Điện góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế

06:55 | 10/09/2015

502 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù là tỉnh miền núi, địa hình bị chia cắt mạnh, dân cư sinh sống không tập trung nhưng trong giai đoạn 2010-2015, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hòa Bình luôn đạt mức cao, đạt 12,5%/năm. Và trong kết quả đáng ghi nhận đó, ngành điện Hòa Bình đã có những đóng góp không nhỏ. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Lương Văn Phương - Phó giám đốc Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) về những kết quả PC Hòa Bình đã đạt được cũng như khó khăn, thách thức mà công ty đã phải vượt qua.

PV: Trước hết xin ông cho biết một cách khái quát tình hình cung ứng điện trên địa bàn tỉnh những năm gần đây?

Ông Lương Văn Phương: PC Hòa Bình là đơn vị trực thuộc của Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Công ty có 710 cán bộ, công nhân viên, quản lý vận hành lưới điện tại 11 huyện thị trên địa bàn tỉnh thông qua 11 điện lực trực thuộc.

Những năm qua, hệ thống lưới điện do công ty quản lý đã không ngừng phát triển, mở rộng, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định và liên tục cho các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Nếu như năm 2010, PC Hòa Bình có 3 trạm 110kV thực hiện việc cấp điện trên toàn địa bàn tỉnh thì đến 2015, công ty đã có 7 trạm 110kV. Như vậy, việc ổn định cung cấp điện cũng như giảm bán kính cấp điện phục vụ trên địa bàn và mức độ tăng trưởng phụ tải sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn rất là cao. Công suất cực đại của PC Hòa Bình năm 2010 vào khoảng 60MW thì đến 2015 đã lên tới 120MW.

dien gop phan chuyen dich co cau kinh te
Ông Lương Văn Phương

Còn xét về tính chất phụ tải thì cũng bằng phẳng hơn. Nếu năm 2010, công suất nhỏ nhất trên địa bàn chỉ là 20MW nhưng đến nay, nó đã ở mức 80MW. Như vậy, việc sản xuất, kinh doanh cũng như việc đáp ứng các nhu cầu phụ tải điện trên địa bàn tỉnh là tương đối đồng đều, có chiều hướng phát triển.

Về khối lượng quản lý, năm 2010, chúng tôi chỉ có 1.000 máy biến áp thì đến nay đã có 1.700 máy biến áp. Tức là mức tăng trưởng trong 5 năm qua rất là cao.

PV: Đâu là những khó khăn mà Điện lực Hòa Bình phải đối diện trong việc cấp điện cho đồng bào dân tộc, nông thôn miền núi?

Ông Lương Văn Phương: Mặc dù chỉ cách Hà Nội 70km nhưng vì Hòa Bình là tỉnh miền núi nên việc cung ứng điện gặp rất nhiều khó khăn. Đồng bào chủ yếu là người Mường, tập quán canh tác còn lạc hậu, theo lối du canh, du cư, đặc biệt là khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Ở khu vực này, Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ bà con thực hiện di dân lòng hồ và việc di chuyển đã được thực hiện đến năm 2013.

Vừa rồi, chúng tôi đã tiếp tục thực hiện đầu tư lưới điện đến những chỗ mà người dân di cư để canh tác. Công tác cấp điện của ngành điện vì thế hết sức vất vả, đầu tư rất tốn kém. Có thể kéo một trạm biến áp và 2-3km đường dây trung thế nhưng lại chỉ cấp điện được cho 30-40 hộ dân. Chính vì vậy, mức đầu tư và khó khăn đối với ngành điện là rất lớn.

Công tác thu tiền điện cũng vậy. Có những lúc anh em đến rất nhiều lần nhưng không gặp được bà con. Mà để đi thu tiền điện thì cũng rất khó khăn vì anh em phải thuê xuồng, thuê đò để đi trong lòng hồ đến các thôn bản thì mới thu được tiền điện.

Ngoài ra, vì là địa bàn miền núi nên việc di chuyển, thay thế, đầu tư, lắp đặt các thiết bị, đường dây, trạm biến áp cũng rất là khó khăn. Thậm chí, có nhiều vị trí, chúng tôi phải di chuyển cột điện bằng xuồng, bằng phà để đưa cột điện đến các điểm trong vùng lòng hồ. Việc dựng cột, kéo dây vì thế phải thực hiện trong một thời gian rất là dài. Đây là những cái khó khăn lớn nhất về công tác đầu tư, kinh doanh bán điện mà PC Hòa Bình đang đối diện.

PV: Với một địa bàn như vậy và với những nỗ lực trong việc đảm bảo cung ứng điện trên địa bàn, ngành điện nói chung và PC Hòa Bình nói riêng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương như thế nào?

Ông Lương Văn Phương: Có thể nói, trước những năm 2000, việc có điện lưới phủ đến các thôn, bản còn nhiều hạn chế. Nhưng đến năm 2013, chúng tôi đã cấp điện đến 99,96% số hộ dân. Như vậy, tất cả những điểm cơ bản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có điện. Khi có điện lưới quốc gia, các thôn bản rất là thuận lợi trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh, mở mang giao thương hàng hóa… đặc biệt, hoạt động tiểu thủ công nghiệp, kinh tế hộ gia đình. Người dân đã không phải đi xa mà ngay tại địa bàn thôn, bản có thể hưởng nhiều tiện ích từ các thành quả khoa học công nghệ mang lại.

dien gop phan chuyen dich co cau kinh te

Công nhân đóng điện trạm biến áp 110kV An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội)

Một điểm nữa, trước kia, các thôn bản, các hợp tác xã dịch vụ điện năng đã mua điện của ngành điện và bán lẻ cho người dân nên giá bán nhiều khi còn cao, tổn thất lớn vì thiếu kinh nghiệm trong quản lý, vận hành, nhiều chỉ tiêu kỹ thuật không đảm bảo. Người dân vì thế không được trực tiếp mua điện theo giá điện theo giá của nhà nước. Nhưng thời gian qua, đặc biệt là từ 2011-2014, thực hiện chủ trương của Chính phủ là tiếp nhận lưới điện nông thôn để bán điện trực tiếp đến hộ nông thôn, người dân đã được hưởng giá điện ưu đãi của ngành điện, PC Hòa Bình đã tiếp nhận 176 xã, tương đương 150 ngàn khách hàng.

Mặc dù việc tiếp nhận này đòi hỏi ngành điện đầu tư lớn, việc thi công xây dựng lưới điện vô cùng khó khăn, thiếu vốn, hiệu quả lại không cao nhưng trên tinh thần chỉ đạo của ngành điện cũng như Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, PC Hòa Bình đã hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Việc tiếp nhận lưới điện nông thôn được người dân rất ủng hộ do chất lượng điện năng, an toàn lưới điện được đảm bảo và đặc biệt là được mua điện với giá của Chính phủ, của ngành điện. Việc sử dụng điện cũng như các thiết bị điện trong sinh hoạt văn hóa được thoải mái, đảm bảo chất lượng cao.

PV: Để đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, liên tục ở một địa bàn miền núi như Hòa Bình, PC Hòa Bình đã có giải pháp gì?

Ông Lương Văn Phương: Hàng năm, Công ty đều xây dựng phương án để chủ động trong công tác quản lý, vận hành, đảm bảo kết dây cơ bản, sẵn sàng vật tư, thiết bị… và trong từng thời điểm đều có những phương án cụ thể để đảm bảo việc cung ứng điện phục vụ các hoạt động kinh tế-xã hội của địa phương. Ngay trong dịp Quốc khánh 2-9 vừa rồi, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, PC Hòa Bình đề ra những giải pháp rất cụ thể, sẵn sàng nhân lực và vật lực, quán triệt đến từng điện lực huyện, thị, túc trực 24/24 để đảm bảo vận hành lưới điện an toàn. Đặc biệt là dịp Quốc khánh, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thường tổ chức rất nhiều sự kiện văn hóa, xã hội lớn cũng như hoạt động vui chơi trên địa bàn… nên chất lượng điện, việc cấp điện luôn được đặt lên hàng đầu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Quách Công Trọng - Phó chủ tịch UBND xã Phú Cường (huyện Tân Lạc): Có điện, người dân Phú Cường vẫn trồng ngô, trồng lúa nhưng vì được tiếp cận các phương tiện truyền thông, nắm được cách làm ăn mới, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cơ cấu cây trồng thay đổi. Giống ngô địa phương, năng suất thấp được thay thế bằng các giống ngô mới, năng suất cao hơn. Trâu bò giờ cũng có chuồng, nuôi làm hàng hóa. Thu nhập của người dân vì thế đã tăng từ 8 triệu đồng/năm vào năm 2010 lên 14 triệu đồng/năm vào năm 2015.

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới số 455

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps