Ghè chân ai không minh bạch

07:00 | 26/11/2013

1,961 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phát biểu quá minh bạch của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại tổ đại biểu Quốc hội khiến những người giúp việc lâu năm phải “công tôn sách” rằng: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đang lấy đá ghè chân mình. Minh bạch thế này thì còn ai “phải” đến Bộ KH&ĐT tư nữa.

Bảo Dân (NLM số 277)

Lâu nay trên nhiều diễn đàn phát biểu của các tư lệnh như Bộ trưởng Đinh La Thăng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh, Bộ trưởng Trần Đại Quang đều được dư luận đồng tình. Kỳ họp Quốc hội này, phát biểu quá minh bạch của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại tổ đại biểu Quốc hội còn khiến những người giúp việc lâu năm phải “công tôn sách” rằng: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đang lấy đá ghè chân mình. Minh bạch thế này thì còn ai “phải” đến Bộ KH&ĐT tư nữa.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT bảo: “Không. Đất nước này cần sự minh bạch, đất nước này cần không có sự tham nhũng”.

Xưa nay, ai chả một lần nghe lời đàm tiếu về điểm này, điểm nọ về Bộ KH&ĐT nhưng toàn là  dân, là doanh nghiệp, là báo chí. Nay được nghe chính một người trong cuộc, trong bộ máy công quyền mà lại là Bộ trưởng - người đứng đầu một bộ đầy quyền uy thì quả là có độ tin cậy phải là siêu cao…

Thông điệp của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kiên quyết đòi phải chấm dứt ngay cách làm “cù như vẫn” trong đầu tư, phải công khai, minh bạch, để không còn chạy chọt, để không còn tham nhũng, nếu không như vậy thì đất nước sẽ xuống bờ vực thẳm. Hành chính nhà nước, quản lý nhà nước liên quan tới nhiều thứ, trong đó có hai thứ quan trọng nhất là tiền và người.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh

Tiền cho nghiên cứu khoa học, cho đường xá, cho phòng chống dịch bệnh, cho chi thường xuyên, chi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người nhà nước... Người ở trong biên chế, bộ này được bao nhiêu, tỉnh kia được bao nhiêu, được cấp chỉ tiêu thi nâng ngạch, cấp tiền cho đào tạo, bồi dưỡng con người trong bộ máy ra sao...

Tất cả những vấn đề này, nếu công khai hết, không còn điểm khuất, mọi thứ đều đặt lên bàn cho cả xã hội thấy thì liệu từ anh công chức bình thường đến lãnh đạo các vụ, cục, cho đến thứ trưởng, bộ trưởng các bộ của ta có trở thành kẻ “tự vác đá ghè chân mình” hay không? Có cụ đồ Nghệ bình luận rằng, chẳng lẽ nền hành chính, quan chức của chúng ta bấy nay hành xử chủ yếu là lấy đá ghè chân nhau? Thể chế, chính sách, dự án, quy hoạch... do các bộ đưa ra mà cứ theo kiểu vác đá ghè chân người thì chết dân, chết doanh nghiệp. Sự thay đổi chắc phải từ đây. Ước gì ngày càng có nhiều bộ trưởng dám vác đá ghè chân mình.

Thời Ủy ban Kế hoạch Nhà nước không có chuyện xây dựng bừa bãi như bây giờ. Thời đó có ít công trình nhưng công trình nào ra công trình đó, có bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cho các địa phương và các bộ. Mỗi một năm trong tổng mức đầu tư, chúng ta đều trích khoảng 20% để bố trí danh mục những công trình cho năm sau, năm sau nữa. Bây giờ không có chuyện này, không có chuẩn bị đầu tư, cứ nghĩ ra là làm, không cần nghiên cứu! - Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

Ông cho rằng, đến người dân làm nhà riêng còn để hẳn “3 năm chuẩn bị 1 năm làm nhà”, thậm chí có gia đình nghèo tới 10 năm chuẩn bị mới dám làm. Thế mà bây giờ chúng ta đơn giản hóa hết cũng làm. Bài học ở Hà Giang vẫn còn ý nghĩa dù đã qua 3 kỳ đại hội… Ý chí của lãnh đạo địa phương cứ quyết là làm không có kế hoạch, không được đầu tư... Trong khi làm ra thì lãng phí, làm xong là bị chỉ trích, đường làm xong không ai đi, chợ làm xong không ai họp. Vì không ai đánh giá nghiên cứu, chỉ cần có chủ trương là bố trí vốn đầu tư làm luôn. Đây là điều phi thực tiễn và trái ngược với những gì chúng ta từng làm trước đây, trái ngược với thế giới người ta đang làm. Bộ trưởng bày tỏ lo ngại sự lãng phí trong chủ trương đầu tư là sự lãng phí lớn nhất trong mọi lãng phí.

Để cụ thể hơn, ông ví von: Nếu gia đình có 10 đứa con, tiền chỉ đủ làm nhà cho 1 đứa, mà ông bố bảo các con đập nhà cũ đi, cho tiền cả 10 đứa xây mới. Tới khi các con đập hết nhà cũ, bố cho mỗi đứa một tí, đứa làm được cái móng, đứa xây được cái tường rồi để đó, khiến ai cũng không có nhà ở thì có được không? Như vậy chủ trương đầu tư là vô cùng quan trọng.

Bộ trưởng kiến nghị, cần chuyển sang phương châm đó là “không làm nhiều nữa” bởi tiền không nhiều. Phải lựa chọn chắc chắn công trình cần làm và “làm tới nơi tới chốn”, có đủ tiền chuẩn bị đầu tư cho địa phương, các bộ, ngành nghiên cứu.

Nếu đó là nhóm công trình đặc biệt quan trọng (như công trình nhóm A có số vốn lên tới 2-3 chục nghìn tỉ đồng) phải trình Quốc hội đánh giá khả thi, bao giờ quyết định 100% cần làm thì mới làm…

Nếu tiền của địa phương thì địa phương tự quyết định do Sở KH&ĐT thẩm định, nếu dự tính sử dụng tiền của Trung ương thì Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT cùng thẩm định và báo cáo Thủ tướng.

Do đó, việc chuẩn bị kế hoạch đầy đủ, khả thi dựa trên cơ sở ngân sách thì không chỉ doanh nghiệp khỏe, Chính phủ khỏe, địa phương cũng khỏe, chủ động bởi vì không nợ đọng, mà linh hoạt trong đầu tư.

Khẳng định Bộ luật Đầu tư công là cần thiết, ông cho rằng các điều luật sẽ ràng buộc và quy trách nhiệm cụ thể, ai có chủ trương sai, người đó chịu trách nhiệm! Và sẽ có chế tài quy định, các dự án sẽ phải thẩm định có đủ tiền mới được làm, không đủ tiền không được làm.

Để chặt chẽ, Bộ trưởng KH&ĐT cho hay, mọi quy trình đầu tư công phải bài bản, không thể làm tùy thích, “đừng dễ dãi với nhau”. Nếu dễ dãi sẽ đưa đất nước xuống bờ vực thẳm.

Bộ trưởng kể rằng, có ông mới lên làm chủ tịch tỉnh muốn để dấu ấn cho nhiệm kỳ của mình, đề nghị xây dựng một đại lộ thật hoành tráng, đập không biết bao nhiêu nhà cửa, giải phóng mặt bằng để chỉ làm con đường mấy trăm tỉ. Có nơi còn dựng tượng đài ngàn tỉ giữa đồng không mông quạnh… Xây dựng là lĩnh vực lãng phí vô cùng, chuyện như cổ tích nhưng có thật, suốt ngày tôi phải chịu áp lực những chuyện như vậy”. Nếu luật Đầu tư công ra đời sẽ góp phần kiểm soát lãng phí, thất thoát trong đầu tư.

Theo Bộ trưởng, đầu tư công cho trung hạn, không thể quyết định làm công trình nào từng năm một, mà quyết cho cả giai đoạn, ví dụ năm 2014 tới đây quyết cho 5 năm 2016-2020 là một “bước đột phá dũng cảm của Bộ KH&ĐT”.

Lẽ ra bộ khác nói “phải làm đi” thì còn có lý, ở đây chính chúng tôi đặt ra mục tiêu này để minh bạch, không có chạy chọt, không có chuyện tham nhũng trong này.

Có câu “đói đảo ngói mà ăn” nhằm chê trách đám nha lại làng xã thích bày đặt để ăn vặt ngói dư ngói thải. Ngày nay họ ăn gấp hàng trăm lần, chẳng nói đâu xa huyện đường vừa khánh thành hôm trước thì hôm sau từ đường nhà ông chủ tịch được chính công ty xây dựng huyện đường bàn giao đẹp nguy nga lộng lẫy.

Nghe Bộ trưởng Vinh phát biểu cử tri mát lòng mát dạ bởi sẽ không ai dám vác đá ghè chân ông! Nhưng rất có thể một số anh sẽ bị ghè hoặc đã ghè xuống chân những ai không chịu minh bạch!

Trong một năm qua chúng ta đã đầu tư tràn lan dẫn đến hệ lụy là có đến 20 nghìn công trình mới phát sinh. Trong khi đó Nhà nước chỉ có đủ tiền rót cho 5 nghìn công trình mà sau khảo sát "trên dưới một lòng quyết định làm". (Bộ trưởng Bùi Quang Vinh)

B.D