Giáo dục con ở nước ngoài: Chuyện không đơn giản!

09:37 | 25/03/2019

397 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với những người Việt định cư tại nước ngoài, thì ngôn ngữ nước sở tại là một kho tàng vô giá, nhưng lại không dễ gì sở hữu. Người Việt chúng ta lại trọng việc giáo dục con, trọng sự học hành thành đạt của con, nên nhất định muốn tự mình giáo dục con, dạy dỗ con mọi nơi mọi lúc.  

Nhưng con của người Việt - thế hệ F2 như chúng ta thường gọi, lại chỉ thạo ngôn ngữ sở tại - thứ mà cha mẹ chúng ao ước nhưng khó nắm bắt, nên việc giáo dục con không hề đơn giản.

Những đứa trẻ Việt kiều - thuộc thế hệ F2, sinh ra ở nước ngoài, thông thạo ngôn ngữ sở tại, nhưng tiếng Việt lại rất yếu. Thường xảy ra hai trường hợp, một là bố mẹ các em mải buôn bán, làm ăn, gửi con cho người già nước ngoài đã về hưu trông nom và dạy dỗ, nên các em chỉ nói được tiếng nước sở tại, mà không hiểu tiếng Việt; hai là bố mẹ tự dạy con tiếng Việt, nhưng không đủ thời gian, không đủ kiên nhẫn nên tiếng Việt của con rất kém, con chỉ hiểu bập bõm khi bố mẹ truyền thông tin bằng tiếng Việt.

giao duc con o nuoc ngoai chuyen khong don gian
Chị Thanh Hằng trao đổi với giáo viên người Czech về tình hình học tập của con tại nhà trường

Chị Thủy Trần, định cư 30 năm tại Đức, sinh hai con trai, Philip và Long, đang ở tuổi từ 16-20. Các con chị Thủy có thể hiểu khi bố mẹ nói, nhưng không hiểu hoàn toàn. Khi nói lại với bố mẹ, các con chị thường dùng tiếng Đức, thì chị lại cũng không thể hiểu thấu đáo. Chị yêu cầu con nói với mẹ bằng tiếng Việt khi ở nhà, nhưng con nói một nửa tiếng Việt, một nửa tiếng Đức rất lộn xộn. Có lúc chị sửa lại câu cú tiếng Việt cho con, lúc chị mệt quá thì lại dùng tiếng Đức, nên sự bất đồng ngôn ngữ trong chính gia đình chị Thủy diễn ra từ lâu, mà vợ chồng chị chưa thể giải quyết dứt điểm.

Có một lần, cháu Long xin phép mẹ đến nhà bạn học chơi vào buổi tối, chị đồng ý cho con đi, nhưng đến hơn 10 giờ đêm, cháu Long gọi điện về nhà nói với mẹ, rằng cháu muốn ngủ lại nhà bạn. Chị Thủy không đồng ý, hai mẹ con tranh luận với nhau một hồi qua điện thoại bằng tiếng Việt, khi tiếng Việt của con không đủ để diễn đạt, con xoay sang nói tiếng Đức. Chị Thủy muốn con hiểu rằng, phép tắc gia đình không cho phép con đi ngủ qua đêm ở nhà bạn như thế, hơn nữa, có những trường hợp bất ngờ, khó lường trước sẽ xảy ra, thậm chí dính đến luật pháp Đức, sẽ rất khó khăn cho bố mẹ... Nhưng chị cũng không đủ vốn tiếng Đức để giải thích cho con. Cuối cùng chị đành chào thua, để con ngủ lại nhà bạn, nhưng lòng chị phấp phỏng không yên.

Chị Thanh Hằng, mẹ của cháu Misa, đang học tiểu học tại cộng hòa Czech. Chị Hằng thấy điểm môn tiếng Czech của con thấp, rất muốn dạy cho con, nhưng vốn tiếng Czech của chị không đủ. Có lần, chị nỗ lực nói với con bằng tiếng Czech, thì con gái chị bảo, mẹ nói sai ngữ pháp rồi, người Czech không nói như mẹ. Chị Hằng giật mình, cảm thấy bất lực. Con chị gặp khó khăn trong bài học ngôn ngữ, mà chị không thể giúp được con. Cho dù bây giờ chị đi học tiếng Czech ở bậc cao hơn, thì chắc gì trình độ của chị đã theo kịp con? Cho con đi học bổ túc môn ngôn ngữ Czech, thì vừa tốn tiền, mà chị khó thu xếp được thời gian để đưa con đi học.

Chị Bích Hương, lấy chồng Bỉ, và định cư tại Bỉ, cũng có nỗi băn khoăn không nhỏ. Chị là mẹ của ba cháu nhỏ, trong đó một cháu học cấp trung học phổ thông, một cháu cấp tiểu học, một cháu đang học mẫu giáo. Trước kia, khi mẹ chồng chị còn sống, bà vốn là một bà giáo Bỉ về hưu, đã giúp chị việc dạy các con ôn bài, làm bài ở nhà nên chị rất yên tâm. Thậm chí, những thông báo của nhà trường gửi về nhà bằng tiếng Hà Lan, chị đọc không hiểu hết cũng hỏi mẹ chồng. Nay mẹ chồng chị mới mất, ngoài nỗi đau mất người thân, chị còn hoang mang vì biết là ngôn ngữ và sự hiểu biết còn hạn chế của mình về văn hóa - lịch sử - lối sống nước Bỉ không đủ để dạy các con, hướng dẫn các con học tập tại nhà. Chồng chị lại quá bận và bản tính anh không đủ kiên nhẫn để dạy trẻ con nên chị rất lo lắng. Chị tự nhủ mình phải học thật giỏi tiếng Hà Lan, để mong có thể giao tiếp toàn diện với con bằng ngôn ngữ đất nước con, để giáo dục con theo ý mình, nhưng mọi thứ dường như bất khả.

Các con của chị là con lai, có thể hiểu tiếng Việt khi mẹ nói, nhưng lại không thể nói bằng tiếng Việt. Trong gia đình chị, diễn ra việc giao tiếp giữa mẹ và con khá lạ: Mẹ nói tiếng Việt, con luôn trả lời bằng tiếng Hà Lan. Cho đến một ngày, hiệu trưởng tại trường con gái lớn của chị là cháu Kathy gọi điện cho chồng chị, thông báo rằng kết quả năm học của Kathy rất kém, hầu hết các môn chỉ đạt 2,3/10 điểm. Thầy muốn bố mẹ tìm hiểu xem Kathy có còn thực sự muốn học tại trường này không, vấn đề của cháu gặp phải là gì để nhà trường còn điều chỉnh. Chị Hương rất sốc và đã có một buổi nói chuyện nặng nề với chồng, con. Nhưng khác với sự lo lắng của chị, chồng chị chỉ nói rằng, đây là một thời kỳ khó khăn của con vì bà nội mới mất, con đang quen được bà chỉ bảo mọi điều, nay con phải tự tạo lập được thói quen mới, không dựa dẫm vào bà nữa. Còn chị là mẹ, đã làm tốt vai trò của mình, nhưng cũng không nên kỳ vọng là mình sẽ làm mọi thứ hoàn hảo, và cứ gắng sức ôm đồm quá nhiều việc, chị sẽ kiệt sức thôi và mọi việc vẫn cứ không như mong đợi.

Tuy chồng vỗ về như vậy, nhưng chị Hương cũng không vơi nhẹ lòng chút nào. Rồi con gái chị sẽ có thể tiếp tục học cho hết bậc trung học phổ thông hay không? Con vẫn chưa thể trả lời cho mẹ rằng con thích làm nghề gì trong tương lai, trong trường hợp con không thể tiếp tục đi học, con cần xác định một nghề con muốn để đi học nghề... Nhưng như vậy, chị vẫn tiếc nuối khôn nguôi, chị chỉ có ước mong duy nhất, là con chị đang sống tại Bỉ, một đất nước văn minh bậc nhất, đất nước có điều kiện tốt bậc nhất cho giáo dục, mà con gái lại không biết tận hưởng. Chị đã cố gắng biết bao nhiêu để vượt qua mọi rào cản, lấy chồng người Bỉ, sinh con và sống một cuộc sống khác tại đây, cho thế hệ con mình được tận hưởng nền giáo dục tiên tiến tại đây, nhưng con chị lại không muốn và đang không theo đuổi đến cùng nền giáo dục đó, khiến chị rất thất vọng.

Cuộc sống vốn không như chúng ta nghĩ. Và việc giáo dục con ở nước ngoài, dù đó có là nền giáo dục ưu việt tới đâu, cũng vẫn cứ là một thách thức lớn đối với các gia đình Việt kiều.

Việt Châu