Cục diện Belarus sắp có thay đổi lớn

19:25 | 27/10/2020

737 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sau 3-4 tuần tạm lắng, các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Minsk, Belarus, đã tiếp tục trở lại vào ngày 25 và 26/10. Diễn biến mới này báo hiệu điều gì sắp xảy ra trên chính trường Belarus?
2041115067618-hi064015166
Người dân Belarus biểu tình trước phủ tổng thống ngày 26/10

Theo MK Bhadrakumar, nhà ngoại giao Ấn Độ, từng giữ các chức vụ Đại sứ tại Uzbekistan (1995-1998) và Thổ Nhĩ Kỳ (1998-2001), những diễn biến mới tại Belarus cho thấy ba điều. Đầu tiên, có những dấu hiệu cho thấy Moscow đang cảm thấy thất vọng khi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã từ chối những đảm bảo mà ông đã đưa ra với Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc họp của họ ở Sochi vào ngày 14/9, rằng ông sẽ bắt đầu cải cách hiến pháp và một quy trình cải cách chính trị toàn diện, sau đó tổ chức các cuộc bầu cử mới và chấp nhận một phán quyết dân chủ.

Thứ hai, một cuộc điện thoại của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho Tổng thống Lukashenko vào ngày 23/10 đã thúc đẩy tinh thần của phe đối lập Belarus. Thứ ba, ứng cử viên đối lập trong cuộc bầu cử tháng 8 vừa qua và tự xưng là "lãnh đạo quốc gia" của Belarus, Svetlana Tikhanovskaya, đã đưa ra tối hậu thư cho Tổng thống Lukashenko và kêu gọi các cuộc đình công toàn quốc vào ngày 26/10, điều này tạo ra một bầu không khí ngột ngạt thực sự.

Tại một sự kiện ở Moscow vào ngày 22/10, Tổng thống Putin đã chia sẻ về tình trạng khó khăn của Nga trong “không gian hậu Xô Viết”, rõ ràng là với cảm giác chán nản và cam chịu. Về Belarus, ông than thở rằng "cộng đồng lợi ích" gắn kết các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ không được đánh giá đúng mức. Như ông đã nói, “một cơ sở hạ tầng chung, một hệ thống giao thông và năng lượng chung và một ngôn ngữ chung tạo thành lợi thế cạnh tranh khác biệt và thay vì giúp chúng chúng ta đoàn kết hơn thì nay đang chia rẽ chúng ta...”.

Ông Putin đã chỉ ra rằng Cách mạng Màu ở Ukraine đã phá hủy một quốc gia "có lẽ là nước công nghiệp hóa nhất thuộc Liên Xô. Tổng thống Nga nói: “Đọc các số liệu thống kê do các cơ quan thống kê Ukraine công bố: sản lượng đang giảm, như thể có nhiều đại dịch đang tấn công nước này. Một số ngành công nghiệp địa phương, những ngành mà Liên Xô và Ukraine vốn rất tự hào - ngành hàng không, đóng tàu, chế tạo tên lửa - được phát triển bởi các thế hệ người Liên Xô, từ tất cả các nước cộng hòa thuộc Liên Xô, là một di sản Ukraine cũng có thể và nên tự hào - đã gần như biến mất. Ukraine đang phi công nghiệp hóa”.

Đề cập trực tiếp đến tình hình ở Belarus, ông Putin nói rằng Nga không có ý định can thiệp vào quốc gia này. Ông gợi ý rằng phương Tây cũng nên cho người dân Belarus “cơ hội để bình tĩnh xử lý tình hình của họ và đưa ra quyết định phù hợp”. "Các quyết định mà họ đưa ra có thể mở đường cho việc sửa đổi Hiến pháp của đất nước hoặc thông qua một bản Hiến pháp mới... Những gì được “nhập khẩu” từ bên ngoài mà không tính đến các đặc thù, văn hóa và lịch sử của dân tộc sẽ không bao giờ có tác dụng với nền văn hóa này, dân tộc này”, ông Putin tuyên bố.

Thoạt nhìn, đây có thể coi là một sự thay đổi mạnh mẽ so với quan điểm của Nga trước đây, rằng Moscow quyết tâm giữ Belarus trong quỹ đạo của mình, bất kể giá nào. Tuần trước, truyền thông Nga đưa tin, Giám đốc cơ quan tình báo Sergey Naryshkin đã đến thăm Minsk không báo trước. Theo tờ Nezavisimaya Gazeta, ông Lukashenko đã trở nên "vuột khỏi tầm" của Điện Kremlin, do đó Nga đang thúc đẩy Belarus cải cách hiến pháp và có khả năng tìm kiếm chủ nhân mới ở Minsk.

Lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đối với Tổng thống Lukashenko vào ngày hôm sau cho thấy Washington đang ném đá dò đường. Washington không chắc: a) liệu Điện Kremlin có tiến hành "chiến tranh tâm lý" với ông Lukashenko để khiến nước này chấp nhận các yêu cầu của Nga hay không; b) liệu Nga có thể chấp nhận sự thay đổi chế độ ở Belarus và sự xuất hiện của một chính quyền kế nhiệm thân phương Tây ở Minsk không; hay c) liệu Moscow và Minsk đang cùng nhau “diễn kịch” để qua mặt Hoa Kỳ không.

Tất nhiên, có khả năng là ba khả năng trên tồn tại trong một tình huống đặc trưng, đó là sự thiếu minh bạch trầm trọng ở tất cả các cấp độ. Cơ hội để Pompeo chấp nhận lời đề nghị của Tổng thống Putin để cùng thúc đẩy một quá trình chuyển đổi dân chủ có trật tự ở Belarus hoàn toàn bị loại trừ trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga hiện nay. Moscow cũng không thể mong đợi có thêm một chính quyền thân phương Tây ở Belarus.

Mặt khác, việc các cuộc biểu tình cuối tuần qua ở Minsk được tiếp thêm sức mạnh có thể cho thấy rằng Washington đang thúc đẩy Cách mạng Màu ở Belarus với tốc độ tối đa. Ước tính có khoảng 100.000 người biểu tình đã tiến hành tuần hành ở thủ đô Minsk vào ngày 25/10, ngay trước hạn chót của tối hậu thư mà thủ lĩnh đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya đưa ra, yêu cầu Tổng thống Belarus đương nhiệm Alexander Lukashenko phải từ chức, là 24h ngày 25/10. Nhưng điều này không quan trọng bằng việc bà Tsikhanouskaya kêu gọi người dân Belarus từ ngày 26/10 bắt đầu đình công, bao gồm việc đóng cửa nơi làm việc, chặn đường, ngừng sử dụng các cửa hàng và dịch vụ của chính phủ và rút tất cả tiền từ tài khoản ngân hàng của họ, nếu tổng thống đương nhiệm Lexander Lukashenko từ chối trả tự do cho các tù nhân chính trị và không chấp nhận từ chức, theo tờ The Guardian.

Thật vậy, nếu lời kêu gọi đình công Tikhanovskaya huy động được sự ủng hộ đáng kể của công nhân trong các nhà máy công nghiệp quốc doanh của Belarus thì đây có thể là một bước ngoặt. Nhà nước kiểm soát 80% nền kinh tế đất nước, và nếu hệ thống doanh nghiệp này yếu đi sẽ là ngày kết thúc của chính quyền hiện tại. Ngược lại, nếu lời kêu gọi đình công thất bại, điều đó đồng nghĩa với việc các cuộc biểu tình của phe đối lập đột ngột chết yểu vì thiếu sự ủng hộ của người dân. Tuần này sẽ có thể rất quan trọng đối với cục diện đấu đá chính trị ở Belarus. Tỷ lệ cược dường như luôn nghiêng về Lukashenko. Rất có thể Moscow cũng đang đặt cược vào điểm này.

Theo AFP, số lượng người biểu tình ở Belarus ngày 26/10 không đông đảo như một ngày trước. Thành phần tham gia biểu tình cũng có chút thay đổi, đa phần là sinh viên, giáo viên và người về hưu. Đối tượng mà phe đối lập muốn họ xuống đường, những nhân viên, công nhân làm trong lĩnh vực nhà nước, xuất hiện rất ít. Về phần mình, một phát ngôn viên của chính phủ Belarus cho biết trên Facebook rằng các doanh nghiệp trong nước vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, đây mới chỉ là ngày đầu tiên của cuộc tổng đình công theo lời kêu gọi của lãnh đạo phe đối lập, những ngày tới tình hình có thể sẽ khác.

Nga cảnh cáo Mỹ nên tránh xa BelarusNga cảnh cáo Mỹ nên tránh xa Belarus
Vì sao ông Putin muốn cứu Tổng thống Belarus Loukachenko?Vì sao ông Putin muốn cứu Tổng thống Belarus Loukachenko?
Khủng hoảng Belarus làm trầm trọng thêm vấn đề năng lượng của Châu ÂuKhủng hoảng Belarus làm trầm trọng thêm vấn đề năng lượng của Châu Âu

H.Phan

AFP