Điện mặt trời kêu cứu vì... “thừa điện”

15:10 | 25/02/2021

251 lượt xem
|
Tình trạng dư thừa cung càng nghiêm trọng khi cuối năm 2020, hàng loạt các nhà máy điện mặt trời quy mô nhỏ hơn 1MW, hay các cụm điện mặt trời hoà lưới đã gây ra tình trạng quá tải lưới ở khu vực đó.

Chính phủ một lần nữa yêu cầu rà soát, không để phát triển điện mặt trời chạy theo “phong trào”. Nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư điện mặt trời đã phải gửi đơn “kêu cứu” tới Thủ tướng vì nhà máy bị cắt giảm công suất.

Điện mặt trời kêu cứu vì... “thừa điện”

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty CP TTP Phú Yên - doanh nghiệp đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội (tại tỉnh Phú Yên) nhận định, năm 2021 sẽ tiếp tục là năm khó khăn xương máu với các doanh nghiệp điện mặt trời.

- Nguyên nhân cũng như tác động của tình trạng cắt giảm công suất tới doanh nghiệp cụ thể là gì, thưa ông?

TPP Phú Yên đã và đang trong tình trạng bị cắt giảm công suất. với Nhà máy điện mặt trời Hoà Hội của TPP Phú Yên chúng tôi, nhiều ngày liền bị cắt giảm công suất theo yêu cầu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), có những ngày công suất cắt giảm vào giờ cao điểm lên tới 50%. Thiệt hại ước tính khoảng 18 tỷ đồng chỉ tính riêng 4 tháng từ từ tháng 9 đến tháng 12/2020.

Việc bị buộc cắt giảm công suất điện mặt trời tạo sự bất an cho nhà đầu tư về rủi ro chính sách. Ảnh: Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội, tỉnh Phú Yên.
Việc bị buộc cắt giảm công suất điện mặt trời tạo sự bất an cho nhà đầu tư về rủi ro chính sách. Ảnh: Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội, tỉnh Phú Yên.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, mà lớn nhất là do sụt giảm nhu cầu sử dụng điện do nhiều yếu tố. Hàng năm, mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng thường mức hơn 10%. Tuy nhiên, trong năm khủng hoảng 2020 vừa qua, nhiều nhà máy sản xuất bị ảnh hưởng bởi các đợt sóng COVID-19 khiến phải hoạt động cầm chừng do đó mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng chỉ ở con số hơn 2%. Trong khi đó, công suất lắp đặt trong năm 2020 đã tăng gần 15.000 MW, khi quá nhiều nguồn cung cùng một lúc, sẽ dẫn tới dư thừa.

Đặc biệt, tình trạng dư thừa cung càng nghiêm trọng khi cuối năm 2020 vừa qua, hàng loạt các nhà máy điện mặt trời quy mô nhỏ hơn 1MW, hay các cụm điện mặt trời hoà lưới đã gây ra tình trạng quá tải lưới ở khu vực đó. Trong tuần cuối cùng của năm, tình trạng không huy động các nhà máy điện mặt trời lớn càng trở nên trầm trọng.

- Vậy chúng ta cần xem xét lại việc cấp phép các dự án điện mặt trời nhỏ từ các địa phương, thưa ông?

Mặc dù trong hợp đồng mua bán điện của EVN đều ghi rõ cam kết mua toàn bộ sản lượng điện của nhà máy năng lượng tái tạo, nhưng cũng kèm điều kiện, để tránh làm quá tải lưới, EVN mà cụ thể là A0 có trách nhiệm vận hành an toàn lưới điện ở Việt Nam. Điều này có nghĩa yêu cầu đảm bảo an toàn lưới điện là bắt buộc. Do đó, Bộ Công Thương cần cân nhắc việc tiếp tục bổ sung các dự án mới trong bối cảnh COVID-19 chưa được kiểm soát.

Những địa phương có nhu cầu phát triển kinh tế là chính đáng, tuy nhiên phải cân nhắc thời điểm bổ sung các dự án mới, có thể kéo giãn thời gian đóng điện của các nhà máy này, đặc biệt là dự án nhỏ, việc cắt giảm công suất có thể ngày thêm trầm trọng gây thiệt hại cho nhà đầu tư và sự an toàn lưới điện quốc gia.

- Doanh nghiệp có đề xuất giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn cũng như phát triển năng lượng tái tạo đúng hướng?

Bên cạnh việc xem xét kéo dài giá FIT cũng như việc bổ sung dự án mới, doanh nghiệp mong muốn sớm đẩy mạnh mạng lưới truyền tải bao gồm truyền tải quốc gia và truyền tải địa phương.

Doanh nghiệp cũng mong muốn được Chính phủ hỗ trợ trong giãn nợ, cũng như cắt giảm một số khoản thuế. Chúng tôi rất vui mừng khi Chính phủ thông qua đề xuất không mua điện từ Trung Quốc trong suốt năm 2021.

Bản thân phía Tập đoàn B.Grimm Power - đơn vị đầu tư cho Nhà máy điện Hoà Hội cũng bày tỏ quan ngại về rủi ro chính sách cộng với hiện trạng lưới điện của Việt Nam. Trong khi việc sử dụng pin dự trữ lại tốn kém và nhiều rủi ro. Chúng tôi không quan ngại về tài chính mà lại lo lắng về rủi ro chính sách. Với tất cả các nhà máy đã đưa vào vận hành, có thể thấy việc giảm công suất gây mất cân đối tài chính. Hiện nay, chưa có cơ chế hợp đồng mua giảm giá cho điện mặt trời nên vẫn là câu chuyện "thừa thì cắt bỏ".

- Xin cảm ơn ông!

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương):

Trong quá trình đầu tư xây dựng tiến độ xây dựng nhà máy điện mặt trời sẽ nhanh hơn nhiều tiến độ xây dựng công trình lưới điện, do đường dây thường kéo dài, đi qua nhiều khu vực, địa bàn nên vướng mắc trong quá trình thỏa thuận, giải phóng mặt bằng. Thêm vào đó, việc đầu tư hệ thống lưới điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải tuân theo đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn đến khó thỏa thuận với người dân. Do đó, thời gian qua quá tải một số khu vực dẫn đến một số nhà máy điện mặt trời, điện gió phải cắt giảm công suất.

Ông Diệp Bảo Cánh, Tổng giám đốć Công ty Năng lượng Mặt trời đỏ:

Điện mặt trời trong thời gian qua được khuyến khích phát triển bằng các chính sách giá, ưu đãi. Trên thực tế, nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp, nhiều người đã nắm rõ các quy định, thời hạn tiếp nhận điện mặt trời mái nhà đến 31/12/2020 nhưng vẫn hy vọng sẽ có chính sách mới. Đến thời điểm hiện tại, việc EVN dừng mua sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới những người đã xây dựng xong rồi nhưng vì chậm tiến độ mà không thể kịp hoà lưới trước ngày 1/1/2021.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp