Điện mặt trời áp mái - một hướng phát triển mới, hiệu quả

11:59 | 23/03/2020

778 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Phát triển năng lượng tái tạo được tỉnh Quảng Trị xác định là một trong những chiến lược phát triển lâu dài của tỉnh. Những năm qua, tỉnh đã tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này với các dự án lớn về điện gió ở Hướng Hóa, điện mặt trời ở Gio Linh. Và một hướng sản xuất năng lượng tái tạo hiệu quả hơn đang được ngành Công thương tỉnh Quảng Trị quan tâm triển khai thực hiện là phát triển điện năng lượng mặt trời áp mái hòa lưới cho hộ gia đình và doanh nghiệp.
Điện mặt trời áp mái - một hướng phát triển mới, hiệu quả

Điện lực Đông Hà (PC Quảng Trị) đã sử dụng thiết bị điện mặt trời áp mái. Ảnh: VTH

Quảng Trị là địa phương có tiềm năng bức xạ mặt trời lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ, nắng quanh năm, số giờ nắng trung bình khoảng 2.200 - 2.500 giờ/năm và cường độ bức xạ ổn định cao, trung bình khoảng gần 5kWh/m/ngày, là thế mạnh để phát triển bền vững điện năng lượng mặt trời. Năm 2019, Quảng Trị có nhà máy điện năng lượng mặt trời LIG-Quảng Trị với công suất 49,5MWp do Công ty Cổ phần LICOGI 13 làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng có 2 dự án điện năng lượng mặt trời đang được xây dựng với tổng công suất 100MW, đồng thời tỉnh tiếp tục cấp chủ trương cho nghiên cứu 18 dự án với tổng công suất 1.570 MW, trong đó có các dự án điện mặt trời nổi trên các hồ thủy lợi.

Sản xuất điện mặt trời áp mái hòa lưới hộ gia đình và doanh nghiệp là một hướng sản xuất hiệu quả nhờ vốn đầu tư thấp và hình thức đầu tư mang tính xã hội hóa. Hiện nay, toàn tỉnh có 77 hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái hòa lưới đã hoàn thành lắp đặt và đấu nối vào lưới điện hạ áp với tổng công suất lắp đặt là 986,56 kWp. Công ty Điện lực Quảng Trị là doanh nghiệp đi đầu trong việc đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái hòa lưới, đã lắp đặt trên mái tất cả các nhà điều hành sản xuất với 19 hệ thống, tổng công suất lắp đặt là 532,35 kWp. Các tổ chức, hộ gia đình đầu tư lắp đặt 58 hệ thống, với tổng công suất lắp đặt là 454,21 kWp.

So với điện mặt trời lắp đặt tập trung, điện mặt trời áp mái hòa lưới có nhiều ưu điểm hơn, như: không tốn diện tích đất; giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình áp thiết bị; điện mặt trời áp mái được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp, không cần đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải nên chi phí đầu tư thấp; có tác dụng làm giảm quá tải lưới điện truyền tải từ các nguồn điện truyền thống. Mô hình điện mặt trời áp mái hòa lưới phát điện phân tán đang được khuyến khích phát triển giúp làm giảm bớt quy mô các trung tâm nguồn điện, góp phần hạn chế sự cố xảy ra ở trung tâm nguồn điện lớn. Điện mặt trời áp mái có quy mô nhỏ, vốn đầu tư không nhiều, thích hợp để khuyến khích nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư kinh doanh, xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn điện.

Hơn nữa, về chính sách khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó có ưu tiên giá bán điện từ các dự án điện mặt trời là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 UScents/kWh). Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỉ giá đồng/ USD. Để khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, ngày 8/1/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg về sửa đổi một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, trong đó thay vì hộ đầu tư điện mặt trời áp mái chỉ bán phần dư của điện từ nguồn điện mặt trời áp mái như quy định trước (qua cơ chế bù trừ), thì sẽ được bán toàn bộ lượng điện sản xuất từ điện mặt trời áp mái với giá ưu tiên thông qua điện kế 2 chiều.

Tuy nhiên, đến thời điểm sau ngày 1/7/2019, cơ chế giá bán điện từ các dự án điện mặt trời đã hết hiệu lực nên các dự án điện mặt trời có thời gian đấu nối vào lưới điện từ ngày 1/7/2019 đến nay, phía Điện lực (bên mua điện) và chủ đầu tư chỉ đang ký kết biên bản tạm thời, ghi nhận sản lượng để chờ hướng dẫn ký kết hợp đồng của các bộ, ngành.

Trưởng phòng Quản lý điện năng, Sở Công thương Quảng Trị Hoàng Tiến Dũng cho biết: “Phát triển điện mặt trời áp mái mang lại nhiều lợi ích cho người đầu tư cũng như ngành điện trước nguy cơ thiếu điện. Đặc biệt, địa bàn tỉnh Quảng Trị có nắng nhiều là lợi thế để phát triển điện mặt trời áp mái. Hiện tại về mặt thế mạnh để phát triển cũng nhu cầu vốn đầu tư không quá nhiều thì nhiều gia đình, tổ chức, doanh nghiệp có thể đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là đang vướng mắc về giá bán điện, vẫn chờ hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên chưa thực sự khuyến khích hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư mạnh”.

Trước nguy cơ về thiếu điện giai đoạn 2021- 2023, Chính phủ đang xem xét để tiếp tục có cơ chế khuyến khích về giá điện cố định đối với điện mặt trời trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến hết năm 2021, nhằm thúc đẩy các dự án đã có trong quy hoạch triển khai đầu tư và một phần các dự án đã đăng ký hoàn tất các thủ tục về quy hoạch, đấu nối, chuẩn bị dự án và triển khai thi công.

Với kỹ thuật, thiết bị lắp đặt hệ thống điện mặt trời hiện nay tiên tiến, hiện đại, không gây ảnh hưởng môi trường cũng như tác động đến đời sống của người sống gần công trình, thì phát triển điện mặt trời áp mái là một lựa chọn đúng hướng về sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo phục vụ cuộc sống và tạo nguồn thu nhập cho gia đình, đơn vị khi có một cơ chế giá mua điện ổn định.

Thái Hòa - Đức Tùng (EVNCPC)

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps