Chuyện nhà đèn ở vùng biên

06:55 | 10/03/2014

789 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lai Châu có 21 xã biên giới giáp Trung Quốc. Người dân sống ở đây chủ yếu là người Mông, Dao và thường ở trong những ngôi nhà nằm vắt vẻo mãi trên đỉnh núi có độ cao cả ngàn mét. Vậy nên, để kéo điện tới từng nhà dân là một công việc đầy gian nan, vất vả nhiều tuyến đường dây phải băng rừng, vượt núi, chi phí rất lớn!

Năng lượng Mới số 302

Nhọc nhằn kéo điện

Cách đây 2 năm, khi theo anh Nguyễn Minh Nghĩa - cán bộ giám sát của Công ty Điện lực Lai Châu (PC Lai Châu) đến bản Lèn Chai, xã Dào San (Phong Thổ - Lai Châu), chúng tôi chứng kiến hơn chục công nhân thi công đường dây áo đẫm mồ hôi đang gò lưng ì ạch kéo một chiếc cột điện lên con dốc lởm chởm đá (ở đồng bằng chỉ cần 2 người cho cột điện lên xe cải tiến là đi băng băng). Nghe nói, thi công quãng đường dây 35kV dài hơn 3km kéo mà mất tới 7 tháng trời. Một phần do địa hình quá hiểm trở, thời tiết lại mưa nắng thất thường (đã mưa là lở núi, sạt đường, nắng thì cháy da cháy thịt). Một phần do những cột ở lưng chừng núi thi công rất khó, một phần do những cột nằm ở ruộng lúa của người dân, phải đợi sau mùa thu hoạch mới làm được.

Dựng cột, kéo dây đã khó nhưng đưa máy biến áp (MBA) về bản còn khó hơn. Chuyện đưa máy biến áp (MBA) vào Vàng Ma Chải để thay chiếc máy bị cháy mới thật là kỳ tích. Đúng hôm trời mưa tầm tã cả ngày, xe chở MBA phải dừng cách trạm 5km. Đây là quãng đường rất hiểm trở, đồn biên phòng phải huy động 40 chiến sĩ cùng vài chục thanh niên của xã và 10 cán bộ ngành điện dùng cả pa-lăng kéo MBA nhích từng bước cả ngày trời mới tới nơi.

Do điều kiện quá khó khăn nên đến nay Lai Châu vẫn còn 8/108 xã chưa có điện lưới quốc gia. Có những xã cách trung tâm huyện hàng trăm km, mỗi hộ dân được kéo điện vào tận nhà và lắp 1 bóng điện. Đơn giản thế thôi nhưng suất đầu tư ở đây lên tới 40-70 triệu đồng/hộ. Theo ông Nghĩa, nếu không thực hiện nhiệm vụ chính trị thì không ai đầu tư kinh doanh ở những nơi này.

Chương trình đưa điện về bản Nậm Sáng (xã Phúc Than, Than Uyên) là một trong những bản vùng sâu, vùng xa đã có 100% số hộ được dùng điện lưới nhờ dự án mở rộng cải tạo lưới điện trung và hạ thế tỉnh Lai Châu. Trưởng bản Bàn Văn Phúc chia sẻ: Bây giờ cứ ngày có việc chung vui của bản là bà con lại ví: vui như ngày đóng điện. Có điện, có tivi, có radio, được nghe chính sách của Đảng, Nhà nước, được tiếp cận với kinh nghiệm của đồng bào nhiều vùng, người dân nơi đây dần thay đổi tập quán canh tác, chăn nuôi. Có hộ đã mua cả máy bơm nước về phục vụ tưới tiêu, đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, gà, bò... Cái đói dần bỏ đi. Cuộc sống của người dân đang đổi thay từng ngày.

Tôi vẫn nhớ câu nói của Chủ tịch tỉnh Lai Châu ngày khởi công Chương trình 30a: Lai Châu nghèo lắm, Chính phủ cho quần áo, thuốc men, sách vở, cái gì cũng quý. Tuy nhiên, ánh sáng điện là quý nhất vì đó là “cái cần câu” để bà con phát triển kinh tế. Đây cũng là suy nghĩ chung của bà con các dân tộc ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Gian nan quản lý

Được biết, dự án mở rộng cải tạo và mở rộng lưới điện trung và hạ thế tỉnh Lai Châu có tổng vốn đầu tư hơn 266,626 tỉ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và nguồn vốn đối ứng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC). Mục tiêu của dự án nhằm cải tạo và mở rộng lưới điện nông thôn cho khoảng 10.000 hộ sinh hoạt gia đình dân tộc thiểu số nghèo chưa có điện tại 36 xã thuộc 6 huyện: Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ, Mường Tè, Sìn Hồ, Cam Đường. Dự kiến, năm 2014, sau khi dự án hoàn thành sẽ đưa tỷ lệ có điện của tỉnh Lai Châu từ 58,77% lên 71,8% và sẽ nâng lên 81,8% sau khi thực hiện dự án ADB mở rộng và các dự án của EVN NPC.

Đưa điện về cho đồng bào dân tộc đã khó, việc quản lý kinh doanh điện càng khó hơn. Nguy hiểm luôn rình rập như: điện áp cao, té ngã khi leo cao... công việc lại không theo giờ giấc nhất định. Chỉ cần một sơ suất nhỏ khi thao tác, người thợ điện phải đánh đổi bằng sinh mạng của mình. Khó nhất là sản lượng điện quá thấp, các hộ dân chỉ dùng bình quân trên dưới 10.000 đồng/tháng, có hộ chỉ 2.000 đồng/tháng. Bán kính tải điện xa, tổn thất điện năng lớn, công tác thu tiền điện rất vất vả. Mùa khô, anh em phải phân công nhau xuống bám bản, bám dân hướng dẫn bà con đốt nương không để xảy ra cháy, nổ vào đường dây. Mùa mưa, mỗi lần phải đi xử lý sự cố kỹ thuật cũng như đi thu tiền điện, các anh phải cuốn xích sắt vào bánh xe máy mới đi qua được những chặng đường lầy lội, mì tôm thay cơm là chuyện bình thường. Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện các anh đi phát quang hành lang tuyến gặp thú dữ rắn rết, đi thu tiền điện vòng vèo đèo dốc cả trăm cây số, tính ra tiền xăng bỏ ra còn tốn hơn tiền điện thu về nhưng nếu không thu lại sợ bà con bản nọ so sánh với bản kia. Nhiều gia đình không có tiền phải trả bằng hiện vật như trứng gà, khoai sắn... thợ điện phải mang về dùng rồi nộp tiền vào. Với 21 xã biên giới và những vùng khó khăn của Lai Châu, ngành điện chỉ hướng đến tiêu chí phục vụ công ích là chính chứ không thể tính đến hiệu quả kinh tế. Nói cách khác, mục tiêu phấn đấu của PC Lai Châu chủ yếu là giảm lỗ chứ chưa dám nói đến lợi nhuận. Gian nan có thừa, doanh thu rất thấp nhưng các anh vẫn luôn phấn đấu đảm bảo phát triển lưới điện về các xã miền núi biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Cao Ngọc Lạc - Giám đốc PC Lai Châu: Dù rất khó khăn nhưng PC Lai Châu quyết phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 100% xã, 85% số hộ có điện. Riêng 3 huyện Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên thuộc diện hỗ trợ của EVN theo Chương trình 30a của Chính phủ sẽ có 90% số hộ được sử dụng điện quốc gia. PC Lai Châu sẽ quản lý và bán điện trực tiếp đến 100% số hộ trong tỉnh, đảm bảo để người dân được hưởng giá điện ưu đãi của Chính phủ.

Ngọc Loan

 

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps