Dầu mỏ - Công cụ chi phối chiến lược địa chính trị

08:00 | 22/03/2019

40,579 lượt xem
|
(PetroTimes) - Dầu mỏ là một nguồn năng lượng quan trọng, không tái sinh. Từ nhiều thập niên qua, xung quanh ngành công nghiệp dầu mỏ là các cuộc đấu tranh giành tiền bạc và quyền lực làm rung chuyển kinh tế thế giới, làm thay đổi vận mệnh của nhiều quốc gia, dân tộc, gây ra nhiều cuộc xung đột đẫm máu... Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, xung quanh vai trò của ngành Dầu khí và sự cần thiết phát triển công nghiệp dầu khí Việt Nam trong bối cảnh mới.

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của dầu mỏ trong nền kinh tế thế giới, thưa giáo sư?

dau mo cong cu chi phoi chien luoc dia chinh tri
GS Nguyễn Quang Thái

GS Nguyễn Quang Thái: Chúng ta biết rằng, từ khi được phát hiện đến nay, dầu mỏ đã đóng vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế, tiền bạc và quyền lực trên thế giới. Từ cuối thế kỷ XIX cho đến nay, dầu mỏ đều ít nhiều là tác nhân gây nên những cuộc tranh giành quyền lực, dẫn đến những cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới, kể cả hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX.

Còn nhớ, vào khoảng năm 1970, kinh tế thế giới, nhất là ở những nước công nghiệp tiên tiến, đã rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng do dầu đột ngột tăng giá. Từ đó tới nay, những biến động về giá dầu đã trở thành mối quan tâm hằng ngày, hằng giờ. Giá dầu trở thành “hàn thử biểu” của sự phát triển nền kinh tế toàn cầu và hầu như mọi ngành công nghiệp đều chịu tác động rất lớn bởi những biến động của nguồn tài nguyên quý giá này. Quả thực, nhiều người có cảm tưởng sự tồn vong và phát triển của thế giới hiện nay phụ thuộc phần lớn vào các nguồn tài nguyên, chủ yếu là dầu mỏ và khí đốt - nguồn năng lượng mà theo thống kê, hiện chỉ còn 30-35% nguồn dự trữ đã được phát hiện. Dự báo, với tốc độ sử dụng hiện nay, dầu mỏ sẽ cạn kiệt sau khoảng 30-40 năm nữa.

Nằm trong bối cảnh chung đó, Việt Nam cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng sâu sắc từ những biến động trong ngành dầu mỏ.

PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, dầu mỏ là công cụ chi phối chiến lược địa chính trị và sự tồn vong, phát triển của thế giới hiện nay phụ thuộc phần lớn vào các nguồn tài nguyên, chủ yếu là dầu mỏ, khí đốt, giáo sư bình luận gì về điều này?

GS Nguyễn Quang Thái: Các học giả từng tổng kết, dầu mỏ là ngành sản xuất kinh doanh lớn nhất và toàn diện nhất thế giới trong số các ngành công nghiệp vĩ đại từng xuất hiện trong mấy thập niên cuối thế kỷ XIX…

Sự bành trướng của dầu mỏ là hiện thân cho sự phát triển của thương mại, thị trường, chiến lược kinh doanh, những thay đổi về công nghệ, sự thay đổi của các nền kinh tế quốc gia và quốc tế trong thế kỷ XX.

Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho PVN phát triển theo sát các bước phát triển của đất nước; cần tạo hành lang rộng và “mềm” để các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí có thể chủ động, linh hoạt, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Lịch sử dầu mỏ đã chứng kiến sự ra đời của nhiều hợp đồng và nhiều quyết định quan trọng - do các cá nhân, công ty và các quốc gia thực hiện. Không ngành kinh doanh nào có thể định nghĩa rõ ràng và chính xác ý nghĩa của rủi ro và lợi ích, tầm quan trọng của cơ hội và số phận có phần “bếp bênh” như ngành dầu mỏ.

Chúng ta cùng nhìn lại, từ địa vị chưa mấy được chú ý vào đầu thế kỷ XX, dầu mỏ, với tư cách một nhân tố tạo nên sức mạnh quốc gia, đã khẳng định tầm quan trọng của nó ngay trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi những chiếc máy bay chạy bằng động cơ đốt trong soán ngôi của các phương tiện di chuyển dùng ngựa và than. Đến giữa thế kỷ XX, rất ít người còn hoài nghi về vai trò không thể thiếu của dầu mỏ trong cán cân năng lượng toàn cầu. Nửa cuối của thế kỷ XX, thế giới chứng kiến sự bứt phá và chiếm lĩnh vị trí thống soái của dầu mỏ và khí thiên nhiên với nền công nghiệp và dịch vụ, bỏ xa nhiên liệu hóa thạch truyền thống là than đá.

Và đến nay, những năm đầu của thế kỷ XXI đang đánh dấu sự vươn lên ngoạn mục của dầu mỏ và khí đốt khi các quốc gia giàu hai nguồn tài nguyên này dường như đang có khả năng khuynh đảo ít nhất là một phần của thế giới văn minh bằng cách đóng hay mở các giếng dầu hoặc các đường ống dẫn khí, dù các dạng năng lượng mới đang xuất hiện mạnh mẽ.

Như vậy, nói sự tồn vong và phát triển của thế giới hiện nay phụ thuộc phần lớn vào các nguồn tài nguyên, chủ yếu là dầu mỏ, khí đốt và than đá cũng không sai. Ngay cả nguồn lương thực của chúng ta, dù là sản phẩm của ngành nông nghiệp, cũng phụ thuộc không ít vào các nguồn tài nguyên dầu khí này với tư cách là nguyên liệu sản xuất hoặc nhiên liệu cho động cơ, máy móc.

Vùng Trung Đông, Trung Á, Bắc Phi và Mỹ Latinh, những nơi có trữ lượng dầu lớn nhất cũng là nơi có nhiều điểm nhạy cảm nhất, tiềm ẩn những bất ổn về an ninh chính trị của thế giới trong nhiều năm. Không ai có thể dự đoán được sự mất ổn định ở những vùng này bao giờ mới có hồi kết chừng nào dầu mỏ vẫn còn là đối tượng, cũng là công cụ hết sức nhạy cảm và hữu hiệu trong các tranh chấp quốc tế dù dưới bất kỳ hình thức gì, sắc tộc, tôn giáo hay hệ tư tưởng, chế độ chính trị.

dau mo cong cu chi phoi chien luoc dia chinh tri

PV: Giáo sư đánh giá thế nào về vai trò và ý nghĩa của ngành Dầu khí đối với nền kinh tế Việt Nam?

GS Nguyễn Quang Thái: Dầu mỏ và khí đốt có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế toàn cầu, cũng như đối với từng quốc gia. Ngành Dầu khí luôn là ngành mũi nhọn của các quốc gia, cung cấp nguồn nguyên liệu quan trọng nhất cho xã hội hiện đại, đặc biệt là để sản xuất điện và nhiên liệu, ngành Dầu khí còn cung cấp đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như hóa chất, phân bón và nhiều ngành khác - trở thành ngành nhiên liệu - năng lượng quan trọng, cần thiết đối với đời sống xã hội. Ngành Dầu khí mang lại lợi nhuận “siêu ngạch” cho các quốc gia sở hữu, chi phối và tham gia trực tiếp kinh doanh nguồn tài nguyên dầu khí.

Đối với Việt Nam, vai trò và ý nghĩa của ngành Dầu khí càng trở nên quan trọng trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đảng và Nhà nước đã định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí một cách đồng bộ, bao gồm các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối, dịch vụ và xuất, nhập khẩu… Trong những năm khởi đầu công cuộc đổi mới, khi nguồn ngân sách còn eo hẹp, thu từ dầu khí trở thành nguồn thu có tỷ trọng rất lớn trong thu ngân sách. Đến nay, nguồn thu này đã giảm về quy mô và tỷ trọng, nhất là khi việc tìm kiếm các mỏ dầu mới ở ven bờ thêm khó khăn, dù dầu khí vẫn là 1 trong 6 ngành mũi nhọn của kinh tế biển theo Nghị quyết 36/NQ/TW năm 2018. Công nghiệp chế biến dầu khí và sản xuất điện cũng đang được phát triển, làm đa dạng thêm sản phẩm từ ngành tài nguyên quan trọng này.

Mặc dù gần đây đã phát hiện một số sai sót và cả hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý các hoạt động khai thác và chế biến ở ngành Dầu khí, nhưng đây là sai sót và vi phạm của các cá nhân riêng lẻ. Còn nỗ lực của toàn ngành là rất đáng trân trọng, như đánh giá mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sau bước thăng trầm, ngành Dầu khí phải trở lại là động lực phát triển.

PV: Là một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, giáo sư có quan điểm như thế nào về hoạt động của một tập đoàn kinh tế Nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)?

GS Nguyễn Quang Thái: Từ khi Việt Nam được xếp vào hàng ngũ các nước xuất khẩu dầu thô đến nay, ngành Dầu khí Việt Nam đã trải qua một chặng đường đầy khó khăn, nhưng đã đạt được những thành tựu đáng kể với những bước phát triển vượt bậc cả chiều rộng và chiều sâu, thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, trụ cột hàng đầu và có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm qua, tổng doanh thu của PVN đạt hơn 626 nghìn tỉ đồng, vượt 18,1% kế hoạch năm 2018, tăng 25,9% so với năm 2017. Nộp ngân sách Nhà nước toàn PVN đạt trên 121 nghìn tỉ đồng, vượt 64,3% kế hoạch năm, tăng 24,3% so với năm 2017.

Nghị quyết 41-NQ/TW đã mở ra một vận hội mới, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của PVN. Nhiệm vụ cần phải làm hiện nay là phải tạo nên một động lực mới trong quá trình phát triển lâu dài của PVN, xứng đáng với truyền thống của ngành Dầu khí.

Trên cơ sở truyền thống nhiều năm và thành tích năm qua, Đảng và Nhà nước đã định hướng xây dựng PVN thành “đầu tàu” phát triển nền kinh tế, là một công cụ tham gia điều tiết vĩ mô của Chính phủ, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững và tham gia tích cực vào công tác an sinh xã hội; đồng thời đưa PVN trở thành một tập đoàn kinh tế có uy tín và thương hiệu mạnh của Việt Nam và khu vực, là hình mẫu doanh nghiệp Nhà nước tốt nhất, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế, đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh.

Được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao trọng trách tìm kiếm, quản lý, giữ gìn, khai thác, phát huy giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của đất nước, ngành Dầu khí đã phát hiện và đưa vào khai thác nhiều mỏ dầu khí, góp phần rất quan trọng cho sự ổn định, phát triển nền kinh tế quốc dân, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ngành Dầu khí Việt Nam cũng đã ứng dụng nhiều công nghệ cao để nâng cao hiệu quả khai thác dầu khí, tích cực mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia có hiệu quả bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông và giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Vị thế và vai trò, thương hiệu và uy tín của PVN ngày nay đã được khẳng định ở tầm cao mới, kể cả ở trong nước và ở nước ngoài.

dau mo cong cu chi phoi chien luoc dia chinh tri

Qua theo dõi, tôi cũng được biết, với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển, có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao, PVN hiện nay là doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật công nghệ và quản lý trình độ cao, không ngừng lớn mạnh cả về chất và lượng, đã thực hiện được hầu hết các công việc, từ nghiên cứu - triển khai, tư vấn - thiết kế, đến sản xuất, kinh doanh trong toàn bộ chuỗi giá trị của công nghiệp dầu khí từ hoạt động thượng nguồn đến hạ nguồn, đóng góp rất quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

PV: Theo giáo sư, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang tồn tại nhiều thách thức đối với công nghiệp dầu khí, chúng ta cần làm gì để tạo nên một động lực mới cho PVN phát triển bền vững?

GS Nguyễn Quang Thái: Mọi người đều biết, ngành Dầu khí có những bước thăng trầm và hoạt động có nhiều rủi ro một phần phụ thuộc vào giá dầu thế giới và tình trạng cung - cầu toàn cầu, trong đó có vai trò khống chế giá cả và lượng cung của OPEC và một số nước sản xuất dầu khí lớn.

Trong bối cảnh rất nhiều thách thức đối với công nghiệp dầu khí toàn cầu khi giá dầu suy giảm kéo dài, để giúp ngành Dầu khí Việt Nam vượt qua khó khăn, hoạt động năng động, hiệu quả hơn, thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ trọng yếu xây dựng và phát triển trong giai đoạn tới, ngày 23-7-2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

Nghị quyết nêu rõ trọng tâm của ngành Dầu khí trong giai đoạn mới là tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; trong đó tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, cần phải được quan tâm chú trọng, tăng cường đầu tư phát triển không chỉ ở trong nước mà vươn ra nước ngoài.

Tôi nghĩ rằng, Nghị quyết đã mở ra một vận hội mới, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của PVN. Nhiệm vụ cần phải làm hiện nay là phải tạo nên một động lực mới trong quá trình phát triển lâu dài của PVN, xứng đáng với truyền thống của ngành Dầu khí. Được biết, PVN hiện đang quyết liệt triển khai công tác tái cấu trúc, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Tôi cho rằng, trong thời gian tới, thị trường dầu khí vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động khó lường, PVN bên cạnh việc cổ phần hóa, tái cấu trúc về tổ chức, nhân sự, tái cấu trúc đầu tư phù hợp theo ưu thế, cơ hội, thách thức của từng lĩnh vực, cần tăng cường nghiên cứu, lựa chọn, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường; đồng thời, xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, phù hợp với từng bước phát triển đất nước. Đặc biệt cần quan tâm xây dựng năng lực quản trị doanh nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế, nâng cao hiệu quả quản trị danh mục đầu tư, quản trị chi phí, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và quản trị nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là công tác quản trị rủi ro.

Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho PVN phát triển theo sát các bước phát triển của đất nước; cần tạo hành lang rộng và “mềm” để các doanh nghiệp trong ngành Dầu khí có thể chủ động, linh hoạt, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài; dành nguồn lực phù hợp, trước hết là bảo đảm nguồn vốn cho PVN thực hiện các mục tiêu chiến lược; phát triển ngành Dầu khí Việt Nam gắn liền với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh - đối ngoại, bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh năng lượng.

PV: Trân trọng cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi này!

Nguyễn Tiến Dũng