Đồng tiền Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn

14:57 | 04/04/2012

4,274 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hiện nay nguồn cung ngoại tệ dồi dào khiến thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng được cải thiện tích cực.

Nhờ vậy, suốt từ 24/12/2011 đến nay, tỉ giá bình quân liên ngân hàng ổn định ở mức 20.828VND/USD, tỉ giá giao dịch của các NHTM chỉ xoay quanh mức 20.790-20.850VND/USD. Tỉ giá ổn định là cơ hội để NHNN tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã cho biết, tính đến trung tuần tháng 3 dự trữ ngoại hối tăng khoảng 30% so với cuối năm 2011.

Làn sóng hạ lãi suất cho vay lan rộng

Theo các chuyên gia kinh tế, huy động ngoại tệ suy giảm thời gian qua là do giá trị của VND được nâng lên so với USD khi mà chênh lệch lãi suất huy động giữa USD và VND là khá lớn. Cụ thể, lãi suất huy động USD tối đa chỉ là 2%/năm còn lãi suất huy động VND lên tới 14%/năm. Đặc biệt, Thống đốc NHNN đã cam kết, nếu như không có đột biến từ thị trường bên ngoài, tỉ giá năm 2012 chỉ biến động tối đa khoảng 3% đã hóa giải phần lớn tâm lý găm giữ ngoại tệ do kỳ vọng tỉ giá sẽ tăng đột biến không còn.

Dự trữ ngoại hối ở các ngân hàng tăng mạnh (ảnh minh họa)

Theo Báo cáo mới nhất về kinh tế vĩ mô – triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 3-2012 của Khối Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC, một trong những tiến bộ nổi bật của đồng Việt Nam trong thời gian qua là đã thu hẹp cán cân thương mại. Bức tranh tổng quan đã cải thiện hơn với ghi nhận một lượng nhỏ thặng dư thương mại trong tháng 1 vừa qua. Đây là lần thứ hai trong vòng 3 năm qua Việt Nam có mức thặng dư tính theo tháng… Đồng nội tệ có thể sẽ tăng sức hấp dẫn trở lại.

Bên cạnh đó, NHNN vừa ban hành Thông tư số 03/2012/TT-NHNN ngày 8/3/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/5/2012 nhằm thu hẹp đối tượng có thể vay nằm trong mục đích đảm bảo tăng trưởng tín dụng ngoại tệ phù hợp khả năng huy động. Điều này có nghĩa, tiến tới chỉ còn câu chuyện mua bán ngoại tệ chứ không có cho vay và gửi tiền nhằm hoàn thành chủ trương hạn chế tình trạng đôla hóa ở Việt Nam.

“Đó chính là những lý do khiến khá nhiều người dân và cả doanh nghiệp chuyển sang nắm giữ VND thay vì ngoại tệ”, TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN nhận định.

Thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực khiến lòng tin vào VND gia tăng cũng góp phần cải thiện đáng kể thanh khoản VND trong hệ thống ngân hàng. Đó chính là lý do lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đang có xu hướng giảm rõ rệt. Đặc biệt, làn sóng hạ lãi suất cho vay đang ngày càng lan rộng sau quyết định hạ lãi suất xuống 1% có hiệu lực kể từ ngày 13/3 của Thống đốc NHNN.

Tính đến cuối tháng 3, nhiều NHTMCP cũng đã vào cuộc mạnh mẽ. Tất cả các NHTM đều công bố hạ lãi xuất 1%. Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó tổng giám đốc OceanBank cho biết, OceanBank đã sớm áp dụng các chương trình ưu đãi, như chương trình cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân… hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, lâm – ngư nghiệp, diêm nghiệp… nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với lãi suất thấp hơn 2-3%/năm so với biểu lãi suất cho vay thông thường tại OceanBank.

Bức tranh tiền đồng đã được cải thiện

Chương trình ưu đãi lãi suất đối với các khoản vay mua nhà để ở bằng tiền công, tiền lương, hoặc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp cũng được ngân hàng đẩy mạnh. Trong tháng 3 OceanBank cũng giảm 1,5% lãi suất cho khách hàng cá nhân là phụ nữ với các khoản vay tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngân hàng vẫn tiếp tục thực hiện gói chính sách ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhiều ưu đãi về lãi suất, phí đối với các dịch vụ ngân hàng như: tài khoản thanh toán, thanh toán quốc tế, bảo lãnh ngân hàng…

Khách hàng giao dịch tại OceanBank

Tuy nhiên, báo cáo của HSBC cảnh báo có nhiều yếu tố cho thấy nhu cầu cho các khoản vay đôla Mỹ trong nước đã cao hơn do lãi suất vay tiền đôla Mỹ thấp hơn so với nội tệ. Điều này dẫn đến việc giao dịch bán giao ngay của USD/VND và các loại tiền tệ khác được thực hiện vào giữa biên độ giao dịch hàng ngày. Yếu tố này đáng lẽ cho phép NHNN nhảy vào thị trường để thu mua đôla Mỹ nhằm gia tăng lượng dự trữ ít ỏi của mình, nhưng HSBC hơi thận trọng khi dùng sự gia tăng mua này như chỉ số biểu thị sức mạnh dài hạn.

Khi những khoản vay này đáo hạn trong 3 đến 6 tháng, có thể sẽ tạo thêm nhiều áp lực lên thị trường giao ngay USD/VND ở hướng mua đôla Mỹ vì đôla Mỹ vẫn rất cần để trả nợ. Đây là trường hợp điển hình khi kim ngạch xuất khẩu không mạnh như mong đợi và các nhà xuất khẩu cần trả nợ bằng ngoại tệ đôla được mua trong thị trường giao ngay. Đồng thời, với lãi suất đồng Việt Nam đang giảm dần, sẽ không còn nhiều động cơ để vay đôla Mỹ trong tương lai, điều này tạo nên nhân tố ngắn hạn thay vì chỉ số dài hạn cho đồng Việt Nam.

Hơn thế nữa, NHNN vừa thông báo kể từ 2/5/2012 các nhà nhập khẩu sẽ không được vay bằng đồng ngoại tệ trừ khi họ đã có sẵn lượng ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất kinh doanh để trả nợ. Vì vậy NHNN cần phải bổ sung nguồn đôla Mỹ của mình trong thị trường giao ngay, điều có thể làm giảm áp lực giảm giá đồng Việt Nam…

“Mặc dù bức tranh tiền đồng Việt Nam hiển nhiên đã được cải thiện trong vài tháng gần đây, nhưng chúng tôi vẫn hơi e ngại. Vẫn còn khá nhiều rủi ro ở những mặt còn yếu hiện nay. Tuy nhiên, nếu sự cải thiện trong cán cân thương mại và lãi suất thực có thể bền vững hơn, thì đồng Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn. Chúng tôi vẫn dự báo một sự trượt giá nữa, nhưng tỉ giá USD/VND sẽ ổn định ở mức 21.500 trong trung hạn”, báo cáo nhận định.

An Thu