"Góc nhỏ" trong an ninh năng lượng

09:55 | 08/01/2018

608 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã từ nhiều năm nay, chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia luôn luôn được đặt ra như một điểm nhấn của quốc kế dân sinh. Nhiều bản quy hoạch về năng lượng đã được soạn thảo và sửa đổi để theo kịp với nhu cầu của cuộc sống và sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật trên thế giới.

Cho dù mệnh danh là “rừng vàng biển bạc”, nhưng các nhà khoa học đã khẳng định rằng, Việt Nam tuy có nguồn năng lượng đa dạng nhưng gần như không có cơ hội để có tên trên bản đồ về bất cứ lĩnh vực năng lượng nào của thế giới. Đặc biệt lưu ý rằng, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ là 1 trong 10 nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất của thế giới. Chẳng hạn, dự báo năm 2018, Việt Nam phải nhập khẩu trên 20 triệu tấn than; năm 2025, nhập khẩu trên 10 tỉ kWh điện; năm 2030, nhập khẩu 28 tỉ m3 khí...

goc nho trong an ninh nang luong

Như vậy, có nghĩa là để bảo đảm nguồn năng lượng cho “sự sống của một cơ thể khổng lồ” khoảng trên dưới 100 triệu dân như Việt Nam, nhập khẩu năng lượng gần như là một tất yếu.

Vậy làm thế nào để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia?

Đây là một vấn đề quá lớn không thể chứa hết trong một bài báo và hy vọng sẽ là chủ đề hấp dẫn để Báo Năng lượng Mới cùng các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và đông đảo bạn đọc đề cập thường xuyên trong năm 2018.

Trong bài viết nhỏ này, chỉ xin đề cập một “góc nhỏ nhưng nóng bỏng” trên công luận, đó là phát triển nhiệt điện than trong công nghiệp năng lượng Việt Nam.

Thời gian gần đây, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã tổ chức một diễn đàn chia sẻ vấn đề này và một bất ngờ đã xảy ra, đó là nhiều chuyên gia đầu ngành đã theo thiên hướng về việc phải phát triển nhiệt điện chạy bằng... than!

Một câu hỏi được đặt ra, liệu việc phát triển nhiệt điện than có đi ngược lại xu thế toàn cầu trong nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu? Bởi lẽ, nhiệt điện than vốn là loại năng lượng “cổ lỗ” nhất của loài người, lượng khí thải CO2 và chất thải rắn luôn luôn là nỗi ám ảnh của nền văn minh nhân loại.

Câu hỏi ấy không hề dễ dàng trả lời.

Sau khi đọc kỹ các bài tham luận xung quanh vấn đề nan giải này, tôi mới nhận ra rằng, với điều kiện và hoàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, trong vài ba chục năm tới, phát triển nhiệt điện than dường như vẫn là phương án khả thi nhất, mặc dù trong lòng vẫn cảm thấy có những bất ổn.

Lẽ thứ nhất, do yêu cầu của phát triển nền kinh tế, nhu cầu năng lượng điện của Việt Nam trong hàng chục năm qua tăng rất cao, thường xuyên ở mức hai con số. Trong khi đó, năng lượng hạt nhân đã tạm dừng; tài nguyên năng lượng từ thủy điện đã khai thác gần hết; năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời... dù có chính sách ưu đãi và phát triển với tốc độ “siêu thanh” thì vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Vậy ngành công nghiệp năng lượng này phải bù đắp bằng nguồn nào nếu không phải là nhiệt điện than?

Lẽ thứ hai, mức tiêu dùng năng lượng của nền kinh tế Việt Nam còn quá thấp. Cụ thể, về năng lượng sơ cấp chỉ bằng 43% của thế giới và 80% của ASEAN, về điện chỉ bằng 50,26% của thế giới và 116% của ASEAN. Hiệu quả sử dụng năng lượng của nền kinh tế Việt Nam cũng rất thấp (mức tiêu hao năng lượng sơ cấp để làm ra 1$ GDP cao gấp 3,7 lần so với thế giới và 1,92 lần so với ASEAN). Mức phát thải khí CO2 tính theo đầu người của Việt Nam chỉ bằng 41,6% so với mức bình quân của thế giới và 90% so với ASEAN. Các con số cho thấy, nhu cầu phát triển ngành năng lượng của Việt Nam còn rất cao; dư địa về phát thải khí CO2 của Việt Nam còn lớn.

Lẽ thứ ba, trên thế giới, than là nguồn năng lượng có trữ lượng lớn trên trái đất, giá rẻ so với nguồn năng lượng khoáng thạch khác. Đây cũng là một yếu tố khó bỏ qua đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam.

Lẽ thứ tư, để hạn chế những nhược điểm của nhiệt điện than, trên thế giới đã dùng chất xúc tác CC-88 cho các nhà máy nhiệt điện, xi măng từ nhiều năm nay. Chất CC-88 có thể tiết kiệm lượng tiêu hao than, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng chất lượng tro thải, làm giảm chi phí vận hành, giảm quá trình ăn mòn và bào mòn các thiết bị của lò đốt...

Nêu những lẽ trên để thấy rằng, trong vài chục năm trước mắt, nếu có phát triển nhiệt điện than cũng chỉ là biện pháp tình thế trong chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Và với nhu cầu phát triển công nghiệp năng lượng của Việt Nam hiện nay, có thể nhận xét rằng, đây là phương án “ít xấu nhất”.

TS Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam, nhận xét:

“Việc phát triển nhiệt điện than không phải là ý muốn chủ quan của ngành năng lượng mà dựa vào các nghiên cứu tính toán kết hợp hài hòa giữa ba tiêu chí: năng lượng, kinh tế, môi trường. Nguyên tắc này đã được thể hiện trong Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh) - không chạy theo kinh tế (nhiệt điện than) mà hy sinh môi trường (năng lượng tái tạo) và ngược lại.

Đó chính là "triết lý phát triển bền vững" - phát triển năng lượng phải dựa trên năng lực kinh tế của đất nước, kết hợp bảo đảm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái với mức có thể”.

Nguyễn Long Vân