc triển khai xây dựng đường Vành đai 4 rất được người dân huyện Sóc Sơn mong chờ.

“Trong quá trình thi công dự án, huyện Sóc Sơn sẽ chỉ đạo các đơn vị tuyên truyền, tạo đồng thuận của nhân dân để đẩy nhanh tiến độ GPMB, hỗ trợ tối đa cho liên danh các nhà thầu; chủ động trao đổi thông tin, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để dự án được triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng...", Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn nhấn mạnh.

Nhờ các cấp, các ngành trên địa bàn TP Hà Nội làm tốt công tác tuyên truyền nên công tác GPMB được triển khai có nhiều thuận lợi. Bà Phạm Thị Thúy (thôn Chợ Nga, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) cho biết: “Không chỉ tôi mà nhiều người dân Sóc Sơn đều mong muốn trong thời gian tới, đường Vành đai 4 được xây dựng, đi vào hoạt động, góp phần giúp việc đi lại dễ dàng, thúc đẩy phát triển kinh tế huyện nhà, để đời sống người dân chúng tôi ngày càng được cải thiện”.

Ông Nguyễn Văn Giới (xã Kim Hoa, huyện Mê Linh) chia sẻ, gia đình ông thuộc diện bị thu hồi 860m2 đất nông nghiệp trồng hoa đào, để phục vụ cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Mặc dù thuộc diện bị thu hồi đất để phục vụ cho dự án nhưng ông cảm thấy rất phấn khởi và ủng hộ, bởi vậy ngay khi có chủ trương ông nghiêm túc chấp hành ngay. Ông Giới đánh giá, việc thực hiện đền bù, chi trả cho người dân trong thời gian vừa qua rất thỏa đáng. "Riêng với người dân chúng tôi có nghề trồng hoa đào, với việc hình thành con đường cao tốc mới sẽ góp phần thuận tiện vận chuyển, buôn bán đào đi khắp nơi, vậy thì chính người dân chúng tôi là người được hưởng lợi đầu tiên”, ông Giới vui vẻ cho biết.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (Ban QLDA) Nguyễn Chí Cường cho biết, thực hiện công tác GPMB để triển khai dự án đường Vành đai 4, tính đến ngày 28/7, các quận, huyện đã giải phóng xong 686,54/793,8ha (đạt 86,49% diện tích đất thu hồi). Ngoài ra, để thực hiện dự án, cần di chuyển 10.034 ngôi mộ. Tính đến ngày 28/7, đã di chuyển 6.258 ngôi mộ, đạt tỷ lệ 62,37%. Đối với công tác di chuyển điện cao thế từ 110KV-500KV trong phạm vi dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã trình Sở Công Thương thẩm định. Hiện tại, Ban Quản lý dự án đang phối hợp với UBND các quận, huyện giao nhận mặt bằng đối với phần diện tích đã hoàn thành công tác GPMB để tổ chức triển khai thi công.

Tập trung giải quyết vướng mắc để Dự án triển khai đúng tiến độ

Theo Giám đốc Ban QLDA Nguyễn Chí Cường, mặc dù việc triển khai Dự án đường Vành đai 4 đang đáp ứng tiến độ. Tuy nhiên, khối lượng công việc cần thực hiện còn rất lớn. Do vậy, các quận, huyện cần đôn đốc các hộ gia đình, cá nhân di chuyển toàn bộ cây cối, hoa màu chưa được di dời trong phạm vi mặt bằng đã bàn giao cho Ban QLDA để giao cho các nhà thầu triển khai thi công. Đồng thời, đẩy nhanh công tác khảo sát, lập thẩm định phê duyệt phương án di chuyển mộ đảm bảo kịp thời chi trả tiền và di chuyển mộ của các hộ dân trong mùa khô sắp tới, đảm bảo hoàn thành di chuyển mộ của dự án trong năm 2023.

Hiện tại, công tác di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật của các địa phương thực hiện còn rất chậm, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác triển khai thi công Dự án thành phần. Do đó các quận, huyện phải tập trung đẩy nhanh công tác di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật. Trước mắt tập trung thực hiện công tác di chuyển các công trình ngầm nổi ảnh hưởng trực tiếp tới việc thi công các hạng mục công trình trước ngày 30/9/2023 và hoàn thành công tác di chuyển trong năm 2023 để đảm bảo tiến độ chung của Dự án. Bên cạnh đó, các đơn vị phải có phương án xây dựng hàng rào bảo vệ, chống tái lấn chiếm mặt bằng…

Chỉ đạo các đơn vị thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định đây là dự án trọng điểm quốc gia. Quốc hội, Chính phủ, Bộ Chính trị tin tưởng giao Hà Nội là cơ quan đại diện phối hợp với 2 tỉnh triển khai dự án này, do đó, các đơn vị phải tập trung thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình.

Công tác GPMB mặt bằng luôn là việc khó khăn, đặc biệt với Hà Nội. Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, diện tích giải phóng mặt bằng không lớn nhưng liên quan nhiều hộ dân, một số vị trí giải phóng mặt bằng còn khó khăn... nên phải tập trung vận động, giải thích để người dân thấy được những lợi ích khi Dự án đường Vành đai 4 được đưa vào sử dụng, từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị, thời gian tới, các quận, huyện cần tiếp tục quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, nhất là việc di chuyển mộ; tập trung triển khai 14 dự án tái định cư cho người dân, bảo đảm các yếu tố sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị cần quan tâm công tác rà soát, kiểm đếm, khung giá đất, bảo đảm triển khai các dự án tái định cư, có phương án tạm cư nếu các dự án chưa bảo đảm tiến độ, hạ tầng khu tái định cư chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng điều kiện sống của người dân; có kế hoạch chống tái lấn chiếm đối với phần diện tích đã giải phóng mặt bằng.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố quan tâm, chỉ đạo sát sao để có hướng giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của các địa phương để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Quang Phú