Điểm tin hoạt động ngành dầu khí thế giới

15:00 | 10/10/2022

665 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - PetroTimes xin gửi đến Quý độc giả những tin tức về hoạt động của ngành dầu khí thế giới.
Điểm tin hoạt động ngành dầu khí thế giới

Hoạt động tìm kiếm thăm dò

Vào đầu năm nay, Shell và Total thông báo rằng họ đã có những khám phá “quan trọng” ngoài khơi bờ biển Namibia và hiện đang thực hiện các đánh giá. Các công ty không cho biết chi tiết về số lượng được phát hiện, nhưng một nguồn tin nói với Reuters rằng phát hiện của Total là hơn 1 tỷ thùng dầu tương đương.

Ngày 5/9/2022, Shell và Công ty Dầu khí Quốc gia Malaysia - Petronas sẽ đầu tư nhằm phát triển mỏ khí đốt Rosmari-Marjoram ở ngoài khơi Malaysia. Dự án được thiết kế để sản xuất 800 triệu feet khối khí tiêu chuẩn mỗi ngày, dự kiến bắt đầu sản xuất khí đốt vào năm 2026.

Ngày 16/9/2022, Oman đã ký Thỏa thuận thăm dò và phân chia sản phẩm khí đốt với Shell Integrated Gas Oman, TotalEnergies và OQ của Oman để phát triển nguồn khí tự nhiên và condensate. Thỏa thuận nhằm mục đích thăm dò, thẩm định và phát triển các nguồn khí tự nhiên và condensate trong Lô 11.

Vào hôm 22/9/2022, ông Takele Uma - Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ và Mỏ Ethiopia thông báo: Chính phủ đã quyết định chấm dứt hợp đồng thăm dò với Công ty Dầu khí và Năng lượng xanh Poly-GCL (Trung Quốc), hoạt động từ năm 2013, tại lưu vực Ogaden nằm ở phía đông nam của đất nước.

Lukoil của Nga đã tái khẳng định kế hoạch bắt đầu khoan phát triển tại mỏ dầu Grayfera ở vùng biển Caspi của Nga trước cuối năm nay, bất chấp sức ép của các lệnh trừng phạt quốc tế đối với công ty. Theo bản trình bày trước đó của công ty, sản lượng 25.000 thùng/ngày dự kiến sẽ đạt được vào năm 2025 từ Grayfera, nơi có trữ lượng có thể thu hồi ước tính khoảng 290 triệu thùng dầu và 33 tỷ m3 khí đốt.

Hoạt động khai thác dầu khí

Các công ty dầu mỏ toàn cầu đang đổ hàng tỷ USD vào hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi. Một trong những dự án khai thác xa xôi nhất là gần Canada, nơi Tập đoàn Equinor ASA của Na Uy sắp đi đến quyết định cuối cùng về dự án Bay du Nord cách bờ biển Newfoundland và Labrador 500 km.

Nga đóng Dòng chảy phương Bắc 1 vô thời hạn và tuyên bố sẽ ngừng bán dầu cho các nước EU áp đặt giá trần. Các nước châu Âu phải chạy đua nhập khí từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Ả Rập Xê-út để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới.

Trong những tháng gần đây,một số nhà lãnh đạo châu Phi đã lên tiếng ủng hộ việc phát triển mảng khí đốt trên toàn lục địa này, vốn được coi là rất quan trọng để chống lại tình trạng nghèo năng lượng ở châu Phi.

Ngày 5/9/2022, OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu một cách khiêm tốn 100.000 thùng/ngày trước những lo lắng về giá cả trượt dốc, nhu cầu yếu ở Trung Quốc và các cuộc đàm phán với Iran.

Ngày 5/9/2022, Philippines cho biết, các cuộc đàm phán ban đầu với Bắc Kinh về khai thác khí đốt và dầu mỏ trên Biển Đông đã thất bại.

Repsol SA đã đồng ý bán khoảng 95.000 mẫu Anh (38.000 ha) đất sản xuất dầu khí ở Alberta cho Canada Pension Plan Investments do Teine Energy hậu thuẫn, ba nguồn tin quen thuộc với kế hoạch nói với Reuters vào ngày 6/9/2022.

Tại Hội nghị MSGBC Oil, Gas & Power, các quốc gia dầu khí ở Trung Phi, bao gồm Guinea Xích đạo, Cameroon, Gabon, Chad, Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Congo, đã ký một Biên bản ghi nhớ chính thức về dự án này nhằm đạt mục tiêu giảm đói nghèo năng lượng trong khu vực. Về cơ bản, từ nay cho đến năm 2030, dự án sẽ cho lắp đặt ba đường ống dẫn dầu và khí đốt có chiều dài xấp xỉ 6.500 km, nối liền giữa các quốc gia trên.

Hôm 8/9/2022, Tổng thống Đông Timor Jose Ramos-Horta đề xuất Trung Quốc tài trợ cho một dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch khổng lồ tại mỏ dầu khí Greater Sunrise, được phát hiện vào năm 1974, có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của Đông Timor.

Tập đoàn dầu khí CNOOC Limited của Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất từ một dự án phát triển mỏ dầu ở biển Bột Hải. Công ty CNOOC lên kế hoạch sử dụng 25 giếng phát triển, trong đó có 16 giếng khai thác. Theo CNOOC, dự án này dự kiến sẽ đạt sản lượng cao nhất khoảng 7.100 thùng dầu thô mỗi ngày vào năm 2023.

Công ty dầu khí lớn Repsol của Tây Ban Nha đã một lần nữa buộc phải ngừng sản xuất tại mỏ Yme ngoài khơi Na Uy do các vấn đề kỹ thuật.

Ngày 19/9/2022, TotalEnergies của Pháp thông báo trước đó họ đã đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng để khởi động một dự án khí đốt tự nhiên ngoài khơi bờ biển Tierra del Fuego, miền nam Argentina. Dự án này, bao gồm xây dựng ba giếng và một đường ống, với khoản đầu tư khoảng 706 triệu đô la, sẽ sản xuất 10 triệu mét khối khí tự nhiên mỗi ngày, Công ty cho biết.

Sản lượng khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đạt 17 tỷ mét khối trong tháng 8, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy. Trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc báo cáo sản lượng khí đốt tự nhiên là 143,7 tỷ m3, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nam Sudan đang chào bán 14 lô dầu khí mới trong nỗ lực tăng sản lượng lên mức như trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine là 350.000 thùng/ngày.

Ngày 22/9/2022, Anh đã chính thức dỡ bỏ lệnh cấm khai thác khí đá phiến được áp dụng kể từ năm 2019 bởi họ cho rằng tăng cường nguồn cung năng lượng cho đất nước phải là yếu tố được “ưu tiên tuyệt đối”.

Iraq đã bắt đầu hoạt động thử nghiệm tại nhà máy lọc dầu Karbala ở phía nam Thủ đô Baghdad, Bộ Dầu mỏ cho biết trong một thông cáo hôm 25/9/2022. Nhà máy lọc dầu này có công suất sản xuất 140.000 thùng dầu mỗi ngày, theo thông cáo.

Ngày 27/9/2022, một nguồn thạo tin cho hay Nga có khả năng đề xuất với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) về việc cắt giảm khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày tại cuộc họp sắp tới của tổ chức này.

Ngày 28/9/2022, Thủ tướng Na Uy cho biết nước này sẽ triển khai quân đội để bảo vệ các cơ sở khai thác dầu và khí đốt của mình trước sự phá hoại có thể xảy ra sau khi một số quốc gia thông báo hai đường ống dẫn khí đốt của Nga tới châu Âu đã bị tấn công.

Hoạt động lưu trữ, vận chuyển và phân phối dầu khí

Nga đóng Dòng chảy phương Bắc 1 vô thời hạn và tuyên bố sẽ ngừng bán dầu cho các nước EU áp đặt giá trần. Các nước châu Âu phải chạy đua nhập khí từ Mỹ, Trung, Ấn và Ả Rập để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới.

Theo Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang “cháy hàng”. Lợi nhuận trong năm nay tính đến ngày 2/9/2022 của hai hãng vận chuyển LNG hàng đầu thế giới Flex LNG và Golar LNG lần lượt là 48,2% và 98,1%, đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái trong nhiều lĩnh vực.

Trên một hòn đảo ngoài khơi Biển Bắc của Na Uy, một nhóm kỹ sư đang xây dựng một công trình với mục đích chôn vùi khí nhà kính dư thừa trong khí quyển. Theo hãng tin AFP, trong tương lai, hệ thống này sẽ bơm hàng tấn CO2 hóa lỏng được thu giữ từ các ống khói của các nhà máy trên khắp châu Âu xuống dưới đáy biển. Dự án ở khu đô thị phía tây Oygarden nhằm ngăn chặn khí CO2 xâm nhập vào khí quyển và làm trái đất nóng lên.

Ngày 7/9/2022, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Gazprom của Nga ngày 7/9/2022 thông báo, tính đến thời điểm hiện nay, lượng khí đốt của nước này xuất khẩu sang các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 48%, thậm chí mức giảm còn lên đến 49% nếu tính cả Anh - nước đã rời khỏi EU.

Tổng thống Vladimir Putin ngày 7/9/2022 xác nhận Nga đang thảo luận một dự án mới về cơ sở hạ tầng quy mô lớn để vận chuyển khí đốt tới Trung Quốc qua Mông Cổ.

Ngày 14/9/2022, công ty dầu khí nhà nước của Ecuador - Petroecuador cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với công ty dầu khí Trung Quốc - Petrochina về một số việc giao dầu thô. Với thỏa thuận này, 27 lô hàng dầu thô của Ecuador cho năm 2022 và 2023 sẽ được giải phóng bán ra ngoài thị trường, trong khi đó Petroecuador sẽ giao 80 lô hàng khác theo giá thị trường giao ngay cho công ty Trung Quốc.

Ngày 15/9/2022, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết nước này “sẵn sàng” cung cấp dầu khí cho thị trường toàn cầu - vốn bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Tuyên bố được đưa ra nhân chuyến thăm của Tổng Thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tới Caracas.

Ngày 17/9/2022, Ai Cập cho biết họ sẽ tăng phí vận chuyển đối với các tàu, bao gồm cả tàu chở dầu, đi qua kênh đào Suez - một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới.

Cơ quan quản lý kênh đào Suez cho biết trong một thông ngày 17/9/2022 rằng họ sẽ tăng thêm 15% vào phí đối với tàu chở dầu và các sản phẩm dầu mỏ, và 10% đối với tàu chở hàng hạng lớn và tàu du lịch.

Công ty con của Shell tại Nigeria - Shell Petroleum Development Company of Nigeria Limited (SPDC), cho biết họ đang có kế hoạch tiếp tục thử nghiệm tuyến đường ống Trans Niger.

Ngày 20/9/2022, Công ty Dầu khí Quốc gia Petroperú đã báo cáo một cuộc tấn công vào đường ống Norperuano ở vùng Loreto thuộc Nam Mỹ, gây ra sự cố rò rỉ dầu và buộc công ty lên kế hoạch khẩn cấp về môi trường. Theo đó, vết nứt dài 21 cm trên thành ống đã gây rò rỉ dầu vào sông Cuninico và sông Marañón.

Vào ngày 21/9/2022, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nigeria (NNPC) cho biết, Nigeria và ECOWAS đã quyết định mở đèn xanh cho việc phát triển dự án đường ống dẫn khí Nigeria-Morocco nhằm xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu.

Theo thông báo của Gazprom, đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia đến Trung Quốc sẽ tạm dừng hoạt động từ ngày 22/9 để bảo trì định kỳ.

Ngày 28/9/2022, Trung Quốc khởi công xây dựng đường ống thứ 4 trong khuôn khổ dự án mạng lưới đường ống lớn, vận chuyển khí đốt tự nhiên từ miền Tây sang miền Đông nước này.

Các hoạt động dầu khí khác

Angola kế hoạch hoàn tất việc bán cổ phần của Công ty Dầu khí Quốc gia Sonangol EP và Công ty kim cương Endiama trong vòng 5 năm tới.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nigeria (NNPC) đã ký hợp đồng bảo an với cựu nhóm phiến quân Tompolo để giải quyết vấn nạn trộm dầu - một phần nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cho biết ngày 6/9/2022 rằng Trung Quốc sẽ bắt đầu thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp và nhân dân tệ thay vì đô la Mỹ (USD).

Ngày 7/9/2022, Tập đoàn năng lượng quốc doanh khổng lồ ENI của Italy thông báo đã mua lại hoạt động kinh doanh của Tập đoàn dầu khí BP (Anh) tại Algeria.

Belarus và Nga đang thúc đẩy về một Hiệp ước thị trường dầu chung và sẵn sàng phê duyệt vào giữa năm 2023.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 14/9 cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ đề xuất các biện pháp nhằm giới hạn mức trần doanh thu của các công ty sản xuất điện từ các nguồn chi phí thấp và buộc các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải chia sẻ lợi nhuận có được nhờ giá năng lượng tăng cao.

Ngày 15/9/2022, Reuters và truyền thông quốc tế đưa tin Shell bổ nhiệm ông Wael Sawan làm Giám đốc điều hành thay thế ông Ben van Beurden, người sẽ từ chức vào cuối năm sau gần một thập kỷ giữ vai trò lãnh đạo Shell và 40 năm làm việc tại công ty.

Ngày 15/9/2022, Rosneft - nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu của Nga - công bố lợi nhuận ròng của họ trong nửa năm 2022 tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 432 tỷ ruble (7,22 tỷ USD), nhờ việc kiểm soát chi phí chặt chẽ.

Gentari Sdn Bhd, công ty thuộc sở hữu toàn phần của Petroliam Nasional Bhd (Petronas), đã ký 12 biên bản ghi nhớ (MoU) với đối tác trong lĩnh vực hydro quốc tế để tận dụng lợi thế về năng lượng xanh.

Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Đức (BMWK) ngày 16/9/2022 cho biết nước này đã nắm quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu lớn PCK ở Schwedt thuộc sở hữu của Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga.

Ngày 19/9/2022, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatith Donmez cho hay thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về việc thanh toán 25% nguồn cung cấp khí đốt của Nga bằng đồng ruble sẽ có hiệu lực trong tương lai gần.

Những nỗ lực của Ấn Độ nhằm đa dạng hóa giỏ năng lượng bằng cách nhập khẩu dầu thô từ các nguồn không thuộc OPEC đang mang lại hiệu quả khi nước này chuẩn bị ký các hợp đồng dài hạn để mua ít nhất 2 triệu tấn dầu thô từ Brazil của Petroleo Brasileiro SA (Petrobras) và 1 triệu tấn từ Ecopetrol SA do nhà nước Colombia điều hành.

Hai gã khổng lồ dầu khí toàn cầu - Schlumberger và Aramco, công bố ý định hợp tác và phát triển một nền tảng kỹ thuật số chuyên cung cấp những giải pháp bền vững cho các lĩnh vực công nghiệp khó khử carbon.

Công ty dầu mỏ Brazil - Petro Rio đã ký một thỏa thuận với TotalEnergies E&P Brasil để mua lại 40% cổ phần trong mỏ Itaipu thuộc Lô BM-C-32 ở lưu vực tiền muối Campos.

Theo nguồn tin trong ngành và nhiều ngân hàng, hai ông lớn dầu khí của Vương quốc Anh - Shell và ExxonMobil, đã hợp tác thiết lập thủ tục rao bán một lượng lớn tài sản khí đốt tự nhiên ngoài khơi ở miền nam Vương quốc Anh và Biển Bắc của Hà Lan.

Giá dầu

Nguồn cung dầu

Ngày 29/9, Reuters đưa tin, các nước thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) đã bắt đầu thảo luận về vấn đề cắt giảm sản lượng dự kiến được đưa ra đàm phán tại hội nghị của OPEC+ vào ngày 5/10. Các nhà phân tích đều dự đoán rằng, Nga có khả năng đề xuất với OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng khoảng 1 triệu thùng/ngày tại cuộc họp này.

Trước đó, tại cuộc họp vào đầu tháng 9, OPEC+ đã quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô ở mức 100.000 thùng/ngày (tương đương 0,1% nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới) trong tháng 10. Theo lý giải của OPEC+, quyết định này được đưa ra nhằm hỗ trợ giá dầu đang dần tuột dốc trong bối cảnh những lo ngại về nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái làm giảm nhu cầu tiêu thụ “vàng đen”.

Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ đều bày tỏ mong muốn Saudi Arabia và các đối tác OPEC bơm thêm dầu để giúp hạ nhiệt chi phí xăng, dầu và giảm tỷ lệ lạm phát của các quốc gia này. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga đã khiến giá tất cả các loại năng lượng leo thang, kéo theo lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và các ngân hàng trung ương nâng lãi suất. Mỹ đã gây áp lực đối với hai nhà sản xuất hàng đầu của OPEC là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) nhằm tăng sản lượng để giúp kìm hãm đà tăng của giá dầu. Song, với quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, có thể thấy OPEC+ đã quyết định phớt lờ sức ép và những lời kêu gọi của Mỹ và các nước phương Tây, để tiếp tục hướng tới giữ giá dầu ở mức cao.

Nhu cầu dầu

Trong báo cáo hàng tháng công bố ngày 13/9, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2022 và 2023, nhờ các nền kinh tế chủ chốt đang hoạt động tốt hơn dự kiến.

OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2022 và 2023 sẽ ở mức lần lượt là 3,1 triệu thùng/ngày và 2,7 triệu thùng/ngày, không đổi so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng trước. Bên cạnh đó, tổ chức này cũng dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay và năm 2023 sẽ lần lượt ở mức trung bình 100 triệu thùng/ngày và 102,73 triệu thùng/ngày.

Sau đó, ngày 14/9, trong báo cáo thị trường dầu mỏ được công bố hằng tháng, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu tiếp tục giảm tốc do tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và việc Trung Quốc liên tục áp đặt các biện pháp phong tỏa để phòng dịch COVID-19.

IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ tăng thêm 2 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm nhẹ so với mức dự báo 2,1 triệu thùng/ngày được đưa ra trước đó. Tổng nhu cầu ước tính đạt mức 99,7 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và sẽ phục hồi về mức 101,8 triệu thùng/ngày như trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát nếu Trung Quốc mở cửa trở lại.

IEA cho biết, lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu ( EU) đối với nhập khẩu dầu thô và sản phẩm của Nga có hiệu lực vào tháng 12/2022 và tháng 2/2023, dự kiến sẽ dẫn đến sự sụt giảm sâu hơn về nhu cầu dầu toàn cầu.

Giá dầu

Trong tháng 9, giá dầu thế giới có giai đoạn lao dốc không phanh, mất mốc 80 USD/ thùng, về mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022. Tính từ đầu quý 3 đến nay, giá dầu thô đã giảm hơn 22% trong bối cảnh thị trường lo ngại rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng hiện hữu hơn, kéo theo đó là triển vọng tiêu cực đối với nhu cầu sử dụng dầu thô.

Tuy nhiên, giá dầu đã tăng trở lại tương đương khoảng 4%, lên mức cao nhất trong 5 tuần và được hỗ trợ một lần nữa bởi quyết định của OPEC+ về việc cắt giảm nguồn cung 2 triệu thùng/ngày lớn nhất kể từ năm 2020 bất chấp lo ngại về khả năng suy thoái và lãi suất tăng.

Hiện một số chuyên gia phân tích cho biết giá dầu thô có thể đang ở mức đáy khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc có dấu hiệu tăng trở lại và việc Hoa Kỳ xả bán dầu từ kho dự trữ chiến lược (SPR) sắp kết thúc. Giới chuyên gia nhận định giá dầu có khả năng quay trở lại đạt 100 USD.

Bản tin Năng lượng Quốc tế 10/10: Đức có thể không tránh được tình trạng Bản tin Năng lượng Quốc tế 10/10: Đức có thể không tránh được tình trạng "khẩn cấp" về năng lượng
Bản tin Năng lượng Quốc tế 5/10: Không có biện pháp khắc phục nhanh nào cho thị trường dầu mỏ thắt chặt Bản tin Năng lượng Quốc tế 5/10: Không có biện pháp khắc phục nhanh nào cho thị trường dầu mỏ thắt chặt

Bình An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc