Doanh nghiệp Việt “lép vế” trong ngành chăn nuôi

07:00 | 02/04/2013

1,065 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc các doanh nghiệp nước ngoài thao túng thị trường thức ăn chăn nuôi ở nước ta đã được cảnh báo từ lâu. Nhưng sâu xa hơn là việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả ngành chăn nuôi trong nước. Các doanh nghiệp trong nước đang tỏ ra đuối sức trước sự lớn mạnh và nắm vai trò chi phối thị trường của doanh nghiệp nước ngoài trong ngành này.

Doanh nghiệp nước ngoài chi phối    

Dịp tết Nguyên đán vừa qua, tại TP HCM xảy ra cơn sốt mặt hàng trứng gia cầm. Lần đầu tiên các doanh nghiệp đầu mối nước ngoài công khai “làm mưa làm gió” trên thị trường, đẩy giá trứng lên một cách bất hợp lý để trục lợi, dẫn đến có thời điểm giá trứng tăng đột biến lên gần 40% gây xáo trộn thị trường, trong khi đó, giá trứng của các doanh nghiệp trong nước vẫn không tăng.

Đó là việc làm của Công ty CP (Đồng Nai) và Công ty Emivest (Bình Dương), hai doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm thị phần lớn trên thị trường trứng gia cầm đã liên tục tăng giá bán khi nhu cầu tăng cao. Chỉ trong vòng vài ngày (từ ngày 9/1 đến 11/1/2013), giá trứng gia cầm đã bị đẩy lên khoảng 8.000 đồng/chục. Theo đó, Công ty CP đã tăng giá bán trứng thêm 8.500 đồng/chục, Công ty Emivest cũng tăng giá trứng lên khoảng 7.000 đồng/chục, tạo nên cơ sốt ảo mặt hàng trứng, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Doanh nghiệp nước ngoài đang nắm vai trò chi phối thị trường trứng gia cầm

Trước tình hình thị trường trứng gia cầm trên địa bàn TP HCM bị xáo trộn, Đoàn công tác của các sở ngành TP HCM cùng Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đã đến làm việc với Công ty CP và Công ty Emivest để làm rõ nguyên nhân các công ty này tăng giá trứng một cách đột biến. Trong phần giải thích nguyên nhân tăng giá bán, cả 2 đơn vị đều viện lý do mất cân đối cung cầu. Tuy nhiên, qua số liệu và bằng chứng xác thực của đoàn công tác về tình hình cung cầu vẫn ổn định, chi phí sản xuất, giá thức ăn gia súc, giá thu mua trứng của người nông dân không tăng… Đến lúc này, cả 2 doanh nghiệp đều thừa nhận việc nâng giá trứng gia cầm đợt này là sai trái và cam kết giảm giá bán.

Tuy nhiên, qua vụ việc này chúng ta nhận thấy được khả năng chi phối thị trường của các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nay, cùng với Công ty CP, các doanh nghiệp nước ngoài đang nắm giữ 60-70% thị phần thức ăn chăn nuôi công nghiệp nước ta. Với thị phần này, các doanh nghiệp nước ngoài có thể kiểm soát và nắm quyền định giá trong ngành chăn nuôi. Trong khi đó, thức ăn chăn nuôi quyết định 70-80% giá thành sản phẩm gia súc, gia cầm. Đây chính là một trong những lý do khiến ngành chăn nuôi của nước ta bị phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài.

Doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh

Thực sự, qua vụ việc “làm giá” trứng gia cầm trên, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng tỏ rõ lo lắng vì họ đang không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài bởi chịu nhiều thua thiệt và bất lợi trong quá trình sản xuất. Trước hết là bất lợi ngay từ đầu vào do các doanh nghiệp nước ta không chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi nên phụ thuộc rất lớn vào giá thức ăn chăn nuôi. Về tín dụng, các doanh nghiệp nước ngoài cũng có lợi thế hơn khi được vay bằng ngoại tệ, vay vốn lãi suất thấp, chưa kể còn được công ty mẹ ở nước ngoài hỗ trợ về nhiều mặt.

Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực kinh tế mạnh đã đầu tư một cách bài bản trong ngành chăn nuôi nước ta, sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng cao. Điển hình như Công ty CP, gia nhập thị trường nước ta từ năm 1993, công ty này không ngừng mở rộng sản xuất, hoạt động trên cả 3 lĩnh vực gồm: Kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho lợn, gia cầm, thủy sản; nuôi lợn, gà thịt, gà đẻ trứng, thủy sản và chế biến thực phẩm; tạo nên một quy trình khép kín, thức ăn chăn nuôi được chuyển thẳng từ nhà máy đến cơ sở chăn nuôi, không phải chịu các loại thuế phí và không bị qua các khâu trung gian, góp phần hạ giá thành sản phẩm. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ta không đủ tiềm lực tài chính để đầu tư một quy trình khép kín như các doanh nghiệp nước ngoài mà chủ yếu kinh doanh nhỏ lẻ nên phải chịu thua thiệt, phải mua thức ăn chăn nuôi qua các đại lý với giá đắt vì phải gánh thêm thuế VAT, lãi suất, phí vận chuyển, phí trung gian... đã được cộng vào giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước vẫn thường đối mặt với tình trạng giá gia súc, gia cầm liên tục ở mức thấp, trong khi đó giá đầu vào tăng cao, đồng thời phải cạnh tranh với số lượng gia cầm nhập lậu tràn lan, khiến người chăn nuôi không mặn mà với nghề. Ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ trang trại chăn nuôi gà Gia Tân (Thống Nhất, Đồng Nai) cho biết: Chỉ tính riêng từ đầu tháng 8/2012 đến nay, thức ăn chăn nuôi đã tăng giá hai lần với mức tăng tổng cộng 800 đồng/kg với thức ăn đậm đặc và trên 300 đồng/kg với thức ăn hỗn hợp. Giá cám liên tục tăng cao, trong khi đó giá bán gà thấp nên các doanh nghiệp nhỏ không dám liều lĩnh trong đầu tư nuôi gà thịt cũng như gà đẻ trứng. Nhiều nông dân không còn mặn mà với việc chăn nuôi nên rút lui khỏi thị trường hoặc chuyển sang chăn nuôi gia công cho các công ty lớn vì không thể cạnh tranh.

Ngoài ra, một số ý kiến còn cho rằng, để thực hiện chương trình bình ổn giá, một số doanh nghiệp tham gia bình ổn “ép giá” nông dân để đảm bảo bán hàng theo giá bình ổn (thấp hơn giá thị trường 5-10%). Chương trình bình ổn giá mặc dù để bảo vệ người tiêu dùng nhưng thực tế cách làm còn chưa đi vào chiều sâu. Hầu hết các doanh nghiệp phân phối trứng gia cầm hiện nay chỉ đi thu gom trứng đưa về xử lý, đóng hộp để bán. Chỉ có một số ít doanh nghiệp có đầu tư chăn nuôi. Do đó, để đảm bảo bán giá bình ổn, nhiều doanh nghiệp buộc phải “ép giá” của nông dân, xu hướng này khiến người chăn nuôi chán nản, treo chuồng, thị phần rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Trước phản ánh này của người dân, bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết: Sắp tới thành phố sẽ tập trung đưa chương trình bình ổn đi vào chiều sâu, trực tiếp hỗ trợ cho người nông dân cung ứng nguồn hàng để đảm bảo nguồn hàng giá rẻ, ổn định lâu dài, có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài chứ không chỉ tập trung vào hỗ trợ cho doanh nghiệp phân phối như hiện nay.

Các chuyên gia khuyến cáo, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững cần xây dựng chuỗi sản xuất gắn kết trong ngành chăn nuôi từ khâu con giống, thức ăn chăn nuôi, đến chế biến, phân phối sản phẩm; đồng thời, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi, tránh tình trạng nâng giá bất hợp lý, hạn chế sự chi phối của các doanh nghiệp ngoại. Nếu chúng ta không có chế độ chính sách rõ ràng và có biện pháp quản lý hiệu quả thì ngành nông nghiệp được coi là thế mạnh của nước ta sẽ bị lệ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài.

Mai Phương