Cuộc đối đầu giữa KGB và CIA thời Chiến tranh Lạnh (kỳ I)

15:00 | 22/09/2016

1,665 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với gần 40 năm tồn tại và hoạt động, KGB đã đạt được nhiều kỳ tích hiển hách, triệt phá nhiều âm mưu của phá hoại Liên Xô và hệ thống XHCN. Trong hoạt động của KGB cũng từng có những điệp vụ ly kỳ, gay cấn không kém gì trên phim ảnh. Petrotimes khởi đăng loạt bài về cuộc đối đầu lịch sử giữa KGB và CIA trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
cuoc doi dau giua kgb va cia thoi chien tranh lanh ky i
Thiệt bị sao chụp tài liệu của KGB

Ngày 13/3/1954, Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô đã ra Nghị định thành lập Ủy ban An ninh quốc gia (tên viết tắt là KGB) để thay thế Bộ An ninh quốc gia. Các nhiệm vụ chính của KGB là tình báo hải ngoại, phản gián, hoạt động bảo vệ các nhà lãnh đạo cao cấp của đảng và chính phủ, bảo vệ biên giới quốc gia, cũng như cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc, bất đồng chính kiến, tội phạm và các hoạt động chống Liên Xô. KGB tồn tại cho đến năm 1991 và đã đạt được nhiều kỳ tích hiển hách.

Nhiên liệu tên lửa trong bi đông đựng rượu

Năm 1954, trung sĩ quân đội Mỹ Robert Lee Johnson, phục vụ trong một đơn vị đồn trú ở Tây Berlin, do bất mãn với cấp trên và với cuộc đời quân ngũ nói chung, đã lén đi qua khu vực Đông Berlin xin được bí mật cộng tác với Stazy (tên gọi tắt của Bộ Anh ninh quốc gia CHDC Đức, hay còn gọi là Đông Đức). Johnson nêu điều kiện nếu sau này bị lộ thì nhà nước Đông Đức phải cho phép anh ta cùng cô tình nhân người Tây Đức được tị nạn chính trị và họ phải được hưởng cuộc sống vật chất khá thoải mái. Do chưa có kinh nghiệm đối phó với những trường hợp như thế, Stazy bèn “bàn giao” anh ta cho “đàn anh” KGB.

Anh chàng trung sĩ được thuyết phục trở lại đơn vị, tuyệt đối phục tùng các cấp chỉ huy và sẽ được nhận khoản lương thứ hai từ Liên Xô. Nhưng Johnson hay uống rượu, vì thế không được KGB tin tưởng lắm về khả năng hợp tác thành công. Tuy nhiên, người phụ trách mới của mạng tình báo hải ngoại KGB Anatoly Afanasievich Eliseev, đã biết cách “lấy được vàng từ chì”.

Khi Johnson hết hạn đồn trú, trở về Mỹ, Eliseev đã chuyển cho anh ta một khoản tiền tạm ứng rất “nặng tay” và yêu cầu anh ta đăng ký tái gia nhập quân đội. Johnson đã làm theo và trong năm 1956, anh ta được sung vào đơn vị bảo vệ an ninh cho một căn cứ tên lửa ở Texas. Từ vị trí công tác này, Johnson có thể chuyển cho KGB (qua một người trung gian có mật danh Mintkenbau) những ảnh chụp căn cứ tên lửa từ toàn cảnh đến chi tiết cơ sở hạ tầng, những bản sao văn bản, tài liệu liên quan đến kế hoạch và cơ cấu hoạt động của căn cứ. Thậm chí có lần, theo lệnh của KGB, anh ta còn lấy được mẫu nhiên liệu tên lửa bằng cách hút từ thùng nhiên liệu sang bi đông đựng rượu của mình.

Năm 1959, Johnson được điều chuyển sang một căn cứ quân sự của Mỹ ở Pháp. Và cuối năm 1960, anh ta được chuyển làm lính bảo vệ ở trung tâm chuyển phát nhanh tài liệu tại sân bay Orly, liên quan đến việc trung chuyển các tài liệu mật, hệ thống mật mã và các thiết bị gián điệp giữa Washington, NATO, Bộ tư lệnh Mỹ tại châu Âu và Hạm đội 6 (hạm đội Địa Trung Hải) của Mỹ.

Johnson đã tìm cách tiếp cận được với những tài liệu tuyệt mật được cất giữ sau 3 lớp khóa. Lớp đầu tiên là loại khóa chìa-ổ thông thường. Johnson đã lấy được mẫu chìa bằng cách in hình chiếc chìa khóa lên bề mặt bánh xà phòng. Lớp thứ hai là khóa số. Trong mớ giấy lộn trong sọt rác văn phòng, anh ta lại may mắn tình cờ tìm thấy mã số khóa của lớp thứ hai. Lớp thứ ba là khóa điện tử. Chỉ với thiết bị tia roentgen do KGB cung cấp, Johnson mới có thể tìm ra mã số và mở được lớp này. Đêm 15/2/1961, Johnson mở được tủ tài liệu, nhét đầy một túi xách các phong bao tài liệu mật chuyển qua người trung gian của KGB cho đại sứ quán Liên Xô tại Paris. Các nhân viên chìm của KGB ở đây lập tức tiến hành sao chép rồi niêm phong các phong bì tài liệu như cũ. Chỉ 1 tiếng rưỡi đồng hồ sau, tất cả các bao tài liệu đều được trả về nơi chốn cũ.

Nội dung các tài liệu này được KGB coi là vô giá.

cuoc doi dau giua kgb va cia thoi chien tranh lanh ky i

Thiện Tâm

Tạp chí Tuyệt mật