Đồng bằng sông Cửu Long sắp được bổ sung thêm nguồn năng lượng lớn

10:51 | 04/03/2021

5,211 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ban quản lý dự án điện lực dầu khí Sông Hậu 1 cho biết 5.000 tấn than đầu tiên đã được bốc dỡ nhập kho để chuẩn bị vận hành nhà máy bằng than.

Theo Ban quản lý dự án điện lực dầu khí Sông Hậu 1: Lô than đầu tiên được vận chuyển từ tàu mẹ về cảng nhà máy bằng tàu Trường Sa 126 có tải trọng khoảng 5.000 tấn đã được bốc dỡ với sự điều hành của bên nhà thầu. Trước đó, hệ thống cầu cảng của Nhà máy đã được các nhà thầu thực hiện các thử nghiệm không tải, hiệu chỉnh trước khi đưa vào vận hành.

Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 chuẩn bị đi vào vận hành thương mại.
Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 chuẩn bị đi vào vận hành thương mại.

Việc kịp thời đưa cảng tiếp nhận than vào vận hành là sự nỗ lực tối đa của Chủ đầu tư Ban quản lý dự án, tổng thầu và các nhà thầu phụ để kịp thời cung cấp nhiên liệu cho Nhà máy trong quá trình chạy thử bằng than theo tiến độ, bảo đảm kế hoạch vận hành thương mại của Nhà máy trong năm 2021 theo Nghị quyết của Chính phủ.

Dự kiến, đến ngày 21/3/2021 Nhà máy sẽ đốt than lần đầu lò hơi Tổ máy số 1; ngày 18/4/2021, đốt than lần đầu lò hơi Tổ máy số 2; phát điện thương mại Tổ máy số 1 dự kiến vào ngày 20/10/2021; phát điện thương mại Tổ máy số 2 dự kiến vào ngày 17/12/2021.

Theo ông Vũ Trọng Thiết, Giám đốc Ban Dự án điện Sông Hậu 1, trong quá trình thực hiện Dự án, khó khăn vướng mắc lớn nhất chính là công tác thanh toán liên quan đến phần xây dựng, lắp đặt và gia công chế tạo thuộc phần điều chỉnh giá dẫn đến các nhà thầu chỉ được tạm thanh toán với tỷ lệ thấp, trong khi chi phí nhân công, vật tư phải thanh toán cho nhà cung cấp 100% giá trị khi hàng về công trường. Vì vậy, Lilama và các nhà thầu luôn phải đối mặt với việc thâm hụt dòng tiền, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công và hoàn thành Dự án.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp ở hầu hết các quốc gia có liên quan đến nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ dự án, do đó việc không thể chủ động điều động các chuyên gia lắp đặt, chạy thử đang ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch chạy thử cũng như đánh giá thời điểm hoàn thành nhà máy.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) làm chủ đầu tư có công suất 1.200 MW với hai tổ máy, mỗi tổ máy 600 MW, tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh/năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế tỉnh Hậu Giang nói riêng và các tỉnh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Trung tâm Điện lực Sông Hậu sẽ bổ sung nguồn năng lượng lớn cho khu vực và cả nước.
Trung tâm Điện lực Sông Hậu sẽ bổ sung nguồn năng lượng lớn cho khu vực và cả nước.

Tính đến nay Petrovietnam đã đưa vào vận hành an toàn, hiệu quả 4 nhà máy nhiệt điện khí gồm: Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2 (công suất 1.500 MW), Nhiệt điện Nhơn Trạch 1 (công suất 450 MW), Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (công suất 750 MW). Đồng thời Petrovietnam đã đưa vào vận hành 3 nhà máy thủy điện gồm: Hủa Na (180 MW), Đăkđrinh (125 MW), Nậm Cắt (3,2 MW) và Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (công suất 1.200 MW).

Hiện nay, Petrovietnam đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, xử lý các vướng mắc, khó khăn để sớm hoàn thành các dự án nhiệt điện than đã được Chính phủ giao, đặc biệt là Sông Hậu 1. Đồng thời, để đảm bảo nhu cầu phát triển nguồn điện theo chiến lược đã đề ra, Petrovietnam đang đẩy nhanh công tác nghiên cứu phát triển các dự án điện khí từ nguồn nhiên liệu khí và các dự án điện khí LNG.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp