Đương tỏ dần góc khuất một gia tộc (Kỳ 3)

07:00 | 24/03/2013

1,589 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - "Một người có văn tài đứng chủ trương một cơ quan văn học báo chí tức là hồn của cơ quan ấy cũng như Phạm Quỳnh là hồn của Nam Phong vậy” (Vũ Ngọc Phan - Nhà văn hiện đại. Quyển I, trang 127. NXB Vĩnh Thịnh, Hà Nội, 1951).

>> Đương tỏ dần góc khuất một gia tộc (Kỳ 2)

>> Đương tỏ dần góc khuất một gia tộc (Kỳ 1)

Chưa hết! Không biết là thời gian chính hay phụ đây để ông tham gia sáng lập và làm Tổng thư ký Hội Khai Trí Tiến Đức tại Hà Nội và làm Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ. Chính  cuốn Việt Nam Tự điển do Hội Khai trí Tiến Đức chủ trương cùng 10 người danh tiếng thời ấy biên soạn (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Luận, Phạm Huy Lục, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục, Đỗ Thận).

Thử ngẫm lại, nếu không có một tài năng, nếu không phải xuất chúng hoặc cái gì na ná như thế thì làm sao Phạm Quỳnh khi ấy mới độ tuổi hai mấy lại được ngồi, nói đúng hơn lại tập hợp được những tên tuổi làm cộng tác viên nhiệt thành cho Nam Phong cũng như Khai Trí Tiến Đức như các ông Nguyễn Bá Học (khi đó đã 60 tuổi), Nguyễn Hữu Tiến (43 tuổi), Phạm Duy Tốn (34 tuổi), Trần Trọng Kim, Tản Đà (khi ấy trên 30 tuổi) v.v...

Có tài liệu chép một việc Nguyễn Bá Học với Phạm Quỳnh có trao đổi bài vở chi đó với thái độ thành thực thẳng thắn và liên tài. Kết thúc cuộc trao đổi tranh luận hôm ấy, ông già Nguyễn Bá Học có xá Phạm Quỳnh một vái rồi vui vẻ dẫn ra cái câu “Lão ô bách tuế bất như phượng hoàng sơ sinh” (Quạ già trăm tuổi cũng chả bằng giống phượng hoàng mới đẻ).

Phạm Quỳnh (giữa) và Nguyễn Văn Vĩnh (phải)

Về sáng tác, các bài của ông được tập hợp và in thành sách như “Văn minh luận”, “Ba tháng ở Paris”, “Văn học nước Pháp”, “Chính trị nước Pháp”, “Khảo về tiểu thuyết”, “Lịch sử thế giới”, “Lịch sử và học thuyết Voltaire”, “Phật giáo đại quan”, “Cái quan niệm của người quân tử trong Đạo Khổng”.

“Bộ Thượng Chi Văn tập” gồm 5 quyển (Nhà xuất bản Alexandre de Rhodes Hanoi ấn hành năm 1943). Có lẽ dưới ánh ngày Đổi Mới, những ấn phẩm của Phạm Quỳnh mai kia sẽ được các nhà xuất bản trân trọng giới thiệu lần lượt với bạn đọc?

Đoạn đắc ý trong cuộc đời Phạm Quỳnh

Tôi đồ rằng, thời gian chủ trương tờ Nam Phong rồi sau đó có xông xênh ở các vị thế những Đổng lý ngự tiền những Thượng thư Bộ Lại, cuộc đời Phạm Quỳnh điều sở đắc phải là 3 tháng ở nước Pháp mà Nhà Xuất bản Hội Nhà văn mới đây đã cho in tập hồi ký “Pháp du hành trình nhật ký” của Phạm Quỳnh từ tháng 5 đến tháng 8/1922.

Mở đầu những dòng hồi ký, Phạm Quỳnh ghi rất giản dị: “Tôi được quan Thống sứ Bắc kỳ cử sang Pháp thay mặt cho Hội Khai Trí Tiến Đức để dự cuộc đấu xảo Marseille lại được quan toàn quyền đặc phái sang diễn thuyết tại mấy trường lớn của Paris, ngày 9/3 tây năm 1922 tức là ngày 11/2 ta xuống Hải Phòng để đáp tàu sang Pháp”...

Có lẽ chỉ với hai cuốn “Mười ngày ở Huế” (Nhà Xuất bản Văn học đã in năm 2001) và “Pháp du hành trình nhật ký” của Phạm Quỳnh, những người yêu mến bút ký văn học nói chung cũng như viết ký nói riêng có thể tìm thấy ở hai tập sách này nhiều điều sở đắc. Và rất nên nếu như các nhà báo tương lai ở trường báo chí của ta tập làm quen và khảo sát với lối viết này qua những công trình khóa luận lẫn luận án tốt nghiệp sẽ thu hoạch được nhiều điều bổ ích! Đó là lối viết, kiểu viết không phải là rặt ngồn ngộn những chuyện, tóm lại chỉ thấy cây chứ không thấy rừng, chỉ thấy việc chứ không thấy văn.

Tờ bìa Tạp chí Nam Phong tết 1918

Chuyện, việc, sự kiện trong ghi chép của Phạm Quỳnh đều có nhưng là dung lượng là liều lượng vừa phải, là cái cớ để ông đưa người đọc vào những chiêm nghiệm suy ngẫm lý thú bất ngờ. Kiến văn của Phạm Quỳnh mở ra cho người đọc là bắt đầu bằng cái cớ của chuyện và sự kiện kia. Lý thú và bất ngờ nữa bởi sức đọc sức nghĩ và sự chiêm nghiệm trên tầm sự kiện của một người viết mới tròm trèm 30 (khi ông viết những ngày ở Huế và Nam Bộ mới 26 tuổi) mà bằng lối văn, bằng con chữ của nước Việt đầu thế kỷ XX. Mà lối văn mà con chữ ấy, Phạm Quỳnh là người đang tiên phong rèn giũa cho vốn quốc văn của nước nhà! Thời điểm ấy Phạm Quỳnh đang khuyến khích, hô hào, cổ vũ dưới hình thức này hay hình thức khác, hy vọng chữ quốc ngữ sớm trưởng thành và văn chương nước Việt mau phong phú.

Ông bàn về văn minh phương Tây nhân đi coi Bảo tàng Louvre thế này... “Duy cái văn minh Tây phương nó phồn tạp quá, các phương diện nhiều quá. Muốn bao quát cho được hết mà thu gồm lấy cái toàn thể toàn bức thật là khó! Phải có một sức học lớn, một trí lực một con mắt khác thường mới có thể xét không sai và đoán không lầm được! Cho nên còn lâu năm nữa cái văn minh Tây phương vẫn còn ngộ hoặc được nhiều người nhiều thời gian mai hậu nữa... (Thứ Năm ngày 13/7/1922)”.

Bây giờ trên một số diễn đàn, người ta đang ầm cả lên rằng, có nên dạy chữ Nho cho học sinh trong nhà trường phổ thông hay không? Thiết tưởng cũng nên tham khảo ý kiến non trăm năm trước của Phạm tiên sinh, khi ông trình bày thật khúc triết hùng hồn trước Ban Lý luận chính trị Viện Hàn lâm Pháp với đề tài “Một vấn đề dân tộc giáo dục”:

“Nhưng ngặt thay, dân An Nam không phải là tờ giấy trắng mà muốn vẽ gì lên cũng được. Tức là một tập giấy đã có sẵn chữ viết từ đời nào đến giờ! Nếu bây giờ viết đè một chữ mới lên trên e thành giấy lộn mất! Cho nên bây giờ khắp nơi dạy chữ Tây cho người An Nam từ tuổi nhỏ đến lớn như các trường Pháp Việt ngày nay, kết quả chỉ làm cho người An Nam mất tính cách An Nam mà chưa chắc đã hóa được Tây hẳn, thành ra là một giống lửng lơ thật nguy hiểm.

Muốn tránh sự nguy hiểm ấy, chỉ còn cách là dạy cho trẻ con An Nam từ nhỏ bằng tiếng An Nam cho hết bậc tiểu học. Lấy cái phổ thông giáo dục bằng quốc văn làm gốc như thế vừa tiện vừa mau vì không mất thời giờ để học một thứ tiếng ngoại quốc dang dở không đến nơi và cũng không dùng được việc gì. Học trò đã được bằng tiểu học, tốt nghiệp bằng tiếng An Nam rồi bấy giờ mới kén chọn người nào có sức học lên nữa như trung học, đại học thời cho vào một trường dự bị chỉ chuyên học tiếng Pháp.

Nhưng mà theo cách học tấn tốc như người Pháp học tiếng Anh, tiếng Đức nghĩa là học như học tiếng ngoại quốc vậy. Học thế chỉ vài ba năm là có thể thông chữ Pháp đủ theo được các lớp trung học như bây giờ. Như thế mới khỏi được cái nguy hiểm thành một hạng người dở dang tốt nghiệp trường tiểu học ra, chữ Tây không đủ dùng được một việc gì mà cái phổ thông thường thức học bằng chữ Tây cũng còn mập mờ chưa lĩnh hội được, còn tiếng nước nhà thì hầu như quên cả! (thứ Tư ngày 19/7/1922)”.

Vượt lên sự kiện của một buổi tham quan, cái thành thực của Phạm Quỳnh đâm thân gần và có sức lây lan đồng cảm nhiều lắm bởi nó là lời cởi mở rất bạn bè... “Một người thuần cựu học mà xem tranh Tây mà không có cảm gì thì còn có lẽ nhưng đến như mình có sở đắc về Tây học ít nhiều mà không biết thưởng thức cái hay cái đẹp của mỹ thuật phương Tây thì cũng lạ thật? Có lẽ bởi cái óc tối tăm mà chưa khai quang được chăng? hay bởi con mắt thịt thiếu tia sáng về mỹ thuật?

Chẳng hay bởi cớ gì nhưng trông những bức vẽ đàn bà trần truồng thỗn thện thịt bắp vai u thật cũng không hiểu cái tứ của họa sĩ là ra thế nào. Nghe người ta cắt nghĩa thì cũng chỉ biết vậy, hoặc đọc trong sách thì cũng hiểu tạm vậy, thấy người khen thì cũng gật gù mà khen cho khỏi tiếng dốt chứ kỳ thực cũng chả cảm thấy một chút nào.

Giải thưởng Hồ Chí Minh

Có những lúc nghĩ lẩn thẩn, có những bức mà họ cho là tuyệt bút kia giá đáng kể hàng muôn hàng triệu tưởng giá có người đem cho mà về treo ở nhà thời cũng chả lấy làm thích vì không hiểu nó là cái chi! Nhiều khi vẫn lấy làm lạ, cái đó là một điều khiếm khuyết trong sự giáo dục của mình... Vì những cái công trình mỹ thuật kia, cả một phần thế giới có tiếng là văn minh đều công nhận là tuyệt phẩm, là tuyệt tác mà mình tuyệt nhiên chẳng biết cảm phục thời chẳng ngu xuẩn và chẳng dốt lắm ru? Cũng biết thế nhưng không thể nào làm khác được, thời thà thú thật là dốt là ngu còn hơn miễn cưỡng mà a dua.

Song xét cho cùng thì ra cái tinh thần của đông tây nó khác xa nhau nhiều quá. Có khi tưởng rằng, hiểu nhưng xét kỹ ra thực không rõ lắm bởi khác nhau về cái cảm. Lại có khi miễn cưỡng muốn cảm cho được thì là cái cảm ấy nó lại không thành thực. Cho nên mỗi khi thấy người khen tranh Tây đẹp, bài hát Tây hay, mình vẫn tự hỏi không biết lời khen ấy có thành thực không nhỉ? Đông tây tuy vậy vẫn còn cách xa!”.

Chúng ta cũng không nên quên rằng thời gian đó ở Pháp có thiếu gì những thanh niên Việt Nam trí thức chữ nghĩa và bằng cấp cao như Phan Văn Trường, Trần Văn Chương, Nguyễn Khắc Vệ... Trong khi Phạm Quỳnh chỉ là một ký giả tầm thường, tốt nghiệp trung học thế mà dám đứng trước Nghị viện Pháp đặt vấn đề đòi Pháp phải tôn trọng chủ quyền và truyền thống văn hóa Việt Nam! “Dân tộc Việt Nam chúng tôi không thể ví như một tờ giấy trắng.

Chúng tôi là một quyển sách dày đầy những chữ viết bằng thứ mực không phai đã hàng mấy mươi thế kỷ. Quyển sách cổ ấy có thể đóng theo kiểu mới cho hợp với thời trang nhưng không thể đem một thứ chữ ngoài in lên những dòng chữ cũ. Vấn đề là phải giáo dục người Việt Nam thế nào cho vừa truyền được học thuật cao thượng đời nay vừa không đến nỗi khiến chúng tôi mất giống, không còn quốc tính để biến thành một dân tộc vô hồn, không còn tinh thần đặc sắc gì nữa như mấy thuộc địa cũ của Pháp...”.

Thiển nghĩ, phải có tài, phải tự tin và nhất là phải có lòng! Tại Paris, ông đăng đàn tới 4 lần sâu sắc hấp dẫn có nhiều tiếng vang, được nhiều tờ báo lớn uy tín ở Paris và nước Pháp như Le Monde nouveau, Le Journal, Le Martin... đăng lại các bài đăng đàn diễn thuyết ấy hoặc phỏng vấn Phạm Quỳnh.

Từ Tổng Biên tập tới Bộ trưởng hay động cơ làm quan của Phạm Quỳnh

Trong báo cáo ngày mồng 8 tháng Giêng năm 1945 gửi cho Đô đốc Decoux và cho Tổng đại diện Mordant, ông Thống sứ Trung Kỳ Healewyn đã phàn nàn về Phạm Quỳnh như thế này:

“...Vị thượng thư này vốn đã chiến đấu suốt cuộc đời mình bằng ngòi bút và bằng lời nói không bao giờ bằng vũ khí cho sự bảo trợ của Pháp cho việc khôi phục quyền hành của triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc - Trung - Nam) và cho việc người Việt Nam nắm trong tay vận mệnh của chính mình. Một lần nữa vị Thượng thư Bộ lại đã kịch liệt chỉ trích việc trưng thu gạo cho những người Nhật.

Ông ta đã nhắc lại lời đề nghị của mình về xứ Bắc Kỳ và sự giải phóng mà người Pháp đã hứa. Tôi đã nhận xét với Hoàng đế Bảo Đại là vị Thượng thư Bộ lại của ông ta đã vượt quá chức trách của mình khi vẫn khăng khăng đòi mở rộng quyền hạn của Viện Cơ mật.

Ông ta đòi chúng ta phải triển khai trong thời gian ngắn những lời hứa về sự giải phóng tiến bộ theo một kỳ hạn chính xác và đòi chúng ta khôi phục cho nhà vua những biểu hiện của một chủ quyền quốc gia trải rộng ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Phạm Quỳnh còn dọa sẽ khuyến khích phong trào chống đối nếu như trong những tháng tới chúng ta không thương lượng với vua Bảo Đại về một thể chế chính trị cho phép chuyển chế độ bảo hộ thành một kiểu Commonwealth (Quốc gia độc lập) trong đó những chức vị chính sẽ được giao cho ngưòi bản địa.

Những yêu sách của Phạm Quỳnh đòi trở lại việc chấp thuận một chế độ tự trị hoàn toàn cho hai xứ bảo hộ (Trung Kỳ và Bắc Kỳ) khước từ chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ và thành lập một quốc gia Việt Nam. Tôi xin lưu ý ngài một điều là, dưới vẻ bề ngoài nhã nhặn và thận trọng con người đó là một chiến sĩ không lay chuyển nổi nền độc lập của Việt Nam và đừng hòng có thể làm dịu những tình cảm yêu nước chân thành và kiên định của ông ta bằng cách bổ nhiệm ông ta vào một cương vị danh dự hoặc trả lương một cách hậu hĩ.

Cho tới nay, đó là một địch thủ thận trọng nhưng cương quyết chống lại sự đô hộ của nước Pháp và ông ta có thể sớm trở thành một kẻ thù không khoan nhượng nếu ông ta để cho mình bị cám dỗ bởi những lời hứa hẹn về Thuyết Đại Đông Á của người Nhật Bản (Bản phúc trình Tối Mật, hiện lưu giữ tại Văn phòng Pháp quốc Hải ngoại Vụ Paris do Khâm sứ Trung Kỳ Haelewyn gửi cho Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux và Tổng ủy viên Mordant đề ngày 28 tháng Giêng năm 1945". Tài liệu do bà Lê Thị Kinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Lucxamburg cung cấp).

Phạm Quỳnh ở biệt thự Hoa Đường, An Cựu, Huế

Năm 1932, Phạm Quỳnh rời tờ Nam Phong (cũng từ thời điểm ấy vắng một người chủ trương sâu sát, Nam Phong gần như tuột dốc, chất lượng kém hẳn để đình bản 2 năm sau đó) được vời vào Huế. Thoạt đầu làm ngự tiền Văn phòng (Đổng lý văn phòng) sau rồi Thượng thư Bộ Học (Giáo dục) cho đến năm 1944 thì chuyển chức Thượng thư Bộ Lại - Bộ Nội vụ. Về con đường quan lộ của Phạm Quỳnh cũng có nhiều ý kiến. Phạm Quỳnh có ôm ấp ý định làm quan không?

Nếu có tham vọng đó thì chỉ sau thời gian ở trường Pháp quốc Viễn Đông Bác cổ vài năm được cấp các quyền tín nhiệm đánh giá cao thì ông dễ dàng xuất dương sang Pháp du học theo Ban Bản xứ tại trường thuộc địa Paris Section Indigène Ecole Coloniale. Điều đó có thể chứng minh qua những lời nhận xét sau đây của nhà văn Nguyễn Công Hoan.

“...Khi viết truyện “Kép Tư Bền”, tôi liên tưởng ngay đến bề ngoài cười nụ bề trong khóc thầm chính là trường hợp của Phạm Quỳnh! Tôi cho Phạm Quỳnh  là những người có chính kiến. Thấy nước ta ba kỳ có ba chế độ chính trị khác nhau. Nguyễn Văn Vĩnh mới chủ trương thuyết trực trị. Người Pháp trực tiếp cai trị người An Nam như ở Nam kỳ không phải vua quan người Nam thì dân được hưởng chế độ rộng rãi hơn.

Phạm Quỳnh, trái lại chủ trương thuyết lập Hiến. Người Pháp nên thi hành đúng Hiệp ước 1884 nghĩa là chỉ đóng vai trò bảo hộ còn công việc trong nước thì để vua quan người Nam tự đảm nhiệm lấy. Bấy giờ Phạm Quỳnh vào Huế làm quan không phải vì danh. Quốc dân biết tên Phạm Quỳnh hơn nhiều thượng thư Nam Triều. Mà cũng chẳng phải vì lợi. Đơn cử làm chủ bút Nam Phong, Phạm Quỳnh được cấp 600 đồng một tháng. Món này to hơn lương Thượng thư. Phạm Quỳnh ra làm quan chỉ đổi lấy danh nghĩa Chính phủ Nam Triều đòi Pháp trở lại Hiệp ước 1884.

Vậy là một người yêu nước như Phạm Quỳnh sở dĩ phải có mặt trên sân khấu chính trị chẳng qua là một việc miễn cưỡng trái với ý mình để khuyến khích bạn đồng nghiệp làm việc cho tốt hơn chứ thực lòng một người dân mất nước ai không đau đớn ai không khóc thầm. Thế là tôi nghĩ ra được truyện “Kép Tư Bền” tả một anh kép nổi tiếng về bông lơn đã phải vì giữ tín nhiệm với khán giả mà lên sân khấu nhà hát làm trò cười ngay cái tối cha mình đang hấp hối" (“Đời viết văn của tôi” - NXB Văn Học Hà Nội năm 1971).

Năm 1931, trước thời điểm được vời vào Huế làm quan và với cương vị chủ bút Nam Phong, nhân dịp Tổng trưởng thuộc địa Paul Reynaud qua Đông Dương kinh lý, Phạm Quỳnh đã gửi bức thư ngỏ tha thiết yêu cầu chính phủ Pháp “hãy cho chúng tôi một Tổ quốc để thờ. Vì đối với dân tộc Việt Nam, Tổ quốc đó không phải là nước Pháp!”.

 Kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết quân chủ lập hiến, Phạm Quỳnh ôm ấp hoài bão tạo thắng lợi bằng đường lối thuyết phục điều đình không bạo động! Mong vãn hồi chủ quyền quốc gia cho dù chỉ tương đối căn cứ vào phạm vi Hiệp ước Patenôte năm 1884, hầu như mọi cố gắng của Phạm Quỳnh đã trở thành bi kịch. Bi kịch ấy là hậu họa của một thứ ảo tưởng? Mặc dù ông đã manh nha đã sớm nhìn ra điều không tưởng của thuyết “Pháp Việt đề huề” từ tháng Giêng năm 1919 như ông đã viết trong chuyến thăm Nam Kỳ.

(Xem tiếp kỳ sau)

Ghi chép của Xuân Ba