Giấu doanh thu, trốn thuế tại trạm BOT TPHCM-Trung Lương, 5 người bị khởi tố

16:14 | 01/01/2019

292 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giám đốc chi nhánh Long An thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và 4 người khác bị bắt vì có hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách của Nhà nước tại các trạm thu phí trên cao tốc TPHCM-Trung Lương.
Giấu doanh thu, trốn thuế tại trạm BOT TPHCM-Trung Lương, 5 người bị khởi tố
Trạm thu phí trên cao tốc TPHCM-Trung Lương.

Thông tin từ Bộ Công an ngày 1/1/2019 cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã xác lập chuyên án đấu tranh với hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh chi nhánh Long An nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế xảy ra tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TPHCM- Trung Lương.

Căn cứ kết quả đấu tranh và tài liệu thu thập được, C03 đã chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tiến hành bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp và khám xét khẩn cấp đối Ngô Bá Thắng - Giám đốc chi nhánh Long An thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và 4 người khác, gồm: Trần Văn Miền - Phó Giám đốc chi nhánh Long An kiêm Trạm trưởng Trạm thu phí Chợ Đệm (Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh); Tô Phước Hùng - Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh; Nguyễn Thị Kim Huệ - Kế toán Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh; Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Xuân Phi.

Quá trình khám xét, đã thu giữ một số tài liệu, chứng cứ điện tử xác định các đối tượng nêu trên có hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách của Nhà nước.

Hiện nay, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đang tiến hành điều tra mở rộng để xử lý các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật và thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Cao tốc TPHCM- Trung Lương dài 62 km gồm 6 làn xe, được thiết kế với vận tốc 120 km/giờ, kinh phí xây dựng hơn 9.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc đầu tiên dành cho ô tô được thông xe ngày 3/2/2010 giúp rút ngắn thời gian từ TPHCM- Tiền Giang chỉ còn 30 phút, thay vì 90 phút như trước đây.

Năm 2015, Bộ Giao thông vận tải giao cho Tổng Công ty Cửu Long ký hợp đồng bán quyền thu phí sử dụng cao tốc TP HCM - Trung Lương cho Công ty Yên Khánh với giá trị trên 2.000 tỷ đồng, thời hạn 5 năm. Kể từ 0h ngày 1/1/2019, cao tốc đầu tiên tại miền Nam hết hạn hợp đồng bán quyền thu phí. Công tác quản lý cao tốc sẽ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) thực hiện.

Theo Dân trí

Hà Tĩnh: Khởi tố 6 đối tượng giết voọc man rợ rồi khoe trên mạng xã hội
Khởi tố bị can giai đoạn II vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á
Không khởi tố lái xe Range Rover đâm nữ sinh rồi bỏ chạy?
Khởi tố nữ phóng viên cưỡng đoạt 70.000 USD của doanh nghiệp nước ngoài