Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - EU: Nỗ lực thích ứng vì một tương lai bền vững
Chương trình có sự góp mặt của Phái đoàn Liên minh châu Âu, Đại sứ quán các nước thành viên EU tại Việt Nam, các địa phương, chuyên gia trong nước và quốc tế và đặc biệt là sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp.
Diễn đàn đã mở ra một kênh tương tác trao đổi toàn diện, đa chiều, bắt kịp xu hướng và biến động thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thông tin, nhanh chóng thích ứng để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).
Toàn cảnh diễn đàn |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sau 4 năm thực thi Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU liên tục tăng, từ 48,9 tỷ USD năm trước khi Hiệp định có hiệu lực lên 63,7 tỷ USD vào năm thứ 4 Hiệp định có hiệu lực, với mức tăng trưởng bình quân 7%/năm; trong đó, xuất khẩu sang thị trường EU tăng bình quân 8,7%/năm, nhập khẩu từ thị trường EU tăng bình quân 2,8%/năm. EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba và thị trường nhập khẩu lớn thứ năm của Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long khẳng định, EU là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Thứ trưởng nhấn mạnh với ưu thế lớn từ Hiệp định EVFTA và tới đây là Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi đẩy mạnh hợp tác thương mại, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, các dự án hỗ trợ từ phía các đối tác EU để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và số, trong đó có sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghệ cao trong sản xuất, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng những tiêu chuẩn của EU, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi giá trị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại diễn đàn |
Trong phần tọa đàm, các diễn giả trong nước và quốc tế cũng phân tích không ít thách thức đặt ra trước tình hình kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, cùng xu hướng tăng cường những quy chuẩn thương mại xanh, bền vững; theo đó đưa ra cảnh báo và khuyến nghị giải pháp thiết thực, kịp thời. Hàng loạt các chính sách, quy định đáng lưu ý như Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), Quy định về chuỗi cung ứng chống phá rừng (EUDR), Chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CS3D)... đi vào áp dụng được nhận định sẽ tác động đáng kể đến hoạt động thương mại, đầu tư hai Bên.
Thông qua những trao đổi quý báu của các chuyên gia, các tổ chức tư vấn cùng sự thảo luận sôi nổi của các đại biểu, diễn đàn đã phát huy vai trò một kênh đối thoại chính sách, cập nhật thông tin thị trường thiết thực, hiệu quả giữa cơ quan quản lý hai bên và cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ thiết lập mạng lưới kết nối đối tác hai bên.
P.V
-
Giá vàng hôm nay (9/12): Thị trường thế giới tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Nghiên cứu sửa đổi thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản
-
Đề xuất sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay người kinh doanh trên sàn
-
Giá vàng hôm nay (7/12): Thị trường thế giới tiếp tục lao dốc
-
Giá vàng hôm nay (6/12): Thị trường thế giới tiếp tục giảm mạnh