Dân Hà Nội kéo nhau về quê mua thực phẩm ăn Tết

11:51 | 19/01/2012

483 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau hàng loạt vụ việc liên quan đến vấn đề chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm như nội tạng, chân bò,… thối, người dân Hà Nội đang tỏ ra khá e dè, lo ngại khi đi mua thực phẩm phục vụ Tết. Nhiều người đã chọn giải pháp về quê mua các loại thực phẩm để ăn Tết.

Ở đâu cũng thấy hàng hoá “bẩn”

Các lực lượng chức năng Hà Nội đang xử lý một lô hàng lậu.

Thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ đạo 127 TP Hà Nội cho thấy, Cơ quan này còn phối hợp với Công an TP kiểm tra 9 vụ khác, tịch thu hàng trăm hộp hàng hóa không rõ xuất xứ (180 hộp Nutribe3, 57 hộp Nutribe1, 25 hộp Gallia) và 56kg ớt bột nghi sử dụng phẩm màu công nghiệp Rhodamin B. Cùng với đó, việc vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, sử dụng sản phẩm động vật, thủy hải sản tươi sống, rau củ… cũng được tăng cường kiểm tra.

Chỉ tính riêng từ cuối tháng 11 đến cuối tháng 12, Thanh tra Chi cục Thú y Hà Nội và các trạm thú y cũng tiến hành kiểm tra 173 lần ở 284 cơ sở. Qua đó phát hiện, tiêu hủy 1,45 tấn phủ tạng, 89,5kg thịt gia súc, 625 quả trứng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một trong những vụ buôn lậu thực phẩm không rõ nguồn gốc lớn đã bị phát hiện vào ngày 5/12/2011, 6 xe ôtô vận chuyển hàng hoá nhập lậu trên tuyến từ Lào Cai về Hà Nội đã bị phát hiện, tạm giữ 6,6 tấn bánh kẹo các loại; 1,8 tấn vải; 1,5 tấn phụ gia thực phẩm; 5 tấn hạt hướng dương; 2.426 thùng bát sứ, cốc, bình thủy tinh; ấm chén; 60 thùng giầy các loại; 1.130 chiếc áo khoác…

Mặt khác, riêng việc kiểm tra dịp cận Tết đã phát hiện 89 vụ vi phạm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phạt tiền gần 300 triệu đồng. 23 tấn chân bò bốc mùi hôi thối, gần 7,5 tấn gà lông, 1,4 tấn nầm lợn, 50 kg tràng lợn đã bị tịch thu tiêu hủy.

Đó chỉ là một trong số ít những vụ điển hình được các lực lượng chức năng TP Hà Nội phát hiện và xử lý. Nhưng cũng chỉ ngần đó vụ việc cũng đủ thấy, vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn là rất đáng lo ngại.

Thực phẩm quê kéo nhau về Thủ đô

Chuyện người dân Hà Nội mỗi dịp về quê đều “tay xách nách mang” nào là rau, cỏ, thịt, cá xuống để “dự trữ” ăn dần không phải là chuyện lạ. Nhưng khi mà Tết Nguyên đán đã cận kề và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của các loại thực phẩm bày bán ở các chợ, thậm chí là ở các siêu thị cũng được xem là “hư hư thực thực” thì chuyện về quê mua thực phẩm ăn Tết đang trở thành xu hướng của nhiều gia đình ở Hà Nội.

Về quê mua thực phẩm ăn Tết đang trở thành xu hướng của nhiều gia đình ở Hà Nội.

Từ nhiều tháng nay, gia đình chị An (Đội Cấn, Ba Đình) đã sắm một cái tủ lạnh to tướng để dự trữ các loại thực phẩm mà chị gửi mua từ trên quê mang xuống. Tủ lạnh nhà chị lúc nào cũng đầy áp các loại rau, củ quả, thịt, cá do người nhà gửi xuống. Trước Tết Nguyên đán, chị và mấy người bạn đã nhờ người quen ở quê mua nguyên cả một con lợn để “ăn đụng” dịp Tết.

Chị bảo: Thời gian gần đây nghe đài báo nói nhiều đến chất lượng các mặt hàng thực phẩm mà tôi thấy sợ quá, bây giờ ra chợ, nhìn thứ gì cũng tươi xanh mơn mởn, trông rất ngon, rất bắt mắt…

“Gần 3 tháng nay, tuần nào cũng vậy, gia đình tôi đều gửi tiền về quê nhờ người nhà mua các loại thực phẩm như rau, thịt, cá từ bà con trong làng, trong xóm. Thịt, cá mang xuống thì vợ chồng tôi mang ra cắt khúc, chia miếng rồi bọc giấy, để tủ lạnh ăn dần”, chị An cho biết.

Cũng với tâm lý e sợ như gia đình chị An, vợ chồng anh Biên (Phan Văn Trường, Cầu Giấy) quê ở Vĩnh Phúc cũng đã trang bị riêng một chiếc tủ lạnh cỡ lớn để dự trữ thực phẩm.

“Tôi quê ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, cách Hà Nội chưa đầy 50 km nên cuối tuần nào cũng vậy, hai vợ chồng tôi đều thay phiên nhau về quê mua các loại rau, củ, quả, thịt cá của bà con trong làng. Đây đều là những sản phẩm mà người quen của gia đình trồng được, nuôi được nên yên tâm lắm, ăn rất thơm và ngon”, anh Biên tâm sự.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, tuy Hà Nội đã có một số xã, một số doanh nghiệp chuyên sản xuất rau sạch, thực phẩm sạch nhưng quy mô còn rất nhỏ, chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân Thủ đô. Ngoài ra, Hà Nội cũng chưa xây dựng được hệ thống các cửa hàng chuyên kinh doanh các loại thực phẩm sạch này. Kênh phân phối duy nhất đến với người tiêu dùng là các cửa hàng và siêu thị nhưng cũng chỉ chiếm một lượng rất nhỏ. Chính vì vậy, việc lẫn lộn thực phẩm sạch và thực phẩm bẩn là rất dễ xảy ra.

Thanh Ngọc