Đôi điều về đội ngự lâm quân của Tưởng Giới Thạch

14:00 | 10/01/2015

3,580 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để giữ sự an toàn cho chính mình và các thành viên khác trong gia đình, năm 1933, Tưởng Giới Thạch cho thành lập “cơ chế phục tùng”, duy trì trong suốt 54 năm (đến 1987).

Theo thời gian, “cơ chế phục tùng” càng được hoàn thiện, cơ cấu tổ chức của nó cũng được mở rộng, số nhân viên có lúc lên đến hàng trăm người và phát triển đến đỉnh cao trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Chỉ tính riêng tại nơi Tưởng Giới Thạch hay lui tới là dinh Sĩ Lâm tại Đài Bắc đã có cả một doanh trại lính bảo vệ trong đó còn bao gồm một đội quân được trang bị áo giáp và quân số lên tới gần 800 người. Trải khắp đảo Đài Loan còn có 47 dinh thự của riêng Tưởng Giới Thạch mà mỗi dinh thự đều có lính canh gác quanh năm. Như vậy, chỉ tính riêng số lượng binh sĩ bảo vệ các dinh thự đã lên đến gần 1.000 người, đấy là chưa kể số được điều động thêm khi Tưởng Giới Thạch đi thị sát các nơi.

Ngày 5/4/1975, Tưởng Giới Thạch chết do bị bệnh. Năm 1978, Tưởng Kinh Quốc chính thức kế vị chức Tổng thống khóa 6 Quốc dân đảng đồng thời cũng kế thừa luôn cả “cơ chế phục tùng” của Tưởng Giới Thạch. Trong Sơn Trang Thất Hải nơi Tưởng Kinh Quốc thường cư trú có cả một đội cảnh vệ gần 500 người. Tuy con số trên có giảm, song so với đội quân bảo vệ Tưởng Giới Thạch, dội quân này tinh  nhuệ hơn nhiều.

Đôi điều về đội ngự lâm quân của Tưởng Giới Thạch

Tưởng Giới Thạch

Chế độ tuyển chọn

Những thành viên bảo vệ cho gia đình họ Tưởng được tuyển chọn và huấn luyện rất kỹ càng và nghiêm ngặt. Thời kỳ Tưởng Giới Thạch, cứ khoảng 1 hoặc 2 năm, Cơ quan Tình báo Quốc dân đảng lại tiến hành tuyển chọn những binh sĩ khỏe mạnh, trên 20 tuổi, có lý lịch và quan hệ xã hội tốt từ quân đội Quốc dân đảng Đài Loan. Số binh sĩ qua sơ tuyển này được tập trung huấn luyện cách ly tại Trường sĩ quan Lục quân nhưng rất ít người trong số này được chọn phục vụ cho Tưởng phủ.

Trước đó, họ còn phải trải qua một thời gian dài huấn luyện hết sức khắc nghiệt: Phải học các môn như hiệp khí đạo (aikido), karate… được huấn luyện sử dụng các loại súng ống và phải đạt đến độ “bách phát bách trúng”. Ngoài ra, họ còn phải hoàn thành các tình huống được đặt ra. Ví dụ như trong nhà ăn, cán bộ huấn luyện đóng vai các phần tử khủng bố đột nhiên tập kích xem họ phản ứng thế nào để qua đó tăng cường khả năng đối phó với các tình huống bất ngờ. Họ còn phải biết rõ thói quen sinh hoạt hay tính cách của tổng thống, nắm vững một số kỹ năng phục vụ như cách trả lời tổng thống, cách cư xử với các thành viên khác trong gia đình họ Tưởng.

Nghề “Bảo vệ tổng thống” này một khi ai đã tham gia thì nhất thiết phải tuyệt đối phục tùng tổng thống, khi cần thiết phải đem cả tính mạng mình ra để đổi lấy sự an toàn cho tổng thống.

Đôi điều về đội ngự lâm quân của Tưởng Giới Thạch

Những Ngự lâm quân luôn theo sát phục dịch Tưởng Giới Thạch

Những phen kinh hồn lạc phách

Những năm 60 của thế kỷ trước, trong một dịp Tưởng Giới Thạch đi thị sát Đào Viên, khi đoàn xe đến trước một nhà hát kịch mới xây tại khu đông dân cư Tây Môn, đột nhiên một đoàn tàu hỏa chạy qua cắt ngang đoàn xe hộ tống. Chỉ là chuyện ngẫu nhiên song đã làm các nhân viên bảo vệ một phen toát mồ hôi hột. Họ lập tức xuống xe, súng ống lăm lăm trong tay vây quanh Tưởng Giới Thạch, tạo thành một bức tường người, mắt căng nhìn bốn phía đề phòng mọi bất trắc.

“Sự kiện Tây Môn” lần thứ 2 xảy ra vào tháng 12/1972. Số là Tưởng Giới Thạch cùng vợ là Tống Mỹ Linh trở về Đài Bắc sau chuyến đi thị sát, khi đi qua đường hầm trong núi Dương Minh  thuộc ngoại ô thành phố Đài Bắc, ôtô chở họ đã đâm phải một ôtô đi ngược chiều do một thiếu tướng lục quân điều khiển. Tuy Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh không bị thương, song vị thiếu tướng nọ đã bị cách chức và bị xử lý rất nghiêm.

Những khó khăn khác

Đội trưởng đội bảo vệ Tưởng Giới Thạch là người chịu khổ nhiều nhất. Trước khi Tưởng Giới Thạch dùng cơm phải nếm từng món xem”mùi vị” thế nào; phải tiếp thức ăn khi Tưởng Giới Thạch dùng bữa và chỉ được ăn khi Tưởng Giới Thạch vừa bỏ bát đũa xuống; nếu mà có việc phải ra ngoài thì đội trưởng cũng phải vác bụng đói đi theo và thường phải ăn các thứ linh tinh khác như bánh bích quy “chống đói”. Do vậy, gần hai chục người từng giữ chức đội trưởng đều bị đau dạ dày.

Đôi điều về đội ngự lâm quân của Tưởng Giới Thạch

Bữa cơm gia đình Tưởng Giới Thạch với vợ Tống Mỹ Linh

Sinh thời Tưởng Giới Thạch là người rất sạch sẽ, vệ sinh, ngăn nắp. Ông có  thói quen dậy sớm đi bộ vào buổi sáng từ phủ đệ đến công viên núi Dương Minh rồi quay lại. Đội bảo vệ thường phải dậy sớm hơn Tưởng Giới Thạch để thu dọn các thứ tạp nham trên đường như vỏ chuối, hộp kim loại… nhằm làm vui lòng tổng thống. Một lần hứng lên, Tưởng Giới Thạch lại chọn đi đường khác. Do chưa được dọn dẹp trước, nên khi phát hiện một bãi phân chó bên lề đường thì Tưởng Giới Thạch không chịu được, quắc mắt hỏi người tháp tùng: “Tại sao ở đây lại có thứ như thế này?”. Người hỏi thì tùy ngôn, song người nghe thì như có tiếng sét ngang tai không biết trả lời thế nào và từ đó về sau luôn mang tâm trạng nặng nề, không lâu sau uất ức mà chết mặc dù không bị bệnh gì cả!

Cái được cái mất

Có người cho rằng, gia nhập đội bảo vệ này mở đầu cho con đường vào giới chính trị, quân sự của Quốc dân đảng. Ví như Đội trưởng Hách Bá Thôn sau này đã leo lên đến chức Tổng tham mưu trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng thậm chí cả chức Viện trưởng Học viện Hành chính. Tuy nhiên, không phải ai cũng vậy. Về bản chất, họ chẳng khác nào gia nô của phủ tổng thống. Đội trưởng cuối cùng của Tưởng Giới Thạch - Trung tướng Bì Tôn Cảm - tổng kết: “Được danh vị, hy sinh cuộc sống, song sau này chẳng có cái gì hết”.

V.H

(Theo Sinh hoạt báo)