Đưa điện hạt nhân vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh giúp bảo đảm an ninh năng lượng với tính khả thi cao
Mới đây, Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Để hiểu rõ hơn về những thay đổi quan trọng trong điều chỉnh này, phóng viên PetroTimes đã có cuộc trao đổi với TS Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương.
![]() |
TS Ngô Đức Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương. |
PV: Xin ông cho biết một số điểm nổi bật trong điều chỉnh Quy hoạch điện VIII?
TS Ngô Đức Lâm: Theo tôi, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII là bước đi quan trọng và kịp thời để giải quyết các vấn đề hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, giải quyết tình trạng chậm tiến độ các công trình điện lực, và bảo đảm cam kết phát thải Net Zero vào năm 2050. Cụ thể những điểm nổi bật có thể kể đến như:
Thứ nhất, tăng công suất điện và bảo đảm nguồn cung: Theo Quy hoạch điện VIII chưa điều chỉnh, công suất điện dự báo đạt khoảng 140.000 MW, phục vụ cho nền kinh tế với GDP ước tính tăng trưởng 6,6%. Tuy nhiên, nhiều dự án bị chậm tiến độ, bao gồm cả các dự án nhiệt điện và năng lượng tái tạo, dẫn đến nguy cơ không đủ công suất để phát triển kinh tế. Do đó, với mục tiêu GDP năm nay là 8% và các năm sau đạt hai con số, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đã tăng công suất điện lên 180.291 MW vào năm 2030, bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế.
Thứ hai, bảo đảm an ninh năng lượng: Trong Quy hoạch điện VIII trước đây, tính khả thi của việc phát triển năng lượng tái tạo và LNG (khí hóa lỏng) còn thấp. Để giảm phát thải, đã có sự chuyển hướng sang phát triển điện LNG thay cho nhiệt điện than, tuy nhiên, chỉ có 3/13 dự án LNG hoàn thành đúng tiến độ. Việc phát triển năng lượng tái tạo gặp khó khăn về giá cả, khiến an ninh năng lượng trở nên bị đe dọa. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã chú trọng vào việc đa dạng hóa nguồn năng lượng sơ cấp, bao gồm than, khí thiên nhiên, LNG, thủy điện, năng lượng tái tạo, và lần đầu tiên đưa điện hạt nhân vào kế hoạch. Điều này giúp bảo đảm an ninh năng lượng với tính khả thi cao. Năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, chiếm hơn 66% trong tổng công suất điện đến năm 2030.
Thứ ba, cải thiện hệ thống truyền tải điện: Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã chú ý đến việc củng cố và nâng cấp hệ thống truyền tải điện, tránh tình trạng tắc nghẽn và quá tải. Đặc biệt, các tuyến điện 500kV Bắc - Nam sẽ được đầu tư nâng cấp, giúp truyền tải điện hiệu quả hơn, đặc biệt khi điện gió và điện mặt trời phát triển mạnh.
Thứ tư, vốn đầu tư cho ngành điện: Quy hoạch điện VIII điều chỉnh yêu cầu một lượng vốn đầu tư rất lớn, trong đó 90% cho nguồn điện và 10% cho lưới điện. Để bảo đảm đủ nguồn vốn, Quy hoạch đã đề xuất đa dạng hóa các nguồn vốn, bao gồm vay vốn tín dụng, vốn vay quốc tế, vốn từ chứng khoán và mở rộng tư nhân hóa, đồng thời tháo gỡ các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các địa phương tham gia.
Thứ năm, cam kết giảm phát thải và hướng tới Net Zero 2050: Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã đưa ra các biện pháp mạnh mẽ để giảm phát thải, bao gồm việc giảm dần sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng điện hạt nhân. Những thay đổi này nhằm thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050.
PV: Như ông vừa nói, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh lần đầu tiên đưa điện hạt nhân vào kế hoạch, ông nhận định thế nào về vai trò của điện hạt nhân trong quy hoạch này?
TS Ngô Đức Lâm: Điện hạt nhân có vai trò quan trọng trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Quy hoạch đã dự kiến đưa vào vận hành 4.000-6.400 MW điện hạt nhân giai đoạn năm 2030 - 2035 và tiếp tục tăng thêm khoảng 7.000 MW trong các năm sau. So với Quy hoạch ban đầu, công suất điện hạt nhân được điều chỉnh cao hơn, lên tới 27.000 MW, để bảo đảm tăng trưởng kinh tế với GDP mục tiêu là 8% vào năm 2025 và 2 con số trong các năm sau. Điều đáng chú ý là phần lớn công suất tăng thêm sẽ đến từ năng lượng tái tạo (trên 70%), đặc biệt là năng lượng mặt trời (66%). Tuy nhiên, việc tăng trưởng năng lượng tái tạo sẽ làm tăng độ khó trong việc vận hành hệ thống điện, dễ dẫn đến mất an toàn và không bảo đảm an ninh năng lượng. Chính vì vậy, điện hạt nhân sẽ đóng vai trò là công suất nền giúp cho hệ thống điện vận hành ổn định và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
PV: Theo ông, việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII có tác động như thế nào đến các dự án điện khí LNG và điện gió ngoài khơi?
TS Ngô Đức Lâm: Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII sẽ giúp giải quyết một phần những khó khăn trong các dự án điện khí LNG và điện gió ngoài khơi.
Dự án điện khí LNG yêu cầu tổng công suất hơn 13.000 MW với 13 dự án. Tuy nhiên, do các khó khăn trong việc ký kết hợp đồng mua khí LNG, chỉ có 3 dự án được triển khai theo kế hoạch. Dự báo đến năm 2030, công suất điện khí LNG chỉ đạt 8.800 MW, phần còn lại (5.000 MW) sẽ được lùi lại sau năm 2030. Quy hoạch điện VIII đã điều chỉnh kế hoạch này để thay thế các nguồn năng lượng thiếu hụt.
Các dự án điện khí LNG chậm triển khai, chủ yếu liên quan đến việc đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) giữa chủ đầu tư dự án với EVN là tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn và giá bán điện đối với các dự án điện khí; cơ sở hạ tầng cảng nhập khẩu LNG và các vấn đề về thủ tục pháp lý. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh có thể giúp cải thiện tình hình bằng cách tạo ra một khung pháp lý rõ ràng hơn cho các dự án điện khí LNG, đặc biệt trong việc xác định các khu vực ưu tiên và đẩy mạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng liên quan. Điều này có thể giúp giảm thiểu các rủi ro liên quan đến cung cấp LNG, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư.
![]() |
Triển khai điện gió ngoài khơi gặp rất nhiều thách thức đặc biệt là liên quan đến các vấn đề về quy hoạch, kết nối lưới điện, và các thủ tục cấp phép. Ảnh minh họa |
Về điện gió ngoài khơi, Quy hoạch điện VIII đã điều chỉnh dự án điện gió ngoài khơi vì công nghệ xây dựng đắt đỏ và các thủ tục liên quan đến an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường biển còn nhiều khó khăn. Mặc dù nhu cầu công suất lên đến 17.000 MW vào năm 2035, nhưng chỉ có thể đáp ứng khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Phần còn lại (11.000 MW) sẽ được lùi lại sau năm 2030.
Thời gian qua, việc phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam cũng đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là liên quan đến các vấn đề về quy hoạch, kết nối lưới điện và các thủ tục cấp phép. Quy hoạch điện VIII có thể điều chỉnh các chính sách hỗ trợ việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, nhất là cải thiện quy trình cấp phép, xác định rõ ràng các khu vực tiềm năng và phát triển hệ thống truyền tải điện ra các khu vực ngoài khơi. Việc tháo gỡ các vướng mắc này sẽ giúp giảm bớt thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.
Tuy nhiên, dù có những điều chỉnh, vẫn cần sự quyết tâm cao trong việc triển khai các cơ chế hỗ trợ thực sự hiệu quả, đặc biệt là về vấn đề tài chính, cơ sở hạ tầng và sự đồng bộ giữa các cấp chính quyền trong quá trình thực hiện.
PV: Vậy đối với các doanh nghiệp điện, đặc biệt là đối với Petrovietnam và EVN, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh có tác động như thế nào, thưa ông?
TS Ngô Đức Lâm: Tôi cho rằng, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lực. Nó không chỉ định hướng mà còn đưa ra các chỉ tiêu phát triển cho các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng Quy hoạch điện VIII điều chỉnh không chỉ có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp mà còn có tác động rộng rãi hơn:
Đối với quốc gia, quy hoạch này bảo đảm sự phát triển kinh tế và sự vươn mình của đất nước, giúp đáp ứng nhu cầu điện năng cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Đối với các địa phương, quy hoạch sẽ tạo ra một nền công nghiệp mới, từ đó tăng thu nhập cho các địa phương. Ví dụ như tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Hà Tĩnh sẽ trở thành những trung tâm năng lượng mới, bao gồm cả năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, thủy điện tích năng, cùng hệ thống truyền tải và phân phối điện địa phương. Còn đối với riêng Petrovietnam, quy hoạch sẽ giải quyết các vấn đề vướng mắc của các dự án điện gió ngoài khơi và điện LNG, giúp thúc đẩy phát triển.
Đối với EVN - doanh nghiệp nhà nước có vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện cho phát triển kinh tế và sinh hoạt của nhân dân, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cho thấy rằng một mình EVN không thể tiếp tục "cân" tất cả, vì vai trò của doanh nghiệp tư nhân ngày càng mạnh mẽ. Hiện nay, khoảng 1/3 nguồn điện đã được xã hội hóa và doanh nghiệp tư nhân đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hệ thống truyền tải, phân phối điện tại các địa phương cũng được các doanh nghiệp tư nhân đầu tư và khai thác. Điều này tạo ra một thị trường cạnh tranh thực sự. Do đó, các luật như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Điện lực... sẽ cần được sửa đổi để phù hợp với tình hình mới. EVN cũng phải thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, chuyển mình theo xu hướng mới.
PV: Xin cảm ơn ông!
Mạnh Tưởng (Thực hiện)
-
Đưa điện hạt nhân vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh giúp bảo đảm an ninh năng lượng với tính khả thi cao
-
Chính sách năng lượng và giao thông xanh: "Cặp bài trùng" cho phát triển bền vững
-
Các Big Oil đang sai lầm về năng lượng tái tạo?
-
IEA: Cuộc cách mạng xe điện đang đi đúng hướng
-
Trí tuệ nhân tạo - Động lực cách mạng hóa ngành công nghiệp năng lượng tại Việt Nam và thế giới