Con đường Tơ lụa mới

14:18 | 29/11/2012

1,806 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc kinh tế Trung Quốc phát triển và Mỹ chuyển đổi trọng tâm sang châu Á đang tạo ra viễn cảnh thương mại theo kiểu Con đường Tơ lụa mới.

 

Phạm vi của Con đường Tơ lụa cổ. Màu đỏ là đường bộ còn màu xanh là đường biển

Cách nay hơn 2000 năm, Con đường Tơ lụa đã nối liền Trung Quốc cổ đại với đế quốc La Mã, mở rộng công cuộc trao đổi văn hóa, tôn giáo và chính trị khắp vùng châu Á, Trung Đông và châu Âu.

Trong lúc tầm quan trọng của Con đường Tơ lụa nguyên thủy suy yếu thì tầm quan trọng của các thị trường châu Á đang trỗi dậy.

John Pang, Tổng giám đốc Học viện Nghiên cứu CIMB ASEAN nói trong lúc con đường nguyên thủy trước đây được sử dụng chủ yếu để vận chuyển tơ lụa, con đường mới ngày nay có khác với trước – nhưng không kém phần quan trọng.

Ông nói rằng con đường mới ngày nay hình thành do các tuyến đường xe lửa cùng các ống dẫn dầu và khí đốt. Theo ông Pang, con đường mới này đã mở tung khu vực Trung Á và tạo rất nhiều cơ hội kinh doanh.

Chính khu vực tư nhân đã chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của Con đường Tơ lụa mới mặc dù chính phủ các nước Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN cũng góp phần hỗ trợ nó.

Những nước bên ngoài khu vực cũng được hưởng lợi – Mỹ loan báo kế hoạch con đường tơ lụa  của mình, mệnh danh là “Chiến lược Con đường Tơ lụa Mới”.

Tuy nhiên, Ben Simpfendorfer, Giám đốc Hiệp hội Con đường Tơ lụa nói ông không chắc là chiến lược của Mỹ, vốn chú trọng vào Afghanistan, sẽ hoạt động hữu hiệu. 

Ông nói: “Chắc chắn là tầm ảnh hưởng của Mỹ sẽ nhỏ hơn lúc trước. Mỹ không còn chi phối các đối tác thương mại tại hầu hết các nước trong khu vực. Đây là một sự thay đổi đáng kể từ vài thập niên qua”.

Ông Simpfendorfer cho biết thêm: “Mỹ rất muốn mình vẫn còn là một cường quốc trong vùng và rõ ràng là Washington đã công nhận rằng sức mạnh thương mại ngày càng gia tăng của Trung Quốc là mối thách thức trực tiếp cho các quyền lợi của Mỹ”.

Các nhà phân tích nói rằng Mỹ sẽ cần phải chấp nhận vai trò đầy ảnh hưởng của những nước như Iran và Pakistan.

Ông Simpfendorfer nói rằng về phương diện địa lý, bất kỳ con đường thương mại nào nối liền Trung Quốc với Trung Đông sẽ phải đi ngang Iran.

Chuyên gia Vali Nasr thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp tại Đại học John Hopkins cho rằng với việc quân đội Mỹ và quân đội nước ngoài đang rút khỏi Afghanistan, tình hình tại Afghanistan cũng là mối đe dọa cho chiến lược của Mỹ.

Hiện người ta chưa biết chắc tình trạng ổn định trong tương lai của Afghanistan trong vai trò là con đường vận chuyển và hành lang năng lượng sẽ ra sao. Một vấn đề lớn khác nữa cũng chưa rõ ràng. Đó là vấn đề giữa Mỹ với Iran và Pakistan. Có những vấn đề khác biệt như vấn đề nguyên tử với Iran và sự sụp đổ trong mối quan hệ giữa Mỹ với Pakistan.

Th.Long (Theo AFP)