Giải pháp nào để thu hút đầu tư phát triển năng lượng đến năm 2030?

14:41 | 14/04/2020

489 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Để giải bài toán khó khăn về nguồn vốn cho các dự án về năng lượng, cần một số giải pháp về chính sách để thu hút đầu tư phát triển năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Cần mô hình huy động tài chính mới cho ngành năng lượng

Tài nguyên nhiên liệu và năng lượng của Việt Nam đa dạng và có một số loại có tính cạnh tranh cao, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và sinh khối. Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong những năm tới, cụ thể là từ nay đến năm 2030, nước ta cần có những kịch bản về tăng trưởng kinh tế và dự báo nhu cầu năng lượng.

giai phap nao de thu hut dau tu phat trien nang luong den nam 2030
Mô hình truyền thống huy động tài chính cho ngành năng lượng trước đây không còn phù hợp

Về lộ trình, buộc phải giảm dần những nguồn nhiêu liệu phát thải khí nhà kính như than, xăng dầu và tăng dự trữ quốc gia đối với các nguồn nhiên liệu cạn kiệt, do vậy sẽ phải có cơ chế chính sách và khuyến khích nhiều hơn đầu tư đổi mới quy trình công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng tính trên giá trị sản phẩm đầu ra.

Mô hình truyền thống huy động tài chính cho ngành năng lượng trước đây không còn phù hợp do bối cảnh kinh tế vĩ mô nhất là tình hình quản lý nợ công khi mà tình hình nợ công của Việt Nam đã tiệm cận mức trần 65% GDP theo luật định.

Hơn nữa do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình (thấp) nên khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi cao từ các định chế tài chính quốc tế và đối tác phát triển sẽ giảm xuống.

Mặc dù Việt Nam đã bước vào giai đoạn phát triển mới, nhưng sẽ vẫn phải tiếp tục tiếp cận các nguồn tài chính từ bên ngoài dù với các điều khoản ít ưu đãi hơn. Các khoản vay không cần yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ tăng lên nhưng là các khoản không có các điều khoản ưu đãi cao như Việt Nam nhận được trước đây mà gần hơn với các điều khoản vay thương mại làm cho chi phí vốn vay tăng lên. Xu hướng tài trợ ưu đãi bổ sung cho giảm thiểu biến đổi khí hậu, qua đó cũng đầu tư vào khu vực năng lượng ở Việt Nam, đây là xu hướng mà các nhà đầu tư trong nước có thể tận dụng để giảm thiểu chi phí vốn.

Việt Nam gần đây đang điều chỉnh môi trường đầu tư theo hướng thuận lợi cho đối tác công - tư (PPP), tuy nhiên vẫn còn có sự khác biệt về quan điểm chia sẻ rủi ro trong PPP và IPP (nhà máy điện độc lập) giữa Việt Nam và các nhà đầu tư, làm chậm hoặc cản trở triển khai nguồn vốn quốc tế. Đặc biệt đối với năng lượng tái tạo là khó khăn trong thỏa thuận về chia sẻ rủi ro đối với một số vấn đề chính trong hợp đồng dự án, bao gồm chuyển đổi lợi nhuận từ nội tệ sang ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài và thanh toán những hàng hóa đầu vào được tính bằng ngoại tệ, yêu cầu bảo lãnh cho các rủi ro khác của dự án (rủi ro cho bên bao tiêu sản phẩm, chấm dứt sớm).

Nhiều giải pháp cần được tính đến

Trước những khó khăn trên, PGS.TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong bài viết “Vai trò của năng lượng và việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia” được phổ biến tại Hội thảo khoa học “Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Vai trò của ngành dầu khí”, đã đưa một số giải pháp chính sách để thu hút đầu tư phát triển năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Ở nhóm giải pháp đến năm 2030, theo PGS.TS Trần Kim Chung, để tối đa hóa lợi ích cho các nhà đầu tư, Chính phủ cần xem xét xây dựng và khởi động một chương trình PPP/IPP (chương trình hợp tác công - tư) cho nhiều năm dựa trên danh mục các dự án năng lượng lớn tiềm năng với mục tiêu thiết lập một minh chứng mạnh mẽ các dự án PPP/IPP thành công dựa trên quá trình đấu thầu cạnh tranh và minh bạch để giảm dần yêu cầu cần Chính phủ hỗ trợ theo thời gian. Điều này có thể được triển khai rộng rãi với khung thời gian khác nhau cho các loại dự án khác nhau, bắt đầu bằng chương trình đấu giá điện mặt trời áp dụng sau khi kết thúc cơ chế FiT hiện đang được Bộ Công Thương chuẩn bị.

Chương trình PPP/IPP cho phát điện phải được xây dựng gắn liền với Quy hoạch phát triển Điện 8 (PDP8) đang được chuẩn bị. Cụ thể cần:

Xây dựng một khung chính sách rõ ràng và minh bạch, chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và khu vực tư nhân. Trong ngắn hạn, hhung chia sẻ rủi ro bắt đầu bằng năng lượng mặt trời là một phần trong xây dựng cơ chế đầu giá điện mặt trời. Trong trung hạn, khung chia sẻ rủi ro được cải thiện cho tất cả các công nghệ phát điện.

Cùng với đó, xây dựng khung hỗ trợ chính phủ minh bạch đối với các công nghệ phát điện; xây dựng chiến lược cho thị trường hoán đổi tiền tệ VNĐ/USD; xây dựng quy trình đấu thầu minh bạch và cạnh tranh cho công suất phát điện mới tiến tới sử dụng đấu thầu cạnh tranh cho tất cả các công xuât phát điện mới; công bố danh mục dự án năng lượng kêu gọi đầu tư tiềm năng cho nhiều năm.

Việc đẩy mạnh tiếp cận vốn vay thương mại cho các công ty năng lượng cũng cần được chuẩn bị. Cần tối ưu hóa sử dụng nguồn tài chính công và tài chính ưu đãi hạn chế, ưu tiên phân bổ tài chính ưu đãi trong tương lai, tiến tới xây dựng và áp dụng nguyên tắc ưu tiên sử dụng nguồn tài chính ưu đãi hạn chế. Nâng cao tín nhiệm tín dụng của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngành năng lượng. Thực hiện tái cấu trúc các khoản nợ hiện có của doanh nghiệp để giảm rủi ro cho chính phủ, trong trung hạn cần nhận diện các phương án tài chính tư nhân vào lưới truyền tải và phân phối thuộc sở hữu nhà nước. DNNN ngành năng lượng trước hết là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hoàn thành xếp hạng tín nhiệm và phát hành trái phiếu xanh quốc tế.

Bên cạnh đó, cần tăng cường minh bạch trong thiết lập giá điện và quy trình ra quyết định điều tiết, tiến tới thông qua lộ trình thu hồi phí trong nhiều năm đối với giá điện.

Một yếu tố không kém phần quan trọng, theo PGS.TS Trần Kim Chung, là nâng cao khả năng tiếp cận vốn VND cho doanh nghiệp năng lượng. Cụ thể là xây dựng chiến lược huy động tiết kiệm dài hạn trong nước, phát triển sản phẩm tiết kiêm dài hạn. Sửa đổi Nghị định 90 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để minh bạch hơn và để các công ty năng lượng tiếp cận được thị trường nợ doanh nghiệp, hướng tới ban hành mô hình giao dịch thị trường vốn trong ngành năng lượng (trái phiếu xanh). Giải quyết vấn đề giới hạn cho vay đối với khách hàng và giảm giảm bớt rủi ro đầu tư vào năng lượng.

Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, một số giải pháp cho lĩnh vực này có thể được thiết kế như sau: Thành lập quỹ phát triển năng lượng bền vững sử dụng các nguồn từ ngân sách nhà nước, phí môi trường đối với nhiên liệu hóa thạch và các nguồn khác.

Ở nhóm giải pháp đến năm 2045, PGS.TS Trần Kim Chung cho rằng, trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, mục tiêu định hướng đến năm 2050 đã được đặt ra là giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm 1,5-2% trong suốt thời kỳ từ 2031-2050. Tuy nhiên, các giải pháp cũng chưa được đề ra cho khoảng thời gian này. Văn bản chính thức gần đây nhất về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016. Vì vậy, giai đoạn 2031-2045 hay 2031-2050 cũng chưa được đề cập.

Theo PGS.TS Trần Kim Chung, gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 9/8/2018 giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trong đó có ngành năng lượng/điện. Vì vậy, căn cứ chính thức cho việc đề xuất nhóm giải pháp cho thời kỳ đến năm 2045 chưa có. Do đó, các nhóm giải pháp chính cho thời kỳ này có thể là sự tiếp tục hoàn thiện các chính sách, chiến lược của thời kỳ 2021-2030 căn cứ vào kết quả việc thực hiện các chiến lược liên quan giai đoạn 2021-2030 và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và bối cảnh quốc tế khi đó để xác định các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể sau này.

M.T

giai phap nao de thu hut dau tu phat trien nang luong den nam 2030Những phương tiện giao thông sử dụng năng lượng mặt trời
giai phap nao de thu hut dau tu phat trien nang luong den nam 2030Phương pháp mới giúp lưu trữ năng lượng tái tạo hiệu quả
giai phap nao de thu hut dau tu phat trien nang luong den nam 2030Thành phố thông minh, tại sao không?