Tiếp vụ tiết lộ bí mật của cựu nhân viên CIA Edward Snowden:

Gia tăng cảnh báo về do thám - nghe lén

15:10 | 13/02/2014

1,080 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 11/2, tờ Nam Đức đưa tin, Cơ quan bảo vệ Hiến pháp bang Hamburg, Đức cảnh báo hoạt động của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tại bang này.

Theo ông Manfred Murck, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ hiến pháp bang Hamburg, từ tháng 6/2013 họ đã biết những khả năng của các cơ quan tình báo Mỹ, đặc biệt là NSA. Tuy nhiên, trong báo cáo của lực lượng bảo vệ hiến pháp Đức chưa đề cập tới các hoạt động do thám của tình báo Mỹ, đặc biệt là NSA trong việc tìm cách nghe lén, xem trộm từ bản lưu Cookies tới trò chơi trực tuyến.

Được biết, cho tới nay, các quan chức bảo vệ hiến pháp ở Hamburg mới chỉ tập trung vào hoạt động của tình báo Nga, Trung Quốc, Iran, Syria và CHDCND Triều Tiên.

Từ những cáo buộc mới

Cũng trong ngày 11/2, tờ Thế giới của Đức đã đặt câu hỏi: liệu Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Hamburg có phải là một điểm nghe lén cho NSA và để làm rõ nghi vấn này, cơ quan tư pháp Hamburg đang yêu cầu Tổng lãnh sự quán ở đây, bà Nancy Corbett trả lời. Trước đó (5/2), hãng AFP cho biết, tình báo Mỹ không những bí mật nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel, mà còn nghe lén cả cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder. Ông Gerhard Schroeder được đưa vào danh sách những người và tổ chức bị theo dõi của NSA kể từ năm 2002.

Tờ Sueddeutsche Zeitung (Đức) từng đưa tin (15/1), từ nhiều tháng qua, Đức đã chủ trì cuộc đàm phán bí mật trong Liên minh châu Âu (EU) nhằm xây dựng một thỏa thuận “không do thám” giữa các quốc gia thành viên, nhưng bị Anh phản đối. Cuộc đàm phán do Cơ quan tình báo đối ngoại Bundesnachrichtendienst (BND) của Đức chủ trì (theo đề nghị của Thủ tướng Angela Merkel).

Những tiết lộ của Edward Snowden đã làm tổn hại tới Hoa Kỳ

Động thái trên diễn ra sau khi Nga-Mỹ tranh luận về vụ rò rỉ cuộc điện đàm giữa Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland và đại sứ Mỹ tại Kiev Geoffrey Pyatt liên quan tới Ukraine. Ngày 7/2, ông Dmitry Loskutov, trợ lý Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã phủ nhận vai trò của mình trong vụ rò rỉ này.

Trước đó (6/2), Washington cáo buộc Moskva đã nghe lén và tiết lộ nội dung cuộc điện đàm liên quan tới vấn đề Ukraine giữa bà Victoria Nuland và ông Geoffrey Pyatt. Cả nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ Jen Psaki và người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney đều cho rằng, trợ lý Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin là người đầu tiên phát tán đoạn băng ghi âm kể trên và khẳng định Moskva có vai trò trong sự việc này.

Ngày 9/2, tờ Thời báo New York dẫn lời quan chức tình báo Mỹ đang điều tra vụ tiết lộ chương trình do thám bí mật PRISM của NSA cho biết, Edward Snowden đã lấy được nhiều văn bản mật chỉ bằng công nghệ tương đối đơn giản, rẻ tiền và dễ sử dụng. Đó là sử dụng phần mềm crawler (web bugs) hoặc phần mềm thu thập khác tương đối dễ đánh cắp dữ liệu thông qua cài đặt trình tự để tự động thu thập thông tin.

Điều này cho thấy, NSA tồn tại một số lỗ hổng về an ninh bởi một trong những sứ mệnh của NSA là bảo vệ hệ thống máy tính chứa tài liệu tình báo và quân sự nhạy cảm trước những cuộc tấn công mạng nguy hiểm bằng các phần mềm do thám hiện đại. Điều đáng nói là Edward Snowden đã lấy tài liệu của NSA gần 3 năm sau vụ binh nhất Brad Manning lấy trộm hàng trăm nghìn tài liệu quân sự và ngoại giao Mỹ chuyển cho WikiLeaks cũng bằng phương pháp tương tự.

Một số sự kiện tại Âu - Mỹ

Theo thông tin trên tờ Washington Post và Wall Street Journal, NSA chỉ thu thập dữ liệu của khoảng 30% các cuộc điện thoại trên nước Mỹ, ít hơn nhiều so với các số liệu đưa ra trước đó. Được biết, kho dữ liệu của NSA từng chứa thông tin của tất cả các cuộc điện thoại tại Mỹ, nhưng trong năm 2013 con số này chỉ khoảng 20%-30%.

Được biết, kế hoạch lưu trữ dữ liệu thu thập từ điện thoại của NSA sẽ được định đoạn sau ngày 28/3, khi Bộ Tư pháp và các cơ quan tình báo Mỹ công bố quyết định xung quanh chủ đề nhạy cảm này. Việc này diễn ra sau khi Tổng thống Barack Obama đã đề cử Trung tướng Hải quân Michael Rogers là người thay thế Tướng Lục quân 4 sao Keith Alexander đứng đầu NSA hôm 30/1.

Theo người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Mỹ, Trung tướng Michael Flynn cho biết, Lầu Năm Góc sẽ phải thực hiện những thay đổi rất tốn kém liên quan tới vấn đề nhân sự cũng như các chương trình khác do sự rò rỉ thông tin tình báo của Edward Snowden.

Những người ủng hộ Edward Snowden đứng trên một đường phố tại thành phố Moscow

Theo tiết lộ của cựu nhân viên CIA Edward Snowden, cơ quan tình báo Thụy Điển (FRA) đã do thám giới lãnh đạo Nga và chia sẻ thông tin thu thập được với NSA. Tờ Guardian từng dẫn các tài liệu do cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ, theo đó các cơ quan tình báo Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Thụy Điển đang thực hiện các chương trình giám sát việc truyền dữ liệu qua điện thoại và mạng internet.

Cựu ngoại trưởng Hy Lạp Theodoros Pangalos từng tiết lộ tin gây chấn động (29/10/2013): Chính phủ Hy Lạp đã nghe lén ít nhất 2 đại sứ Mỹ. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright cũng cho biết (24/10/2013), bà từng bị Pháp nghe lén khi đương nhiệm. Tuy nhiên, bà Madeleine Albright khẳng định: Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên bởi các nước đều do thám lẫn nhau.

Tuyên bố gần 3 tháng trước (19/11/2013) của Giám đốc Cơ quan Tình báo Na Uy khiến dư luận ngạc nhiên khi Trung tướng Kjell Grandhagen tuyên bố, Cơ quan Tình báo nước này chứ không phải NSA đã ghi lại hàng chục triệu cuộc đàm thoại của người dân Na Uy trong vòng một tháng (từ 10/12/2012 đến 8/1/2013). Đồng thời nhấn mạnh, Na Uy và Mỹ cùng chia sẻ các thông tin cần thiết và liên quan tới đảm bảo an ninh quốc gia.

Về phần mình, Bộ trưởng Tư pháp Brazil Jose Eduardo Cardozo khẳng định (5/11/2013), các hoạt động do thám của cơ quan tình báo Brazil ABIN không hề giống chương trình do thám của NSA. Trước đó, tờ Folha de Sao Paulo cáo buộc, tình báo Brazil đã gắn các thiết bị theo dõi tại Đại sứ quán Mỹ, Đại sứ quán Iraq ở thủ đô Brasilia, đồng thời do thám quan chức quân đội Nga tham gia trực tiếp hoặc có vai trò trong các cuộc đàm phán về vũ khí và thiết bị quân sự.

Tới “sự cố” châu Á

Ngày 15/1, tập đoàn công nghệ Hoa Vi (Trung Quốc) đã phủ nhận thông tin cho rằng, thiết bị mạng lưới viễn thông của tập đoàn này bị NSA thâm nhập. Trong khi đó tờ The Pioneer (Ấn Độ) cho rằng, Trung Quốc tìm mọi cách lắp trạm nghe lén ở Ấn Độ Dương sau khi tiếp nhận quyền quản lý cảng Gwadar của Pakistan.

Hơn 3 tháng trước (1/11/2013), Đại sứ quán Trung Quốc tại Phần Lan đã bác thông tin do thám sau khi giới truyền thông đưa tin: Bắc Kinh có thể đứng sau hoạt động gián điệp mạng nhằm vào Bộ Ngoại giao Phần Lan. Trước đó (31/10/2013), tờ South China Morning Post cho biết, trong một kiện hàng 30 ấm đun nước của Trung Quốc, Nga phát hiện 20 cái có chứa “chip do thám”. Nga cho rằng, các “chip do thám” có khả năng dùng những đường truyền Internet không dây (wifi) mà không có mật khẩu để gửi dữ liệu về các server Trung Quốc.

Bài phỏng vấn Edward Snowden đăng trên báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng

Giới truyền thông từng đưa tin, ông Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Trùng Khánh đã bị “ngã ngựa” sau khi đánh mất lòng tin của ban lãnh đạo cấp cao vì nghi ngờ ông nghe lén đường dây điện thoại mật. Trong số những quan chức cấp cao từng bị nghe lén có nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình. Ông Bạc Hy Lai được cho là bắt đầu nghe lén từ khi còn chấp chính ở Liêu Ninh.

Hơn 2 tháng trước (29/11/2013), Ngoại trưởng Singapore Shanmugam cho biết, Singapore không xác nhận hay phủ nhận bất cứ thông tin nào về việc nước này giúp đồng minh do thám các nước láng giềng. Ông Shanmugam cho rằng, quan hệ giữa Singapore với Indonesia và Malaysia sẽ không bị ảnh hưởng bởi cáo buộc này.

Theo tiết lộ của cựu nhân viên CIA Edward Snowden, Singapore và Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Mỹ và Australia truy cập những thông tin nhạy cảm. Theo tờ Sydney Morning Herald, Singapore cùng Hàn Quốc đang giúp Mỹ và Australia thực hiện hoạt động gián điệp điện tử chống lại Indonesia và Trung Quốc.

Theo tờ Israel Today, Nhà nước Do Thái kiểm soát không gian của tất cả các quốc gia Arab với 6 vệ tinh có nhiệm vụ ghi lại từng chi tiết trên lãnh thổ của họ. Việc quản lý các vệ tinh do một đơn vị tình báo quân sự Israel đảm trách và 3/6 vệ tinh phụ trách khu quân sự ở các nước Arab. Tel Aviv đã thành lập một đơn vị bí mật trực thuộc tình báo quân đội, được gọi là 9900 để điều khiển vệ tinh chụp ảnh các cơ sở quân sự ở tất cả các nước trong khu vực hoặc phát hiện bất kỳ chuyển động bất thường nào của quân đội các nước Arab và giám sát mọi chuyển động này. Theo Global Post (Mỹ), có 10 quốc gia được cho là đang âm thầm nghe lén người dân trong nước. Đó là Đức, Pháp, Anh, Nga, Zimbabwe, Syria, Iran, New Zealand, Bahrain và Canada.


Đông Ngàn - Từ Sơn