Cuộc chiến AI của các gã khổng lồ công nghệ: Mỗi bên một kiểu "đốt tiền"

08:30 | 09/10/2023

739 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) khốc liệt, các gã khổng lồ công nghệ liên tục rót hàng tỷ USD vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, ai cũng có lối đi riêng.

Cuộc đua "đốt tiền" giữa Microsoft và Google

Microsoft và Google là 2 tập đoàn cạnh tranh sôi nổi nhất trong trận chiến AI. Màn so tài giữa 2 ông lớn này trở nên ngày càng hấp dẫn trong năm nay.

Cuộc chiến AI của các gã khổng lồ công nghệ: Mỗi bên một kiểu đốt tiền - 1
Microsoft và Alphabet - công ty mẹ của Google - rót hàng chục tỷ USD vào AI (Ảnh: Company Statements).

Microsoft đã khơi mào cuộc chiến với màn ra mắt ChatGPT đầu năm 2023. Ngoài ra, Microsoft cũng không ngừng nâng cấp các trợ lý AI trong sản phẩm của mình, đặc biệt là công cụ tìm kiếm Bing AI.

Microsoft mới đây cũng công bố một kế hoạch mới nhằm hợp nhất tất cả các tiện ích AI thành một công cụ duy nhất với tên gọi Microsoft Copilot.

Sản phẩm AI này sử dụng tri thức thu thập từ nhiều ứng dụng và nguồn dữ liệu khác nhau, đồng thời phục vụ cho cả mục đích công việc và tiêu dùng.

Đồng thời, Google đang nỗ lực cải tiến AI chatbot Bard - đối thủ cạnh tranh của Microsoft Bing AI - nhằm đưa ra câu trả lời đáng tin cậy hơn cho người dùng.

Những thay đổi này cũng cho phép người truy cập kết nối chatbot với kho dữ liệu Google của họ, bao gồm cả kho lưu trữ Gmail và tệp Google Docs.

Google còn tích cực khai thác phân khúc thị trường từ nhóm khách hàng trẻ tuổi. Cụ thể, người dùng 13-17 tuổi có thể thực hiện tìm kiếm trên Google theo hình thức các cuộc trò chuyện, giống như tương tác với một chatbot AI.

Ông Scott Beechuk, nhà phân tích tại Norwest, nhận định Microsoft và Google liên tục tung ra thị trường các sản phẩm AI mới, dù chưa thật sự hoàn thiện.

Mục đích của chiến lược này là nhằm nhận phản hồi từ người dùng theo thời gian thực và cải thiện sản phẩm một cách song song.

Cuộc đua ngang tài ngang sức của Microsoft và Google

Những con số ấn tượng trong báo cáo tài chính quý III năm tài chính 2023 của Microsoft và Alphabet - công ty mẹ của Google - đã phần nào khẳng định giá trị của AI đối với doanh thu của những gã khổng lồ công nghệ.

Microsoft đạt mức doanh thu kỷ lục 56,2 tỷ USD trong quý III, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, thu nhập ròng của tập đoàn cũng chạm ngưỡng 20,1 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước.

Ông Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, khẳng định AI là con át chủ bài đối với sự đột phá này.

Các sản phẩm AI của Microsoft được chia làm 2 dòng: các sản phẩm thương mại như trợ lý AI Copilot và dịch vụ điện toán đám mây cung cấp cho doanh nghiệp đối tác.

Các sản phẩm trong lĩnh vực năng suất và quy trình kinh doanh đã giúp Microsoft thu về 18,3 tỷ USD trong quý III, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, việc Microsoft triển khai thu phí 30 USD/tháng đối với người dùng Copilot AI được dự báo sẽ bắt đầu tạo ra phần lớn doanh thu vào nửa cuối năm tài chính 2024.

Cuộc chiến AI của các gã khổng lồ công nghệ: Mỗi bên một kiểu đốt tiền - 2
Giám đốc điều hành Microsoft tự hào về thành tựu nổi bật của công ty (Ảnh: Forbes).

Phân khúc điện toán đám mây của tập đoàn đạt doanh thu 24 tỷ USD, tăng 15%. Dịch vụ này được nhận định là đóng góp nhiều nhất cho mức tăng trưởng ấn tượng .

Trong thời gian tới, hoạt động kinh doanh điện toán đám mây được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng 26%. Doanh thu từ các dịch vụ AI chiếm 2 điểm phần trăm của kỳ vọng này.

Doanh thu quý III của Alphabet được ghi nhận ở ngưỡng 74,6 tỷ USD, tăng 7,06% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công cụ tìm kiếm thu được 31,9 tỷ USD, duy trì vị thế là mảng đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng doanh thu của Google. Về mảng điện toán đám mây (Google Cloud), tổng lượng tiền thu về của Alphabet là 8 tỷ USD, tăng 28%.

Theo ông Sundar Pichai, Giám đốc điều hành của Alphabet, vị thế dẫn đầu của Google đối với AI là động lực lớn cho mức tăng 28% của Google Cloud. Hơn nữa, AI cũng tác động tích cực đến các dịch vụ hỗ trợ năng suất công việc.

Ngoài ra, xét về chi phí, Google có lợi thế lớn so với Microsoft khi có thể tự sản xuất chip mà không phải tốn kém nhiều chi phí đắt đỏ cho hạ tầng cơ sở dữ liệu. Đây cũng là nhân tố quan trọng để đảm bảo lợi nhuận cho tập đoàn.

Phát biểu về tác động của AI đến doanh thu, ông David Bicknell, nhà phân tích tại GlobalData, cho rằng sự đầu tư vào AI của Microsoft và Alphabet là các bước chuẩn bị cần thiết cho hoạt động kinh doanh dài hạn.

Tuy vậy, còn quá sớm để kết luận chính xác AI sẽ tiếp tục ảnh hưởng như thế nào đến kết quả doanh thu của 2 công ty trong tương lai.

Liệu "ông lớn" Apple có đứng ngoài cuộc chơi?

Vài năm trở lại đây, thị trường bất ngờ trở nên sôi động khi các ông trùm công nghệ không ngừng nói về các khoản đầu tư vào start up AI mọi lúc mọi nơi.

Tuy nhiên, xu hướng này chỉ hiện diện ở Microsoft, Google, Meta hay Amazon, nhưng vắng mặt ông lớn Apple.

Theo ông Brenan Burke, nhà phân tích tại PitchBook, Microsoft và Google ưu tiên các thương vụ hợp tác, đầu tư cho start up công nghệ thay vì mua lại các doanh nghiệp này.

Nguyên nhân là do việc chống độc quyền diễn ra ngày càng gay gắt, gây trở ngại lớn cho việc điều hành công ty con.

Ngược lại, Apple bị hiểu nhầm là "đứng ngoài cuộc chơi AI" lại âm thầm mua lại hàng loạt start up công nghệ.

Kể từ năm 2017, Apple đã mua 21 start up AI, gần gấp đôi con số mà Microsoft và Meta đã mua. Những start up này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ tự lái, nhận diện giọng nói, tạo nhạc và hình ảnh.

Cuộc chiến AI của các gã khổng lồ công nghệ: Mỗi bên một kiểu đốt tiền - 3
Apple sở hữu nhiều start up công nghệ nhất tính từ năm 2017 (Ảnh: Quartz).

Mục đích của những thương vụ này là để hỗ trợ công ty triển khai các tính năng mới trên iPhone liên quan đến giọng nói cá nhân, tin nhắn và thư thoại.

Lý giải về việc hoạt động thầm lặng trên thị trường, Giám đốc điều hành Tim Cook cho biết Apple chỉ công bố mọi thứ khi chúng thật sự sẵn sàng. Đó là phong cách mà công ty luôn duy trì.

Amazon dấn thân vào cuộc chơi

Trước đây, Amazon - một trong những người dẫn đầu về điện toán đám mây - muốn giữ thái độ trung lập với bộ phận start up AI đầy cạnh tranh. Đồng thời, tập đoàn đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ AI khác nhau trên nền tảng của mình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh trận chiến ngày càng cam go, Amazon đã thay đổi chiến lược và mạnh tay hơn để hỗ trợ các start up AI.

Bên cạnh những cải tiến lớn trong thiết bị trợ lý cá nhân ảo Alexa, Amazon đã công bố khoản đầu tư trị giá 4 tỷ USD cho AI Anthropic.

Cuộc chiến AI của các gã khổng lồ công nghệ: Mỗi bên một kiểu đốt tiền - 4
Theo công bố của Amazon, Anthropic sẽ sử dụng chip của mình để tự xây dựng các hệ thống AI (Ảnh: Ai Cio).

Theo ông Adam Selipsky, Giám đốc điều hành Amazon Web Services, họ mong muốn mang đến cho khách hàng của thời đại công nghệ nhiều sự lựa chọn hơn thay vì bị bó buộc vào một nhà cung cấp duy nhất.

Ông khẳng định chắc chắn rằng sẽ không có một mô hình nào có thể thống trị tất cả. Amazon sẽ sẵn sàng đầu tư nếu có cơ hội phù hợp.

Có thể thấy, cuộc chiến AI đang diễn ra hết sức phức tạp và chưa thể thấy hồi kết. Ngày càng có nhiều người chơi gia nhập vào cuộc đua, nhưng có vẻ các gã khổng lồ lâu năm vẫn chi phối ván cờ này.

Mỗi công ty đều có những chiến lược đầu tư riêng, và đã, hoặc chưa đem lại những kết quả rõ ràng. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng đầu tư vào AI là một xu thế tất yếu nếu họ muốn duy trì và khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường toàn cầu.

Theo Dân trí

Trí tuệ nhân tạo: Xu thế tất yếu của thời đại mớiTrí tuệ nhân tạo: Xu thế tất yếu của thời đại mới
Cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc: Kỷ nguyên mới trong chiến lược nước lớnCạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc: Kỷ nguyên mới trong chiến lược nước lớn
Trí tuệ nhân tạo: Mạnh ai nấy làm!Trí tuệ nhân tạo: Mạnh ai nấy làm!