Đăng ảnh trẻ em lên mạng xã hội sẽ bị phạt

17:06 | 02/05/2016

5,228 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Điều 21 về quyền bí mật đời sống riêng tư: “Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”. Do đó, việc nhiều người lớn, trong đó có cha mẹ vô tư đưa hình con mình lên mạng xã hội sẽ bị xử phạt theo khung luật định, nhất là khi Luật Trẻ em (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017.      

Bởi cũng theo Điều 21, “trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư”.

Đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp thì Chủ tịch UBND cấp xã, cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế.

Do đó, thời gian qua việc xâm hại trẻ em, sử dụng hình ảnh vô tình hay cố ý đưa lên mạng xã hội dẫn tới việc lợi dụng, xâm hại trẻ em trở nên rất nghiêm trọng.

"Mấy tháng trước, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã họp bàn với cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông xung quanh việc phối hợp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bởi đây là vấn đề rất nóng. Xâm hại trẻ em không chỉ trực tiếp với trực tiếp nữa mà bây giờ còn là sử dụng hình ảnh để lạm dụng trẻ em. Chính vì thế việc bảo vệ riêng tư cho trẻ em rất cần thiết” - bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thông tin trong cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Trẻ em sáng 29/4 vừa qua.

dang anh tre em len mang xa hoi se bi phat
Điều 54 Luật Trẻ em quy định rõ ràng về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (ảnh minh họa)

Trong Điều 54 Luật Trẻ em quy định rõ ràng về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

Điều 87 Luật Trẻ em giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin trên các kênh thông tin, truyền thông; được bảo vệ hình ảnh, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân về thư tín, viễn thông và các hình thức trao đổi, lưu giữ thông tin cá nhân. Quản lý, hướng dẫn quy chuẩn báo chí, xuất bản, viễn thông, Internet, phát thanh, truyền hình và các hình thức cung cấp, quảng bá thông tin khác dành riêng cho trẻ em, có trẻ em tham gia, liên quan đến trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử và các phương tiện thông tin khác.

Đồng thời chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam phát triển báo chí, thông tin, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em và trẻ em được tham gia; thực hiện biện pháp thông tin, truyền thông cho gia đình, xã hội về kiến thức, kỹ năng bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em; quy định tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng phát thanh, truyền hình, ấn phẩm cho trẻ em theo quy định.

“Hiện nay bản thân bố mẹ hoặc người giám hộ đưa hình ảnh trẻ em lên Internet có thể vô tình gây hại cho trẻ em. Chính vì thế khi chúng tôi giúp Chính phủ xây dựng nghị định hướng dẫn thực hiện luật sẽ có những nội dung bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, sẽ quy định cụ thể để áp dụng trong thực tiễn, trách tình trạng xâm phạm trẻ em như trong thời gian vừa qua” - bà Đào Hồng Lan cho hay.

Luật Trẻ em (sửa đổi) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 05 tháng 4 năm 2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017.

Theo luật riêng tư nghiêm ngặt của Pháp, bất cứ ai bị kết án về hành vi đăng tải và phát tán hình ảnh của người khác mà không có sự đồng ý của họ, người đó có thể đối mặt với án phạt là một năm tù giam hoặc phải trả một khoản tiền khoảng 35.000 bảng Anh (45.000 euro). Quy định này cũng sẽ được áp dụng với hành vi phát tán hình ảnh con cái của các bậc cha mẹ, khi những đứa trẻ còn quá nhỏ để nhận thức và tự đưa ra quyết định có đăng tải công khai những hình ảnh đó hay không.

Còn tại Mỹ, Children's Online Privacy Protection Act năm 1998 (gọi tắt là COPPA) là một đạo luật ban hành ngày 21 tháng 10, 1998), có hiệu lực từ ngày 21 tháng 4 năm 2000, áp dụng cho việc thu thập trực tuyến các thông tin cá nhân từ trẻ em dưới 13 tuổi bởi những người hoặc các đơn vị thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ. Nó đưa ra chi tiết những gì một nhà điều hành trang web phải thực hiện bao gồm chính sách bảo mật, khi nào và làm thế nào để được sự chấp thuận kiểm chứng từ cha mẹ hoặc người giám hộ, và trách nhiệm một nhà điều hành để bảo vệ sự riêng tư và an toàn của trẻ em trực tuyến bao gồm hạn chế về tiếp thị cho trẻ em dưới 13 tuổi. Trong khi trẻ em dưới 13 tuổi hợp pháp có thể đưa ra thông tin cá nhân với sự cho phép của cha mẹ, nhiều trang web không cho phép trẻ em tuổi vị thành niên sử dụng dịch vụ của họ vì những giấy tờ liên quan.

Nguyệt Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc