Bài 4: Quá trình hình thành và phát triển BSR - Giai đoạn từ 1998 đến 2003

Chuyển quyền chủ đầu tư dự án NMLD Dung Quất sang phía Việt Nam

07:41 | 14/04/2023

5,456 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Như đã đề cập, cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng trong khu vực châu Á đã có những tác động xấu đến việc huy động vốn để thực hiện dự án xây dựng Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất. Ngoài số vốn do Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã dự kiến thu xếp theo chỉ đạo của Chính phủ để đầu tư vào dự án thì việc thu xếp khoản tài chính còn lại là quá lớn và khó có thể thực hiện được. Trước tình hình đó, phương án Liên doanh với Nga để hợp tác xây dựng và vận hành NMLD số 1 tại Dung Quất được xúc tiến.
Chuyển quyền chủ đầu tư dự án NMLD Dung Quất sang phía Việt Nam
Ngày 28/12/1998, Công ty Liên doanh NMLD Việt - Nga (Vietross) chính thức được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 2097/GP-KHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước CHXHCN Việt Nam. Ảnh: Kỳ họp thứ I Hội đồng Quản trị Công ty Liên doanh NMLD Việt-Nga - tháng 9/1998.

Ngày 25/8/1998, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga đã ký Hiệp định Liên Chính phủ về việc xây dựng, vận hành NMLD số 1 tại Dung Quất. Theo đó, hai Chính phủ thống nhất giao cho Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Liên đoàn kinh tế hải ngoại Nhà nước Liên bang Nga (Zarubezhneft) cùng làm Chủ đầu tư của dự án.

Ngày 19/11/1998, hai phía đã thỏa thuận thành lập Liên doanh xây dựng và vận hành NMLD để trực tiếp thực hiện công tác quản lý xây dựng và vận hành NMLD Dung Quất. Thời gian hoạt động của Liên doanh dự kiến là 25 năm.

Ngày 28/12/1998, Công ty Liên doanh NMLD Việt - Nga (Vietross) chính thức được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 2097/GP-KHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước CHXHCN Việt Nam.

Chuyển quyền chủ đầu tư dự án NMLD Dung Quất sang phía Việt Nam
Lễ ký kết Hợp đồng cung cấp bản quyền công nghệ Cracking xúc tác (RFCC) giữa Công ty liên doanh NMLD Việt - Nga và Viện Dầu khí Pháp - tháng 3/2000.

Theo Quyết định số 560/CP-DK ngày 21/6/2001 của Chính phủ, tổng mức đầu tư cho dự án là 1,297 tỷ USD không bao gồm phí tài chính. Trong đó vốn pháp định là 800 triệu USD, chưa tính chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng và một số khoản chi phí của chủ đầu tư, chi phí bảo hiểm, chi phí xây dựng cảng, chi phí thuê đất và một số hạng mục chưa đầu tư. Tỷ lệ góp vốn của hai phía Việt Nam và Liên bang Nga là 50/50. Việc liên doanh với Nga đã giải quyết được hai vấn đề lớn đó là kêu gọi được nguồn vốn đầu tư và huy động được các chuyên gia có kinh nghiệm để thực hiện dự án.

Chuyển quyền chủ đầu tư dự án NMLD Dung Quất sang phía Việt Nam
Lễ ký kết Hợp đồng Gói thầu EPC 2 và 3 giữa Công ty liên doanh NMLD Việt - Nga và Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) - ngày 11/7/2001.

Trong giai đoạn Liên doanh, dự án NMLD Dung Quất được chia làm 8 gói thầu, trong đó có 7 gói thầu EPC (thiết kế, mua sắm, xây lắp) và 1 gói thầu san lấp mặt bằng nhà máy. Các gói thầu gồm, gói thầu EPC số 1: Các phân xưởng công nghệ, năng lượng phụ trợ và các hạng mục trong hàng rào nhà máy; gói thầu EPC số 2: Khu bể chứa dầu thô; gói thầu EPC số 3: Hệ thống ống dẫn sản phẩm, khu bể chứa sản phẩm, hệ thống xuất sản phẩm bằng đường biển và đường bộ; gói thầu EPC số 4: Hệ thống nhập dầu thô, gồm phao rót dầu một điểm neo (SPM) và hệ thống ống ngầm dẫn dầu thô đến khu bể chứa dầu thô; gói thầu EPC số 5A: Đê chắn song; gói thầu EPC số 5B: Cảng xuất sản phẩm; gói thầu số 6: San lấp mặt bằng nhà máy và gói thầu EPC số 7: Khu nhà hành chính, điều hành.

Chuyển quyền chủ đầu tư dự án NMLD Dung Quất sang phía Việt Nam
Công trường san lấp mặt bằng NMLD Dung Quất - năm 2001.

Công ty Liên doanh NMLD Việt - Nga đã tiến hành đấu thầu, đàm phán, ký kết và triển khai được 7/8 gói thầu, trừ gói thầu EPC 1 - Gói thầu quan trọng nhất của dự án. Liên doanh cũng đã thu xếp đủ vốn cho dự án từ nguồn tín dụng của hai phía, đồng thời hoàn thành được một số hạng mục xây dựng cơ bản, ổn định cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện làm việc của CBCNV; thiết lập cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự, điều hành; ban hành các nội quy, quy trình và quy chế hoạt động…

Trong quá trình Công ty Liên doanh NMLD Việt - Nga đàm phán hợp đồng EPC số 1 với Tổ hợp nhà thầu Technip (Pháp)/ JGC (Nhật Bản)/ Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha), có những vấn đề phức tạp nảy sinh khiến cho tiến độ công việc kéo dài. Hai bên trong Liên doanh không đạt được sự đồng thuận đối với một số vấn đề quan trọng như việc thuê tư vấn quản lý dự án, quyết định sử dụng các nhà thầu phụ, các nhà cung cấp thiết bị, phương án phân phối sản phẩm và một số giải pháp hoàn thiện cấu hình công nghệ, nâng cao chất lượng và chủng loại sản phẩm của nhà máy... Do vậy, hai bên đã đề nghị Chính phủ hai nước quyết định chấm dứt Liên doanh. Phía Nga chấp thuận phương án rút khỏi dự án để chuyển giao lại toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong Công ty Liên doanh NMLD Việt - Nga sang phía Việt Nam.

Chuyển quyền chủ đầu tư dự án NMLD Dung Quất sang phía Việt Nam
Ban lãnh đạo Công ty Liên doanh NMLD Việt - Nga làm việc tại công trường - tháng 4/2002.

Ngày 25/12/2002, Phái đoàn liên Chính phủ hai nước Việt Nam và Liên bang Nga đã ký Nghị định thư thỏa thuận chuyển quyền chủ đầu tư dự án NMLD Dung Quất sang phía Việt Nam. Ngày 05/01/2003, Bộ Công sản Nga, Zarubezhneft và Petrovietnam đã ký biên bản chuyển giao toàn bộ nghĩa vụ và trách nhiệm tham gia Công ty Liên doanh NMLD Việt - Nga của phía Nga hoàn toàn sang phía Việt Nam. Công ty Liên doanh NMLD Việt - Nga chấm dứt hoạt động.

(Còn nữa)

Bài 1: Quá trình hình thành và phát triển BSR - Giai đoạn từ năm 1977 đến 1991Bài 1: Quá trình hình thành và phát triển BSR - Giai đoạn từ năm 1977 đến 1991

P.V