Đầu tư điện mặt trời áp mái: Cẩn trọng lựa chọn nhà cung cấp 1

18:55 | 26/05/2020

4,438 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhiều hộ gia đình đã chọn giải pháp đầu tư điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) để giảm được hóa đơn tiền điện và sinh lời nhờ bán điện dư thừa. Nhưng trên thực tế, không phải sự đầu tư nào cũng mang lại hiệu quả như mong đợi.
dau tu dien mat troi ap mai can trong lua chon nha cung cap
Một hộ gia đình ở Đà Nẵng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái

Một hộ dân tại Hà Nội đầu tư hệ thống ĐMTAM công suất 3 kWp, chi phí khoảng 80 triệu đồng, hy vọng có thể giảm bớt hóa đơn tiền điện hằng tháng và bán điện dư thừa cho ngành điện. Tuy nhiên, khi vận hành thực tế, lượng điện sản sinh không như kỳ vọng, lại thường xuyên gặp phải các lỗi thiết bị.

Thực tế, không ít người dân gặp phải sự cố tương tự do hệ thống ĐMTAM hoạt động không hiệu quả, có nguy cơ không bù đắp được chi phí đầu tư.

Anh Nguyễn Thanh Phong, nhân viên kỹ thuật Công ty Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK) cho biết, để một hệ thống ĐMTAM hoạt động hiệu quả, cần khảo sát kỹ từ vị trí, thời tiết, nhu cầu sử dụng... Người dân nên lựa chọn nhà cung cấp có uy tín, đội ngũ tư vấn am hiểu sâu các vấn đề kỹ thuật để tránh tình trạng hệ thống ĐMTAM hoạt động kém hiệu quả. Người dân cần cẩn thận với các nhà cung cấp chỉ báo giá 1 phần, chưa cộng thuế GTGT và các phụ phí liên quan cũng như phí duy trì hằng năm; cẩn trọng với những lời chào mời hấp dẫn như hoàn vốn chỉ từ 1-2 năm, giá quá rẻ so với giá thị trường; xem xét kỹ thông tin nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành điện để được cấp công tơ điện 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện; cân nhắc khi lựa chọn nhà cung cấp mới thành lập, vì những đối tượng này dễ rút chân khỏi thị trường để từ bỏ trách nhiệm bảo hành.

Ngoài ra, để tránh ăn “bánh vẽ” từ cách tính hoàn vốn của nhà cung cấp, người dân nên biết, tùy vào mỗi khu vực, ĐMTAM sẽ có hiệu quả khác nhau. Công thức tính hoàn vốn ĐMTAM là: Sản lượng hệ thống sản sinh (kWh) = công suất của hệ thống (kWp) x hệ số giờ nắng (h).

Ví dụ, một hộ gia đình tại miền Nam sử dụng hệ thống ĐMTAM nối lưới công suất 2,64 kWp; hệ số giờ nắng ở miền Nam khoảng 4 giờ/ngày. Theo công thức trên, trung bình mỗi ngày hệ thống sản sinh được 10,56 kWh, tính ra 1 tháng sẽ có khoảng 316,8 kWh cung cấp cho phụ tải trong nhà, có thể sẽ không phải chịu bậc giá điện cao nhất. Tùy theo số điện tiêu thụ hằng tháng mà người dân sẽ tính ra chi phí tiết kiệm được và thời gian hoàn vốn.

Đáng chú ý, mức giá 1.943 đồng/kWh (tương đương 8,38 cent/kWh) đối với ĐMTAM được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Người dân sử dụng ĐMTAM không chỉ giảm được một phần lớn chi phí điện năng mà còn đẩy nhanh thời gian hoàn vốn và tối ưu phần sinh lợi sau đó. Tuy nhiên, người dân nên tìm hiểu kỹ trước khi lắp đặt ĐMTAM để bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Mai Phương