Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Công đoàn cũng “đau đầu”

13:31 | 15/08/2017

374 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động theo qui định chuyển cho công đoàn được hơn 1 năm nay, tuy nhiên kết quả hoàn toàn ngược lại với kỳ vọng ban đầu, nợ cũ chưa thu hồi mà nợ mới vẫn tiếp tục gia tăng.  

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới đây đã công bố báo cáo giám sát về tình hình thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) trong các loại hình doanh nghiệp (DN) năm 2016. Theo đó, việc giám sát được thực hiện tại Hà Nội, TP HCM và Bình Dương. Tổng số tiền doanh nghiệp nợ BHXH của 3 địa phương là trên 5.723 tỉ đồng (Hà Nội nợ hơn 2.187 tỉ đồng, TP HCM nợ hơn 2.753 tỉ đồng và Bình Dương nợ hơn 782 tỉ đồng). Đáng chú ý, tới thời điểm giám sát, chưa một vụ khởi kiện DN nợ BHXH được tổ chức công đoàn thực hiện.

cong doan cung dau dau
Ứng dụng công nghệ để thực hiện thanh toán BHXH tại TP HCM

Không khởi kiện vì e ngại

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về vấn đề này, PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, vẫn tồn tại những yếu kém đến từ năng lực của công đoàn, năng lực pháp luật và năng lực tổ chức (kết nối giữa tổ chức công đoàn và các cơ quan tố tụng)… Tuy nhiên, không thể không nhắc đến phía người lao động (NLĐ), dù chịu thiệt thòi cũng không đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cơ sở khởi kiện DN mình đã và đang theo làm.

cong doan cung dau dau
PGS.TS Vũ Quang Thọ

PGS.TS Vũ Quang Thọ phân tích, NLĐ không rõ về quyền lợi của mình, cũng như chưa biết hết những thủ tục rườm rà của pháp luật về vấn đề này. Bên cạnh đó, phải kể đến tâm lý e ngại khi kiện chính người chủ đang tạo việc làm và trả lương cho họ. Đây cũng là tâm lý chung của công đoàn cơ sở.

Khi kiện DN nợ BHXH, liệu NLĐ có đủ tinh thần để làm việc tại DN mà mình vừa đâm đơn kiện đòi quyền lợi hay không? Và liệu rằng, chủ DN có sử dụng những lao động đã kiện họ ra tòa? Đây cũng là một khía cạnh mà xã hội nói chung và các cơ quan lao động, công đoàn, bảo hiểm phải tính đến. Nếu không, vô hình trung sẽ đẩy NLĐ vào thế khó khăn.

Theo Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, các cơ quan chức năng, công đoàn cần trình bày luật sao cho dễ hiểu. Các cơ quan có thẩm quyền nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung các điều khoản luật đến công nhân và NLĐ để họ chủ động trong việc đề nghị, đề xuất với DN. Với những trường hợp khởi kiện cần được thực hiện nghiêm túc và công bằng để tạo niềm tin cho công nhân. Bên cạnh đó, nếu NLĐ cảm thấy công đoàn cơ sở không đủ bản lĩnh, uy tín, năng lực để khởi kiện, họ có thể ủy quyền cho công đoàn cấp trên.

“Tôi nghĩ công đoàn cấp cao hơn thì khả năng thắng kiện sẽ lớn hơn. Chỉ cần một số vụ có kết quả sẽ nâng cao nhận thức của NLĐ cũng như trình độ của tổ chức công đoàn trong việc giải quyết nợ BHXH từ DN” - PGS.TS Vũ Quang Thọ nhận định.

Ai hướng dẫn khởi kiện?

cong doan cung dau dau
Luật sư Nguyễn Hồng Thái

Đưa ra quan điểm từ góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc DN nợ đóng BHXH là nỗi băn khoăn của NLĐ khi quyền lợi không được đảm bảo, ảnh hưởng đến cơ quan bảo hiểm trong việc duy trì, phát triển quỹ bảo hiểm, thực hiện các chính sách an sinh. Trên thực tế đã có rất nhiều chương trình, cuộc họp, giải pháp được đề nghị, tiến hành để cải thiện tình trạng nêu trên, tuy nhiên các hoạt động này đều chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Một phần là do các phương án đưa ra chưa thực sự được tiến hành đồng bộ, mặt khác chính những người đang áp dụng pháp luật, những người đang thực thi pháp luật đều không thực hiện triệt để các phương án đề ra.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thái, nguyên nhân của tình trạng công đoàn chưa tiến hành khởi kiện DN là do pháp luật hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể thủ tục khởi kiện DN trốn đóng BHXH. Phân quyền cho công đoàn cơ sở là tổ chức có quyền khởi kiện chính DN thì quyền này rất khó để thực thi. Vì trên thực tế, rất khó để công đoàn đứng lên khi thành viên của công đoàn là NLĐ tại công ty, đang chịu sự quản lý của DN bị kiện. Các nỗi lo về công việc, về tiền lương và về chế độ sẽ là rào cản để họ thực hiện chức năng, vai trò của mình.

“Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự, đối với việc khởi kiện vụ án lao động tập thể về quyền thì buộc phải qua thủ tục hòa giải cơ sở. Trong khi đó, việc thỏa thuận, đàm phán, cùng hòa giải tại cơ sở có thể kéo dài cả năm. Hoặc trong/sau quá trình đàm phán, DN sẽ đóng một phần rất nhỏ, không đáng kể số tiền BHXH” - Luật sư Nguyễn Hồng Thái nói.

Về giải pháp, Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng, cần nhanh chóng có hướng dẫn về thủ tục để công đoàn có thể khởi kiện DN. Giao thêm quyền khởi kiện cho công đoàn cấp trên và cơ quan bảo hiểm. Hướng dẫn, nâng cao nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho công đoàn cơ sở để thực hiện khởi kiện này.

Hành vi trốn đóng BHXH của DN có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, thì DN trốn đóng BHXH có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 219 (Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ).

Đến hết quý I/2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trên toàn quốc là là 14.019 tỉ đồng (tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2016). BHXH thành phố Hà Nội đã chuyển 230 hồ sơ DN nợ BHXH đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội khởi kiện với số tiền nợ là 248 tỉ đồng.

Thiên Minh - Đinh Hương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc