Gian nan đường cấp điện ở Sơn La

06:50 | 18/10/2015

525 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Những năm qua, mặc dù ngành điện nói chung và Công ty Điện lực Sơn La (PC Sơn La) đã có nhiều nỗ lực đưa điện đến với đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La, nhưng hiện vẫn còn 36.965 hộ dân chưa có điện. Không có điện, cuộc sống của người dân khó khăn, thiếu thốn. Kéo điện lưới quốc gia đến với bà con vì thế đang là mục tiêu mà những người làm điện ở Sơn La hướng tới. Tuy nhiên, phải thấy rằng, để làm được việc này là không hề đơn giản, đặc biệt khi những hộ chưa có điện phần lớn nằm ở khu vực xa xôi, cách trở!  

Chuyện ghi ở huyện Sông Mã

Sông Mã là huyện vùng sâu, vùng cao biên giới của tỉnh Sơn La. Địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc cao lại bị chia cắt mạnh. Đồng bào sinh sống trên địa bàn huyện chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, tập quán canh tác lạc hậu, du canh du cư nên nghèo khó vô cùng. Thậm chí, có những thôn, bản, cụm dân cư nằm mãi nơi rừng sâu, cheo leo trên đỉnh núi, đường xá đi lại vô cùng khó khăn.

gian nan duong cap dien o son la
Công nhân điện lực Sơn La hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn

Tôi vẫn nhớ như in cái lần đi vào xã Mường Cai, nằm ở phía tây huyện Sông Mã, giáp với nước bạn Lào. Hôm tôi vào, Mường Cai vừa trải qua một trận mưa lớn. Cơn mưa làm con đường đất đỏ trở lên đặc quánh, lầy lội, trơn trượt vô cùng. Và dù đã phải cậy nhờ đến anh xe ôm người bản địa dẫn đường nhưng cũng phải mất đến gần 3 giờ đồng hồ chúng tôi mới vượt qua được quãng đường gần 30km từ trung tâm huyện Sông Mã đến trụ sở UBND xã Mường Cai.

Vào Mường Cai khó khăn, thách thức là vậy nhưng theo anh Nguyễn Tân Cương- Giám đốc Điện lực Sông Mã thì “như thế vẫn còn… sướng chán”. Rồi anh bảo, ở Sông Mã, có những cụm dân cư mà nếu trời chỉ “khẽ” đổ mưa thôi là chịu, không thể đến được và gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Và cũng vì địa hình khắc nghiệt như vậy nên những năm gần đây, mặc dù PC Sơn La đã có nhiều nỗ lực đưa điện đến với bà con nhưng hiệu quả còn khiêm tốn. Có những khu vực, anh em điện lực vừa tiến hành khảo sát, lên kế hoạch thi công xong… thì người dân lại di chuyển sang chỗ khác. Việc cấp điện vì thế không thể thực hiện được.

Và nếu có thực hiện được thì cũng là cả một chặng đường dài đầy thử thách. Đó là những ngày dài ăn cơm núi, ngủ rừng với những trụ cột, cuộn dây. Là những ngày nắng vỡ đầu và cả những ngày mưa dầm dề thối đất thối cát của núi rừng Tây Bắc. Đường kéo điện về với bà con các dân tộc của huyện Sông Mã nói riêng và của tỉnh Sơn La nói chung vì thế vô cùng gian khổ. Ngay như chuyện kéo điện vào Mường Cai - địa bàn được xem là thuộc diện nhẹ nhàng, dễ thở nhất - thì theo anh Cương, anh em điện lực cũng nếm đủ mùi khổ cực. Các vị trí cột chủ yếu bám theo con đường đất đỏ vào trung tâm xã nhưng cũng có lúc nằm chông chênh giữa những con suối, khi thì cheo leo lưng chừng núi.

Cũng chính bởi phải thi công lưới điện trên một địa bàn như vậy nên theo anh Cương, mỗi lúc trời đổ mưa, toàn bộ công trường gần như tê liệt do không chuyển được vật tư vào. Anh em phải dựng lán trại, cứ cơm nắm với muối vừng bám trụ với công trường. Chỗ thuận tiện thì không sao, anh em có thể dùng cáng hay xe chuyển vật liệu vào. Còn chỗ nào nằm ngang núi thì phải gùi từng bao cát, bao sỏi, bao xi măng... Rồi thì chuyện kéo dây cũng vậy, tất tần tật đều phải dùng sức người, không có sự hỗ trợ của bất kỳ máy móc nào cả...

Nói như vậy để thấy rằng, việc cấp điện, kéo điện đến với đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La nó gian nan, khổ cực vô cùng. Và có một điều chắc chắn, nếu không có lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao nhất, người thợ điện khó lòng vượt qua được. Vậy nên, việc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) triển khai “Dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La” đạt 75,2% kế hoạch, tuy khiêm tốn nhưng lại là điều rất đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm lớn của tập thể cán bộ, công nhân viên PC Sơn La.

Tiếp tục “cõng điện lên non”

Như đã đề cập ở trên, PC Sơn La đã có rất nhiều nỗ lực trong việc đưa điện đến với đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La. Nhưng vì phải thi công, xây dựng chủ yếu tại các xã vùng sâu, vùng xa, địa hình đồi núi hiểm trở, điều kiện thời tiết, giao thông còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển vật tư, thiết bị… nên tiến độ triển khai dự án đã không đạt được mục tiêu đề ra.

Thông tin với phóng viên Năng lượng Mới, ông Lê Quang Thái - Giám đốc PC Sơn La cho hay, tính đến hết tháng 8-2015, Sơn La vẫn còn khoảng 36.965 hộ dân, tương đương 13,9% số hộ sinh sống ở 527 bản chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Không có điện, hạ tầng giao thông lại hầu hết là đường đất, cộng với trình độ dân trí thấp nên đời sống của người dân hết sức khó khăn, dễ bị các thế lực thù địch lôi kéo chống phá cách mạng, gây mất ổn định chính trị. Việc cung ứng điện cho những khu vực này vì thế được đặt ra rất cấp thiết, nó không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ổn định đời sống nhân dân, từ bỏ tập quán du canh du cư, vượt biên trái phép... mà còn góp phần quan trong ổn định an ninh biên giới, an ninh quốc phòng.

Cùng đề cập tới vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã Lê Thị Yến: Việc đưa điện với đồng bào các dân tộc huyện Sông Mã không chỉ có ý nghĩa về chính trị mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho đồng bào các thôn, bản chưa có điện trên địa bàn huyện. Trên thực tế, những xã bản được cấp điện ở giai đoạn 1 (từ 2012 đến nay) đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, cuộc sống vật chất tinh thần của người dân được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế của toàn huyện đã thay đổi theo hướng giảm dần tỷ trọng sản xuất nông lâm nghiệp từ 50,4% (năm 2010) xuống còn 44% vào năm 2015; công nghiệp dịch vụ tăng từ 49,6% lên 56%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 36% xuống còn 24%.

Xuất phát từ thực tế trên, ông Thái thông tin, được sự đồng ý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNNPC đã phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai dự án cấp điện cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La giai đoạn 2015 - 2016. Mục tiêu của dự án là cấp điện cho gần 5.400 hộ dân ở 5 xã, 72 bản của huyện Mai Sơn và Sông Mã trước ngày 30-6-2016.

Đây là nhiệm vụ đầy thách thức đối với những người làm điện Sơn La, đặc biệt địa hình 2 huyện Mai Sơn và Sông Mã rất phức tạp, hiểm trở. Nhiều khu vực thậm chí phải dùng “cáp treo” may ra mới lên được khi người dân sống tít trên mỏm núi, vách đã dựng đứng. Công nhân ngành điện muốn đến được có khi phải mất cả ngày đường rừng, men theo các con đường mòn vắt ngang núi. Nhưng dù khó khăn, thách thức đến mấy thì theo Phó giám đốc PC Sơn La Phạm Văn Long, tập thể cán bộ, công nhân viên PC Sơn La sẽ nỗ lực vượt qua để dòng điện tỏa sáng khắp các bản làng tỉnh Sơn La, trở thành động lực, là nền tảng cho sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội địa phương.

"Dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La" đã cấp điện được cho 79 xã, 362 bản với 22.678 hộ dân đạt 75,2% so với kế hoạch

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 466

  • el-2024