Đầu độc trẻ bằng đồ chơi Trung Quốc nhiễm độc

09:15 | 08/01/2014

2,077 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thị trường đồ chơi trẻ em hiện nay đa phần là nhập từ bên ngoài trong đó chủ yếu là Trung Quốc, tuy nhiên việc quản lý và giám sát mặt hàng này hiện vẫn rất lỏng lẻo.

Tràn lan đồ chơi nhiễm độc

Thời gian qua, mặc dù thông tin về đồ chơi của Trung Quốc bị phát hiện chứa chất độc như búp bê trái cây, bóng bơm hơi… được cơ quan chức năng phát hiện, tuy nhiên trên thị trường vẫn bày bán các loại đồ chơi này.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/012014/07/15/IMG_1777.jpg

Sản phẩm búp bê đầu trái cây bị phát hiện nhiễm phthalate

Điển hình là tại thị trường TP HCM, các sản phẩm búp bê đầu trái cây và bóng bơm hơi vẫn được bán phổ biến tại nhiều tuyến phố. Trong đó, tập trung ở khu vực quận Tân Phú, quận Bình Thạnh, Tân Bình…

Tại một cửa hàng đồ chơi trên đường Phan Đình Phùng (quận Tân Phú), sản phẩm búp bê đầu trái cây vẫn được chủ hàng bày bán với giá từ 100 - 120 nghìn đồng/con. Khi được hỏi về thông tin sản phẩm này có chứa chất độc, chủ cửa hàng cho biết không nghe thông báo gì, thấy có người mua nên vẫn bán.

Tương tự, tại một cửa hàng chuyên bán đồ chơi trẻ em tại đường Hậu Giang (quận Tân Bình), mặc dù không thấy bán búp bê hình trái cây, nhưng ở đây vẫn bán loại búp bê làm từ chất liệu nhựa dẻo y hệt búp bê hình trái cây. Đây là nguyên liệu được cơ quan chức năng phát hiện bị nhiễm phthalate vượt quá quy chuẩn .

Theo cơ quan chức năng, chất phthalate được sử dụng trong quá trình sản xuất nhằm làm dẻo sản phẩm. Đây là chất được xác định có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormone của cơ thể con người. Đối với trẻ em, nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng là rất cao. Do ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nên chất này đã được nhiều nước cấm dùng trong sản xuất.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đa phần các sản phẩm búp bê trái cây này được lấy từ những người chuyên chạy hàng từ Trung Quốc về thành phố, một số khác thì lấy từ chợ Bình Tây (quận 6).

Theo thông tin này, chúng tôi đã đến chợ Bình Tây. Tại đây có rất nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em được bày bán. Trao đổi với các chủ hàng, chúng tôi được biết có đến 90% đồ chơi được bày bán trên thị trường là được nhập từ Trung Quốc. Điều đáng nói là các sản phẩm này đều có nhãn mác không rõ ràng. Tất cả chỉ được dán nhãn CR biểu thị chứng nhận bảo đảm chất lượng, nhưng các nhãn mác này rất thô sơ. Người bán có thể lấy nhãn từ sản phẩm này đem đi photo, rồi dán lên sản phẩm kia.   

Quản lý lỏng lẻo

Với tình hình thị trường đồ chơi trẻ em trong nước hiện nay, có thể thấy vấn đề nằm ở sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng đã ra khuyến cáo thu hồi sản phẩm, nhưng trên thị trường vẫn còn bày bán rất nhiều sản phẩm đồ chơi nhiễm độc. Không riêng gì búp bê trẻ em hay bóng bơm hơi mới được phát hiện có chứa phthalate, mà trước đó sản phẩm thú nhún và xe đồ chơi điều khiển bằng pin MH9996M cũng đã bị thu hồi do nhiễm chất phthalate, hiện vẫn được nhiều nơi bày bán.

Việc phát hiện và lấy mẫu kiểm tra các sản phẩm đồ chơi nhập ngoại hiện nay còn rất chậm. Cụ thể như việc phát hiện búp bê đầu trái cây bị nhiễm chất phthalate. Trước khi thông tin này đưa ra, vào tháng 4/2013 đã có 2.000 sản phẩm nêu trên của Trung Quốc bị Mỹ tịch thu do phát hiện nhiễm chất tương tự. Tuy nhiên, Việt Nam lại phát hiện quá muộn, để cho sản phẩm tràn lan vào thị trường mới phát hiện ra.

Theo ông Trần Văn Xiêm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam: Khó khăn hiện nay là do kinh phí và nguồn cán bộ của chúng ta còn rất ít, nên việc kiểm tra, cũng như giám sát các sản phẩm có chứa chất độc hay không còn khá chậm. Vì vậy, dù việc kiểm tra đồ chơi trẻ em chứa chất độc thường xuyên được tiến hành, nhưng kết quả thu được vẫn chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, do người dân chưa ý thức được tác hại của việc mua bán các sản phẩm chứa chất độc hại này.

Cũng theo ông Xiêm, có không ít các sản phẩm đồ chơi trẻ em được vận chuyển trái phép qua biên giới. Vì vậy, để việc quản lý mặt hàng này được tốt thì ngay từ ban đầu cần phải đẩy mạnh việc kiểm tra tại các cửa khẩu, kiên quyết không để các sản phẩm này tràn vào thị trường.

“Hiện nay, chúng tôi đã yêu cầu đội quản lý thị trường các quận, huyện, cùng cơ quan chức năng địa phương tham gia vào việc rà soát kiểm tra các điểm kinh doanh đồ chơi trẻ em, nhằm nhanh chóng phát hiện và tịch thu các sản phẩm nhiễm chất độc hại này” - ông Xiêm cho biết.

Thùy Trang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc