Có những môn học... “thừa” 1

08:46 | 08/11/2012

5,378 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Vì sao lại gọi là môn học “thừa”? Bởi xét cả về mặt xã hội, kinh tế, giáo dục hiện nay thì những môn học đó hoàn toàn không phù hợp.

Mà những môn như vậy, trong chương trình giáo dục hiện tại có không ít. Chúng đang làm lãng phí không những thời gian, công sức mà cả tiền bạc của xã hội. Vậy có nên tiếp tục giảng dạy những môn như vậy trong chương trình không?

Ngay ở trong chương trình tiểu học, một cấp học làm quen với những gì được coi là kiến thức và bước đầu “vỡ” ra với những bài học cơ bản đầu tiên, đã có rất nhiều môn học thừa, làm cho “vạn sự...” vốn đã “khởi đầu nan” càng gian nan hơn đối với con trẻ.

Trong khi thời gian học ở lớp đối với con trẻ dường như không bao giờ đủ. Bởi một ngày học 2 buổi với tổng số 7- 8 tiết học, với một chiếc cặp nặng sách vở đến nỗi thay vì “đeo”, “xách” cặp như trước đây học sinh phải dùng... ba lô kéo. Những chiếc ba lô đó khi đặt lên bàn cân, đã nặng tới... 8 kg!

 

Học sinh phải gánh chương trình quá nặng

 

Như những môn: mỹ thuật, âm nhạc, tin học, kỹ thuật (thêu, khâu vá), thủ công cắt, dán. Đây là những môn được đưa vào chương trình với chủ trương giáo dục toàn diện.

Tuy nhiên, có thể giáo dục toàn diện được không khi mà phần lớn những môn ấy phụ thuộc chính vào năng khiếu, vào gien di truyền, sự cảm nhận...? Trong khi kiến thức cơ bản phổ thông như một chuyên gia giáo dục đã nhận định: là kiến thức mà bằng tư duy lôgic, lập luận, dựa trên công thức đã có... để học. Cho nên có tới gần 100% học sinh khi học những môn này đều nhờ cha mẹ học hộ bằng cách làm hộ rồi mang nộp cho cô giáo.

Và điều đáng nói là giáo viên cũng biết chuyện này nhưng làm ngơ vì hiểu rõ khả năng học sinh không thể làm nổi. Hơn nữa, những môn học như vậy, họ cũng biết là “thừa” nên chẳng nên “bắt ne bắt nẹt” hoc sinh làm gì!

Môn thủ công gồm ở lớp 2 - 3 là một ví dụ. Ngoài việc dạy cách cầm kéo thì môn này dạy học sinh cách cắt dán hoa hoặc đủ các loại hình... Tuy nhiên, môn ấy phải học sinh nào khéo tay thì mới thực hiện được. Mà khéo tay đến người lớn còn hiếm người huống hồ học sinh. Cho nên có thể khẳng định giáo dục toàn diện kiểu này của ngành giáo dục là... thiếu thực tế.

Môn mỹ thuật cũng vậy, thử điểm lại đội ngũ họa sĩ, hiếm ai không phải con nhà “nhà nòi”. Giới nghệ thuật đã thống kê không chính thức, hầu hết những người trong giới đều “nối dõi”, “con dòng cháu giống” từ thế hệ trước chứ “ngoại đạo” rất ít.

Nói vậy, không phải là để ấn định suy nghĩ này nhưng rõ ràng nó cho thấy, những môn nghệ thuật không thể coi là phổ thông được mà phải phụ thuộc vào năng khiếu.

Môn học tưởng là thời thượng nhất như vi tính nhưng xét đến cùng học ở bậc tiểu học cũng coi như... thừa. Vì chưa bàn đến thời gian, chưa bàn đến kinh phí đầu tư máy móc... chỉ bàn đến chuyện hợp hay không hợp thì việc bắt học sinh tiểu học, đối tượng không phải sử dụng đến máy tính, nghiên cứu về kỹ thuật công nghệ lại càng không thì học máy vi tính là vô lý.

Nếu để chuẩn bị cho tương lại việc sử dụng này thì cũng chưa phải lúc, ít nhất lên cuối cấp THCS hoặc THPT mới nên học để phù hợp với lứa tuổi, việc thực hành thường xuyên, ý thức giữ gìn máy móc khi sử dụng...

Cho nên, với những môn học thừa trên đây, có ý kiến cho rằng nên loại khỏi chương trình giáo dục phổ thông để bên cạnh việc giảm tải cho học sinh còn tránh lãng phí thời gian, tiền bạc của học sinh, phụ huynh và của chính ngành giáo dục.

 

Không nhất thiết phải học vi tính ở bậc tiểu học

 

Đồng quan điểm này, PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh, cũng cho rằng chương trình giáo dục phổ thông hiện có tới 50% kiến thức có thể giảm tải bởi không cần thiết.

Còn ông Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng cho rằng: nhất thiết phải có “một tổng công trình sư” cùng với đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn xây dựng lại toàn bộ chương trình, sách giáo khoa cho học sinh phổ thông. Chứ như hiện nay, vẫn còn “nặng” quá. Các giáo viên phổ thông gồm ở cấp tiểu học, THCS phần lớn cũng nhất trí như vậy.

Một giáo viên tiểu học đã chia sẻ: “Không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên chúng tôi cũng rất vất vả khi phải dạy chương trình gồm nhiều lĩnh vực như vậy. Chúng làm chúng tôi không còn thời gian để tư duy sáng tạo trong giảng dạy mà nhiều khi như là cố dạy để cho hết bài. Tôi cho rằng, thời gian để học những tiết đó có thể cho học sinh nghỉ ngơi, giải trí coi như là để “tái sản xuất” sức lực của các em. Hơn nữa, vui chơi cũng là quyền lợi của các em nữa”.     

Thực ra, chủ trương giáo dục toàn diện của ngành giáo dục thể hiện rất rõ tham vọng của những nhà quản lý giáo dục. Nhưng tham vọng đó, rõ ràng là không phù hợp với hoàn cảnh thực tế của xã hội và trở thành nguyên nhân của rất nhiều vấn đề trong giáo dục hiện nay như chương trình quá tải, dạy thêm học thêm...

Thậm chí còn khiến cho mục đích của giáo dục bị phy giáo dục. Mà tất cả những điều đó học sinh là đối tượng đầu tiên, thế hệ làm chủ tương lai đất nước phải gánh chịu. Sau đó, đến tương lai của đất nước. Như vậy, có nên tiếp tục những môn thừa trong giáo dục không?

 

Xuân Bách