Đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe: Chặt chẽ, nghiêm khắc, sát thực tiễn

06:50 | 08/07/2019

528 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trước tình trạng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thời gian qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tăng nhiều câu hỏi lý thuyết trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, nhằm tăng cường kiến thức về pháp luật giao thông cho người học lái xe, dự thảo đã tăng câu hỏi lý thuyết từ 450 câu lên 600 câu. Trong 600 câu này sẽ có 100 câu hỏi dạng “liệt”. Theo đó, nếu thí sinh làm đúng tất cả câu hỏi, nhưng trả lời sai câu hỏi “liệt” này thì sẽ trượt và hủy kết quả thi lý thuyết. Với 100 câu hỏi dạng “liệt” thì mỗi bộ đề thi sẽ có 1 câu hỏi liệt.

chat che nghiem khac sat thuc tien
Thi sát hạch lý thuyết lái xe ôtô

Dự thảo nhằm nâng cao chất lượng, kỹ năng của người lái xe, chú trọng kiến thức pháp luật khi tham gia giao thông. Ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho hay, việc đổi mới bộ câu hỏi sẽ bám sát thực tế, bảo đảm dữ liệu ngân hàng câu hỏi phù hợp với điều kiện địa lý, dân trí và quy định hiện hành để áp dụng cho sát hạch lý thuyết; bổ sung câu hỏi liên quan đến các tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Đặc biệt, có một số câu hỏi mang tính đặc thù, sát với thực tiễn liên quan đến một số hành vi gây hậu quả nghiêm trọng như vượt đường sắt, chuyển làn không xi nhan, phóng nhanh vượt ẩu...

Ông Thống nói: Bộ đề đã được lấy ý kiến của các Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và các trung tâm đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe và đã được Bộ GTVT chấp thuận. Sau khi bộ đề được phát hành, sẽ xây dựng phần mềm và chuyển giao cho các Sở GTVT, trung tâm đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe. Nhanh nhất thì sau 3 tháng nữa học viên mới có thể được làm quen trước khi tổ chức sát hạch chính thức.

Mặc dù tăng lên 600 câu hỏi lý thuyết, nhưng trong quá trình học hoặc thi sát hạch, người thi chỉ việc trả lời đáp án “đúng” hoặc “sai”, không phải giải thích. Ông Lê Văn Đại - Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề, Công ty CP Vận tải ôtô số 2 - đánh giá: Việc không đưa ra các câu hỏi quá dài hoặc câu trả lời có nhiều ý trả lời “đúng” hoặc “sai” trong cùng một câu sẽ giúp người học, thi dễ nắm bắt kiến thức hơn và dễ trả lời câu hỏi, phù hợp với trình độ thực tế của họ.

Ông Thống cho biết thêm, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ôtô và dịch vụ sát hạch lái xe, để nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý, giám sát các cơ sở đào tạo lái xe, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã bổ sung phần mềm sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông; lắp đặt camera giám sát lý thuyết, lắp đặt thiết bị giám sát trên xe để giám sát thời gian và quãng đường học lái xe theo lộ trình; bổ sung quy định cơ sở đào tạo phải sử dụng phần mềm để cập nhật thông tin và quản lý đội ngũ giáo viên và xe tập lái...

Tuy nhiên, với việc nâng cao chất lượng đào tạo và giám sát, quản lý cơ sở đào tạo lái xe, các chuyên gia cũng thừa nhận rằng, doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm gánh nặng đầu tư khi chi phí thiết bị mô phỏng có thể lên tới hàng tỉ đồng, hay gánh nặng cho chính người học, thi sát hạch lái xe, bởi tất cả những chi phí đó sẽ tính vào học phí. Như vậy, thời gian và học phí đào tạo lái xe ôtô sẽ tăng.

Đề xuất phương án giải quyết cho vấn đề này, theo ông Đại, hiện nay trên 90% cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, không nên thay đổi gấp gáp, cần tính toán có lộ trình để doanh nghiệp thực hiện. Mặt khác, đào tạo lái xe nên tập trung vào khâu sát hạch mà Nhà nước độc quyền quản lý, học viên có được cấp giấy phép lái xe hay không là do cơ quan quản lý sát hạch, bởi thực tế chưa có ngành nghề nào tỷ lệ thi đỗ/trượt chỉ đạt 50/50, điều đó cho thấy độ khó của bài thi quá lớn. Bên cạnh đó, tỷ lệ lái xe ra trường sẽ tiếp tục được sàng lọc bởi nghề lái xe có đặc thù rèn luyện thường xuyên, biến kinh nghiệm thành kỹ năng. Minh chứng là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gần đây theo con số công bố của ngành công an cho thấy, tuổi nghề lái xe gây ra tai nạn đa số chỉ có 7-8 năm kinh nghiệm. Ông Đại còn nhấn mạnh, việc quản lý lái xe sau đào tạo của doanh nghiệp phải được quan tâm, doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý sử dụng lái xe.

Một vấn đề khác: Thời gian học thực hành lái xe ôtô cấp giấy phép B1, B2 quy định 84 giờ học thực hành và 1.100km lái xe trên đường của học viên hiện không có công cụ để giám sát, vậy có bảo đảm chất lượng? Ông Thống khẳng định, khi có thiết bị giám sát GPS lắp trên xe tập lái, chắc chắn thời gian, số kilômét của người học sẽ tăng lên, giáo viên không bớt được giờ học, khi đó các trung tâm đào tạo sẽ phải tính phí đào tạo theo thực tế.

Ông Thống nhấn mạnh: Khi đã có hệ thống giám sát, dữ liệu giám sát sẽ được truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT để hậu kiểm. Trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe sẽ phải đầu tư. Đến thời hạn quy định, nếu trung tâm nào không chấp hành sẽ xem xét dừng đào tạo hoặc rút giấy phép đào tạo, sát hạch theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Nguyễn Bách

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc